Nhà vé số và chuyện 'lá vàng' tha hương

Cuộc sống cô đơn ở nơi phồn hoa đô hội, tình yêu của họ chất phác trong đói khổ, đôi khi một nụ cười, một cái nắm tay đã là hạnh phúc. Trong "nhà vé số" này, có hàng chục mảnh đời "gần đất xa trời" đang lầm lũi kiếm ăn, đằng sau đó là những mơ ước nhói lòng…
Bữa cơm chiều trong "nhà vé số".

Tình người tha hương

Nhà trọ những lúc cao điểm lên tới 40 người, trong đó đàn bà nhiều hơn đàn ông, trẻ nhất 40 tuổi, già nhất 88 tuổi. Người đàn ông đứng ra cưu mang là ông Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi), già trẻ đều gọi bằng tên thân mật là ông Bốn. Lúc đầu ông đi làm phụ hồ, sau thấy mất sức quá, ông chuyển sang bán vé số.

Đi đến đâu thấy người bán vé số cùng quê Phú Yên là ông hỏi thăm xem đã có chỗ ở chưa? Nếu chưa có hoặc có rồi mà đắt đỏ thì chuyển về ở cùng ông rồi chia tiền ra. Giá thuê nhà 5 triệu đồng/tháng, tính ra mỗi người chỉ đóng hơn một trăm ngàn đồng/tháng. Với giá chỉ bằng ba tô phở như thế nên các thành viên tìm đến là những bà già "gần đất xa trời", hom hem, đau xương đau khớp, ông già cụt chân, mắt mù, tai điếc... Tuy nhiên, chỉ những người đến từ quê Phú Yên, ông Bốn mới nhận.

Ông Bốn giải thích: "Vì ở quê khác không biết người ta tính tình ra sao, cho vào sống chung sợ mất vé số, mất tiền coi như cụt vốn, lúc đó chỉ có khóc hết nước mắt mà thôi". Chỗ ở hiện nay của "tập đoàn vé số" nằm dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ (P. Cầu Kho, Q.1, TP Hồ Chí Minh), là chỗ thứ 8 sau 7 năm ông Bốn tha hương vào Sài Gòn. Ông Bốn vừa kể vừa cười phớ lớ: "Mấy chỗ kia chỉ ở được vài tháng là người ta đuổi đi, có chỗ ở được đúng 3 ngày.

Nguyên nhân duy nhất là ở đông ồn ào, nửa đêm người ta đang say giấc thì bên này mới lọ mọ đi bán vé số về. Tiếng đếm tiền thì thào, tiếng hỏi han chí chóe, rồi tiếng cười khanh khách ảnh hưởng đến giấc ngủ người ta. Họ không chịu được thì báo chính quyền đến đuổi". Ông Bốn bảo rằng, dọn đi thì không sợ, đồ đạc mỗi người chỉ có vài bộ quần áo rách để vào cái bị là xong, nhưng ngại vì toàn người già cả, lại què cụt, mù lòa, câm điếc, hễ đi phải có người dìu dắt.

Mỗi lần chuyển nhà là đến tay ông Bốn cả, rồi ông thuê chiếc xe ba gác tống cả đồ cả người lên, chẳng khác nào xe chở lợn. Căn nhà rộng chừng 20m², có một gác lửng. Diện tích chừng ấy và lúc nào cũng có khoảng 30 con người chui rúc. Mỗi người một cái chiếu, một mảnh chăn, nằm lăn lóc, chân người nọ đụng đầu người kia, duỗi tay hơi cong một tý là chạm vào mặt người khác, chủ yếu là nằm nghiêng, co quắp lại, xếp lớp như cá mòi, như giun dế.

Sống tập thể thì đông vui thật nhưng nhiều khi cũng cãi nhau inh ỏi, chỉ vì bất đồng cách sinh hoạt. Người muốn đi dép vào nhà, người lại không, bà già thích ăn cháo, người còn răng lại thích ăn cơm… Thế là giận hờn đùng đùng xách giỏ đi.

Chúng tôi đến "nhà vé số" vào đúng bữa cơm chiều, một nhóm đã về quê nghỉ dưỡng sức, nhóm khác đi bán chưa về. Nhóm còn lại tất bật ăn cơm để kịp giờ quay thưởng xổ số, rồi lấy xấp kết quả cùng tập vé mới đi biền biệt đến quá nửa đêm mới về. Mâm cơm chỉ có tô canh và nồi mắm kho cháy đen.

