Chỉ là ảnh hưởng?
“Ngẫu hứng phố” của Trần Tiến mở đầu bằng những câu: “Hà Nội cái gì cũng rẻ/Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi/Hà Nội cái gì cũng rẻ/Chỉ có đắt nhất tình người thôi/Hà Nội cái gì cũng buồn/Buồn thương đến thế mùa thu ơi/Hà Nội cái gì cũng vui/Rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè”.
Và đây là những câu đầu trong “Mùa thi đổ lửa” của nhà thơ Văn Giá: “Ở Quảng Trị cái gì cũng thiếu/Chỉ có gió Lào và cát trắng thừa thôi/Ở Quảng Trị cái gì cũng héo/Chỉ có phượng hồng và hoa giấy thắm tươi/Ở Quảng Trị tất thảy đều hiền lắm/Chỉ Quốc lộ là hung dữ nhất thôi/Cô giáo coi thi xe máy về phố thị/Xe tải tông ngang/Nấm mộ chân đồi”.
Bài thơ “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá đăng trên báo Văn nghệ, bộ mới, số 01, ngày 3 tháng 7 năm 2021. Trên số báo này Văn Giá được chọn một chùm thơ gồm 3 bài, trong đó có “Mùa thi đổ lửa”. Người vinh dự được chọn thơ cho báo Văn nghệ, bộ mới, số 01, chính là nhà thơ, nhà văn Nguyễn Việt Chiến. Ông chia sẻ: “Tôi không biết bài hát của Trần Tiến”. Lý do Nguyễn Việt Chiến chọn “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá để đăng, chỉ đơn giản là: “Bài thơ rất hay”. Ngay đến bây giờ, khi cuộc tranh luận Văn Giá “đạo” hay không “đạo” ca từ Trần Tiến nổ ra, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vẫn bảo lưu ý kiến đánh giá về “Mùa thi đổ lửa”. Ông xin đính chính: “Bài thơ của anh Văn Giá có tên “Mùa thi đổ lửa”, chứ không phải “Mùa thi đỏ lửa” như một số người đang nhầm”. Nhà thơ Văn Giá cũng khẳng định: “Bài thơ của tôi có tên Mùa thi đổ lửa”. Vì một số người nhầm bài thơ của Văn Giá là “Mùa thi đỏ lửa” nên lại khoác thêm cho anh “tội” mới: Văn Giá mô phỏng ý “Mùa hè đỏ lửa” của Phan Nhật Nam.
Quay lại cuộc tranh luận “Mùa thi đổ lửa” “đạo” hay không ca từ Trần Tiến. Người tuyển chọn thơ Nguyễn Việt Chiến, sau đó, đã tìm “Ngẫu hứng phố” của Trần Tiến để tham khảo ca từ. Ông đưa ra nhận xét: Có sự giống nhau giữa mô-tip, mô thức thơ giữa hai tác phẩm. Nhưng nội dung hoàn toàn khác nhau. Trần Tiến nói về Hà Nội. Văn Giá nói về Quảng Trị. Để làm rõ thêm cuộc tranh luận, Nguyễn Việt Chiến kể: “Trang thơ tôi chọn gồm có nhiều tác giả: Ly Hoàng Ly, 6 bài; Văn Giá, 3 bài; Hoàng Thụy Anh, 3 bài; Lâm Huy Nhuận, 3 bài. Lúc đầu, nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho rằng, trang thơ ấy chỉ có mấy bài hay thôi. Trong đó Trần Mạnh Hảo đánh giá cao bài “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá và 3 bài của Lâm Huy Nhuận. Còn tác giả khác bị chê lung tung. Nhưng ngày hôm sau, Trần Mạnh Hảo lại lật ngược vấn đề, “đập” luôn Văn Giá”.
