Sáng ngày mùng 2 tháng 1, sau khi nhạc sĩ bị ho ra máu, ngay lập tức người nhà đã đưa ông vào cấp cứu tại BV Nhân dân Gia Định. Hiện nay nhạc sĩ Hoàng Hiệp vẫn đang trong tình trạng hôn mê. Trước đây ông đã bị tai biến 3 lần và nằm một chỗ suốt 3 năm qua.
Sinh năm 1931, năm nay 82 tuổi với 65 năm sáng tác, người nhạc sĩ tài hoa này đã có hàng trăm ca khúc. Rất nhiều người thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội đều không thể quên Lá đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Câu hò bên Bến Hiền Lương, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội...
Là người gốc An Giang, nhưng nhạc sĩ Hoàng Hiệp có 20 năm sống ở Hà Nội. Sau năm 1975 ông trở về miền Nam và công tác tại Nhà xuất bản Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, sau chuyển sang Hội âm nhạc thành phố và một thời gian làm Tổng thư ký Hội.
Nhạc sĩ Hồng Đăng đã từng nói về nhạc sĩ Hoàng Hiệp rằng ông là một người chung tình nhất, chỉ với một tình yêu mà đã viết ra hàng trăm tác phẩm với nhiều bản tình ca không quên.
Và có lẽ, tình yêu với người con gái Hà Nội, nghệ sĩ sân khấu Diễn Lan, đã giúp ông thăng hoa với hàng loạt những bản tình ca Con đường có lá me bay (1977), Mùa chim én bay, Em vẫn đợi anh về, Nơi anh gặp em (bài hát trong phim Tội lỗi cuối cùng), Trở về dòng sông tuổi thơ, Em vẫn đợi anh về...
Những tác phẩm này đã trở thành một phần không thể thiếu trong những ký ức của rất nhiều người khi nhớ về thủ đô.
Bài hát Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp được coi là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về Hà Nội, đã đi vào lòng công chúng không chỉ người Hà Nội mà tất cả những người đã từng đến với thủ đô, dù chỉ một lần.
Ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Hoàng Hiệp còn viết nhạc cho rất nhiều vở kịch nói, các vở cải lương và viết nhạc cho hàng loạt phim truyện và phim tài liệu nổi tiếng như Cánh đồng mơ ước, Bản nhạc người tù, Mùa gió chướng, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Biệt động Sài Gòn...
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên Bến Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.
N.Đinh