Ông Bốn cho biết, mỗi người đóng từ 5 đến 8 ngàn đồng một ngày, ăn hai bữa nên chỉ có vậy. Tôi để ý thấy một con cá nục chiên chặt làm đôi để giữa mâm cơm nhưng chỉ thấy mọi người chấm đũa, khều một tý rìa. Cuối bữa chỉ có canh và mắm là hết, cá nục vẫn còn nửa khúc để dành cho người về sau ăn.

Lịch hoạt động ở "nhà vé số" diễn ra liên tục cả ngày lẫn đêm. Giờ ngủ chính của họ là từ 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều. Ai còn khỏe thì đi một mình, ai què thì ngồi xe lăn, mù thì có người dắt… Họ tự ghép đôi vào nhau để mưu sinh, tiền kiếm được bao nhiêu chia đều. Hai anh em ruột ông Hai và bà Năm là một cặp bài trùng bao năm nay.

Ông Hai bị mù cả hai mắt, bà Năm bị đau lưng đau khớp, nhức đầu, chóng mặt… Ở quê, cả hai đều có gia đình riêng, có con cháu đùm đề nhưng chẳng có gì đổ vào miệng. Con cái đứa nào khỏe thì đi biển, thu nhập thất thường, cũng nghèo đói quanh năm. Chúng thương cha mẹ lắm mà chẳng thể làm gì hơn, đành ngậm ngùi tiễn cha mẹ vào Nam bán vé số.

Ông Bốn nếu không có thuốc nhỏ sẽ bị mù vĩnh viễn.

Ông Hai bảo rằng: "Ngày nào chúng tôi cũng đi bằng 5 chân (hai ông bà và một chiếc gậy). Đi từ quận 1 đến quận Tân Bình, khoảng hơn chục cây số. Đi đến khi nào đầu gối đau nhức, không lê được nữa thì ngồi gốc cây nghỉ. Đi mải miết đến 4 giờ sáng mới về phòng, mất 30 phút kiểm lại vé và đếm tiền nữa. Giấc ngủ của chúng tôi từ đó đến 6 giờ sáng. Đặt mình xuống chiếu là thiếp đi ngay, nhưng cũng chỉ được mươi phút rồi những suy nghĩ cơm, áo, gạo, tiền ập đến. Khi xấp vé số vẫn còn trong túi áo thì giấc ngủ chưa bao giờ "no".

Ông Bốn cho biết, thật ra cặp đôi anh em này chưa đêm nào ngủ, cả ban ngày cũng vậy. Họ sốt sắng ra đường, bán hết vé cũ lại lấy vé mới tiếp tục bán, họ làm như thể không có ngày mai.

Chuyện tình "vé số"

Cuộc sống cô đơn ở nơi phồn hoa đô hội, được ai đó sẽ chia, yêu thương giúp đỡ thì sự rung động là có thật. Tình yêu của họ chất phác trong đói khổ, đôi khi một nụ cười, một cái nắm tay đã là hạnh phúc. Ông Bốn bật mí, nhưng dặn đừng nêu tên thật ra vì họ xấu hổ trước bàn dân thiên hạ. Trong "nhà vé số" này hiện đang có hai cặp "già nhân ngãi, non vợ chồng".

Cặp ông H. và bà X. quen nhau đã ba năm, đã được các con chấp nhận. Ông H. có vợ con ở quê, bà X. chồng chết sớm, có đứa con gái duy nhất đã lấy chồng. Đầu tiên là những lời trêu ghẹo bông đùa cho nhau cười vui, sau thấy bên kia đỏ mặt, lại không có mấy phản đối nên chính thức "cưa" và bên này chính thức "đổ".

Ông H., 67 tuổi, răng lợi lủng liểng cái còn cái mất nhưng được dáng người phốp pháp, tóc tai lúc nào cũng vuốt ngược ra sau bóng loáng, ra dáng tài tử. Giá như cuộc đời ông không phải đi bán vé số, mà ăn mặc sạch sẽ vào thì nom cũng chẳng khác nào phú ông. Bà X., 58 tuổi, sở hữu nước da trắng hồng, chỉ có đôi vết chân chim trên khóe mắt, khi bà cười trông rất sang.

Đến với nhau bởi cảm thông nhiều hơn là tình yêu, bởi thực tế họ đi làm tiền ai nấy giữ và gửi về cho gia đình ở quê. Những lúc bà X. mệt nhọc, ông H sốt sắng đi mua nước trái cây về cho bà uống. Trong bữa ăn, ông hay để ý miếng nào to thì gắp cho bà. Sống trong môi trường tập thể, đàn bà nhiều hơn đàn ông thì việc ông H. quan tâm đặc biệt đến bà X. chính là biểu hiện rõ rệt nhất của tình yêu.

