Nhắc đến nhạc sỹ Nguyễn Cường, nhiều người nghĩ đến những ca khúc viết về Tây Nguyên nổi tiếng của ông như Hơ Ren lên rẫy, Em muốn sống bên anh trọn đời, Đôi mắt Pleiku… Nhưng ông còn một mảng khác cũng thành công không kém, đó là những sáng tác về đồng bằng Bắc Bộ với “Một nét ca trù ngày xuân”, “Mái đình làng biển”… Những năm trở lại đây, Nguyễn Cường lại hướng đến những tác phẩm dài hơi, mang tính hàn lâm “Đà Giang đại hợp xướng” hay “Xương Giang đại thắng-Non nước thái hòa”…
Suốt thời gian COVID khá dài, với diễn biến phức tạp, ông đã làm gì?
Nhạc sỹ Nguyễn Cường: Khi COVID mới xuất hiện tại Việt Nam, tôi công bố tác phẩm thanh xướng kịch “Xương Giang đại thắng - Non nước thái hòa” tại Bắc Giang vao mồng 5 tháng Giêng năm Canh Tý (tức ngày 29 tháng 1 năm 2020), Trong khoảng 2 năm qua tôi đã hoàn thành thêm tác phẩm lớn nữa và đang dàn dựng tại Buôn Ma Thuột.
Ông có thể tiết lộ chút ít về đứa con tinh thần này?
Nhạc sỹ Nguyễn Cường: Một ca kịch, kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, nói về người anh hùng vĩ đại của dân tộc Ê Đê. Đó là chàng Đam San.
Ông có dựa nhiều vào sử thi Đam San khi xây dựng ca kịch?
Nhạc sỹ Nguyễn Cường: Cảm hứng bắt nguồn từ trường ca Đam San, lấy tên “Khát vọng Đam San”. Tôi đã ở Buôn Ma Thuột hơn 2 tháng nay.
Ngoài “Khát vọng Đam San” ông còn có những ca khúc nào ra đời trong 2 năm qua?
Nhạc sỹ Nguyễn Cường: Bây giờ tôi ít quan tâm đến bài hát hơn. Vì tôi phải tập trung làm tác phẩm lớn.
Có thể nói Nguyễn Cường vẫn dồi dào sáng tạo?
Nhạc sỹ Nguyễn Cường: Tôi vẫn làm việc hăng hái còn sáng tạo dồi dào hay không thì phải để khán giả thưởng thức và đánh giá mới chuẩn. Tôi không thích dùng ngôn từ “đao to búa lớn”. Chỉ biết là thời COVID tôi vẫn làm việc và đạt hiệu quả.
Những tác phẩm dài hơi thường được nghệ sỹ viết khi đang độ sung sức. Còn ông, có vẻ đi ngược lại, viết tác phẩm lớn khi tuổi cũng đã lớn. Điều này có khiến ông vất vả không?
Nhạc sỹ Nguyễn Cường: Tôi mới 35 tuổi. Ơ kìa!