Theo thông tin từ gia đình nhạc sĩ Phú Ân, nhạc sĩ đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 23h49 ngày 19/11, hưởng thọ 83 tuổi. Ông là anh trai của nhạc sĩ Phú Quang - nhạc sĩ qua đời ngày 8/12/2021.
Nhạc sĩ Phú Ân tên thật là Nguyễn Phú Ân sinh năm 1940, quê Vĩnh Lộc, Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Tây. Ông là một trong những học sinh khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam tại 32 Nguyễn Thái Học (nay là Nhạc viện Hà Nội). Năm 1959, ông tốt nghiệp về công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Ông sáng tác nhiều ca khúc, còn chơi đàn guitar và soạn nhạc không lời.
Nhiều ca khúc của ông được Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phát trên sóng, được đông đảo khán, thính giả yêu thích và yêu cầu nhiều lần như Em là sông Thương, Dòng sông bên lở bên bồi, Muôn thuở ta tìm em…
Một số ca khúc được các Đoàn chọn làm tiết mục biểu diễn và đã đoạt Huy chương Vàng, Bạc trong các liên hoan âm nhạc như Vầng trăng lặng lẽ, Em gái Đồng Đăng, Ta tự hào là Cảnh sát Nhân dân Thái Nguyên, Vì mặt đường bình yên...
Bài ca Hồ Chí Minh là bài hát nổi tiếng nhất được nhạc sĩ Phú Ân viết lời Việt. Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng từ một hành khúc chuyển thành ca khúc, vẫn nhịp đi nhưng lại mang tính trữ tình phù hợp với giọng hát Quang Hưng, đồng thời khi Việt hóa phải được hát trên sân khấu thay vì ngoài đường. "Phú Ân rút gọn 9 lời thành 4 lời, phỏng theo nội dung và lồng tình cảm của mình vào", nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhận định.
The Ballad of Ho Chi Minh tiếng Anh đầy đủ 9 lời được biết đến nhiều nhất là bản thu âm của ban nhạc Stormy Six. Với phiên bản Việt Nam, bản thu âm chính xác nhất đang phổ biến có phần tiếng Anh chỉ sử dụng 2 lời (lời 1 và 3) cùng với 4 lời Việt do Phú Ân viết, Quang Hưng thể hiện.
Lần đầu tiên Bài ca Hồ Chí Minh vang lên trong nước là ở Nhà hát Lớn Hà Nội, đúng sinh nhật Bác năm 1967. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long kể theo lời NSƯT Quang Hưng, Bác Hồ thích nhất bài hát với lời này vì "không tôn vinh quá đáng".
Nhạc sĩ Phú Ân được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và Huy chương Chiến sĩ Văn hóa.
Lễ viếng nhạc sĩ Phú Ân được tổ chức lúc 7h ngày 25/11 tại Nhà tang lễ thành phố - số 125 Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lễ an táng được tổ chức cùng ngày tại Công viên Tưởng niệm Thiên Đức (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).