Ở phòng, ai cũng cảm nhận được điều đó và mặc định đó chính là tình yêu. Thậm chí, ông H. còn dẫn bà X. về nhà ra mắt, vợ con ông không có ý kiến gì. Con gái bà X. mỗi lần lên thăm mẹ cũng không quên mua thuốc lá cho ông X. "Thôi thì tuổi già nương tựa vào nhau. Họ yêu nhau không tốn tình phí, tiền ai người nấy giữ, chỉ là cho nhau sự quan tâm thôi" - ông Bốn cảm thông.

Đôi chân của bà Mầu (84 tuổi) chằng chịt vết thương.

Câu chuyện tình yêu khác ở căn "nhà vé số" này là cặp ông Tám bà Bảy. Ông Tám qua nhiều đời vợ mà không có con, gia nhập vào đội quân vé số được thời gian ông thương thầm bà Bảy. Bà Bảy ngoài 60 tuổi, chồng mất sớm, con cái lập gia đình có cháu nội ngoại hết rồi. Nhưng vì chúng nghèo quá, không đứa nào nuôi nổi mẹ, bà đành dứt áo ra đi tự nuôi sống mình. Bà Bảy không được đậm đà, trắng trẻo như bà X.

Trải qua nửa đời lam lũ, mắt bà đã mù mờ, đầu cũng bạc gần hết, mặt hoen ố tàn nhang và vết thâm. Còn ông Tám gầy guộc, bủng beo như que củi, ông cũng sương gió bầm dập quá nhiều, cộng thêm nỗi buồn không con nên trông tàn tạ, héo úa. Yêu bà Bảy, ông không hy vọng có đứa con nối dõi tông đường, bởi bà Bảy đã quá tuổi sinh nở rồi. Ông chỉ mong có một chỗ dựa khi về già, được con cháu bà Bảy chấp nhận và gọi bằng cha là ông mãn nguyện. Vừa rồi, hai ông bà dắt nhau về nhà bà Bảy để ra mắt, nghe đâu con cháu đã đồng ý cho "rổ rá cạp lại".

Còn cặp nữa là vợ chồng thật của ông Bốn. Vợ ông chịu trách nhiệm hậu cần cho "tập đoàn" vé số. Ngày đi chợ nấu ăn, rửa chén bát, lau chùi nhà cửa… Nói chung bà phải làm tất cả những việc không tên ở trong nhà. Mỗi ngày, người đi bán vé số về sẽ trả cho bà 5 ngàn đồng tiền công. Bà thu nhập mỗi tháng được ngoài 3 triệu đồng.

Còn ông Bốn chịu trách nhiệm đi lấy vé số, chở bà Bùi Thị Mầu (84 tuổi), chân yếu, mắt mờ, tai điếc đi đến địa điểm cố định ngồi bán vé. Khi nào bà gọi điện thì ông đến rước. Tiền thù lao sẽ trả theo thu nhập từng ngày, nhiều cho ông nhiều, ít thì ông lấy ít. Ngoài ra, ông Bốn còn chịu trách nhiệm ngoại giao với chủ nhà và hàng xóm xung quanh về chuyện ăn ở, sinh hoạt. Đến tháng, ông đi thu tiền nhà, ghi số điện, nước đóng cho chủ. Và nếu không may bị đuổi thì ông phải tất tả đi tìm nhà trọ mới.

Ông chỉ làm được bấy nhiêu thôi, vì con mắt của ông một bên đã bị mù, bên còn lại chỉ nhìn được một nửa. Để duy trì nửa con mắt sáng ấy, ông phải dùng thuốc liên tục mỗi ngày. Một tháng ngốn hết của ông hơn ba trăm ngàn đồng. Nếu không dùng thuốc trong vòng một tháng thì nửa mắt còn lại sẽ vĩnh viễn mù. Bác sĩ dặn ông phải cố gắng mà dùng thuốc.

Vì mắt của ông bị mù nhưng nó không tịt lại, hai con ngươi vẫn thao láo, thế này có đi bán vé số thì người ta không tin đâu. Ông Bốn bảo, khi nào mù sẽ về quê sống, con cái cho ăn gì thì ăn.

Theo Theo Cảnh sát toàn cầu