Hỏi nhà thơ Trần Mạnh Hảo, ông giải thích: “Mới đầu tôi khen 3 bài của Lâm Huy Nhuận và bài “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá. Về sau tôi đọc kỹ lại, tôi nhớ ra Trần Tiến có bài “Ngẫu hứng phố”. Trần Mạnh Hảo nói thêm: “Nếu không đạo bài của Trần Tiến thì Văn Giá đã kiện Trần Mạnh Hảo ra tòa”. Trước câu hỏi của phóng viên: “Anh có ý kiến gì khi Trần Mạnh Hảo nói anh “đạo” Trần Tiến?”, nhà thơ Văn Giá đáp: “Không có ý kiến gì”. Một người ngoài cuộc quan sát cuộc tranh luận này, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, cho rằng: Nên gọi là ảnh hưởng thì đúng hơn là “đạo”. Văn Giá mô phỏng cấu trúc bài hát “Ngẫu hứng phố”. Nhà thơ Trần Tuấn trên “Văn học Sài Gòn” cũng nêu ý kiến của mình: Theo anh, Trần Mạnh Hảo hơi quá lời. Trần Tuấn công nhận “Mùa thi đổ lửa” có một số câu đã trùng với mô thức/trật tự biểu đạt ở phần đầu của ca khúc “Ngẫu hứng phố” của Trần Tiến .
Có gì mà ồn ào
Cũng có một số cây bút đứng về phía Trần Mạnh Hảo, lên án Văn Giá khá gay gắt. Nhà thơ Trần Nhương dự đoán cuộc tranh luận “sẽ rất hot” giữa mùa dịch. Nhưng có lẽ, “Trần Ham Vui” (nickname của Trần Nhương) đã nhầm. Người có ý nghĩa nhất trong cuộc tranh luận này đã lên tiếng. Nhạc sỹ Trần Tiến không hề biết chuyện làng văn đang tranh luận bài “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá “đạo” ca từ “Ngẫu hứng phố” của ông. Ông không muốn “đổ thêm dầu vào lửa”: “Tôi không đánh giá bài thơ đó “đạo” hay không. Bởi vì bài hát của tôi để tặng cho mọi người. Tôi giữ làm của riêng làm gì đâu? Ai muốn dùng làm gì thì dùng. Muốn nghĩ thêm cái gì thì nghĩ. Bởi cuộc đời ngắn lắm. Giữ bản quyền làm gì cho khổ”.
Tác giả “Ngẫu hứng phố” chia sẻ thêm: “Người ta lấy ca từ của tôi nhiều lắm, nào sắc màu tình yêu, sắc màu quần áo hay thành phố trẻ chẳng hạn… Người ta cũng lấy giai điệu nọ, giai điệu kia của tôi. Nhưng tôi không phản ứng. Tôi viết để cho mọi người, tặng mọi người”. Quan điểm của Trần Tiến: “Viết không phải là sản phẩm của cá nhân. Nếu viết là sản phẩm của cá nhân thì không phải viết mà là sản xuất. Sản xuất thì tạo ra thành phẩm, thành phẩm mang bán, được tiền. Nhạc phẩm của tôi không phải thành phẩm. Nhạc phẩm của tôi là những bông hoa mang tặng mọi người. Mọi người thích vứt đi thì vứt. Mọi người thích mang về bày thì bày. Nếu thấy thơm hãy hôn nó. Thế thôi. Có gì đâu?”.
Trong mắt Văn Giá, nhạc sỹ Trần Tiến là “một tài năng lớn, một nhân cách lớn”. Anh nói: “Tôi chơi guitar, thỉnh thoảng ôm đàn hát bài của Trần Tiến mà”.
Sự ra đời của “Ngẫu hứng phố” từng được nhạc sỹ Trần Tiến chia sẻ trong Liveshow “Chuyện tình”, tôn vinh âm nhạc Trần Tiến và Thanh Tùng. Ông kể: Một lần ra Hà Nội chơi, ông cùng với người bạn thân là nhạc sỹ Nguyễn Cường đi ăn. Trong túi Nguyễn Cường chỉ có 7 ngàn đồng nhưng cả hai đã cùng nhau đi ăn bánh cuốn, xôi, bún ốc… Ăn xong tự nhiên ông ngân nga: “Hà Nội cái gì cũng rẻ/Chỉ có đắt nhất là mày thôi/Hà Nội cái gì cũng rẻ/Chỉ có quí nhất là tình người thôi”. Sau đó, “Ngẫu hứng phố” ra đời, câu chữ được sửa sang ít nhiều: “Hà Nội cái gì cũng rẻ/Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi”… Nông Hồng Diệu