Ngày 28-5, tại Hà Nội diễn ra buổi giao lưu với nhà văn Mexico Alberto Ruy Sanchez, do Công ty Nhã Nam phối hợp với Đại sứ quán Mexico tổ chức và Không gian sáng tạo Cà phê Trung Nguyên tổ chức.
Alberto Ruy Sanchez được xem như một hiện tượng mới, người thắp lại ngọn lửa của nét thơ ngây và những xúc cảm cuồng nhiệt từng thiêu đốt hàng triệu trái tim độc giả văn học Nam Mỹ.
“Ông là nhà văn lạ lùng nhất trong số các nhà văn của Mexico, một nhà thơ đích thực kể về những câu chuyện từ một vùng đất rộng lớn hơn là một đất nước bởi vì ông là nhà thơ từ trong da thịt. Đó là lý do vì sao mà ngôn ngữ của ông chính là xúc giác, là cảm giác trong đó hàm ẩn rất nhiều điều” - Octavio Paz, nhà thơ Mexico đoạt giải Nobel Văn học năm 1990 viết về Sanche
Alberto Ruy Sanchez sinh năm 1951. Ông viết cả tiểu thuyết, phi hư cấu, thơ ca và tiểu luận, được đánh giá là một trong những nhà văn viết khỏe và có ảnh hưởng lớn nhất với nền văn học Mỹ Latin đương đại.
Tác phẩm của ông nổi tiếng bởi chính màu sắc nghệ thuật Mỹ La tinh kết hợp với văn hóa Ả-rập đậm nét.
Tác phẩm của ông được Nhã Nam phối hợp xuất bản tại VN gồm Đôi môi của nước, Tên của khí trời (2009), Làn da của đất (2011).
Ruy Sanchez là nhà văn Mexico đầu tiên có tác phẩm dịch ra tiếng Việt. Đó là những Tên của khí trời, Làn da của đất, Đôi môi của nước. Đây là các tác phẩm nằm trong bộ tư tiểu thuyết đầy thi vị của ông về tình yêu.
Sanchez đã lấy bốn nguyên tố cơ bản tạo nên thực tại - không khí, lửa, đất và nước - làm điểm xuất phát và gắn với nơi chốn duy nhất là thành Mogador (nay là Essaouira, Maroc) cho bộ tiểu thuyết của mình.
Chọn Mogador, Alberto Ruy Sanchez chia sẻ: “đây là nơi đã bị phá hủy hoàn toàn, có rất nhiều cát, chúng ta có thể cảm nhận được những cái đặc trưng của vùng đất đó… Tôi không viết nhiều về Mogador mà tôi viết về sự mạnh mẽ của những con người ở vùng đất đó”.
“Nếu ông có thể bắt đầu lại công cuộc sáng tác, ông có thể sáng tác lại một nơi nào khác trên thế giới mà không phải là Mogador?”. Trả lời câu hỏi này, Sanchez cho biết muốn được sinh ra ở Hạ Long.
“Nếu ở Hạ Long, tác phẩm của tôi sẽ có rất nhiều con rồng. Và các tác phẩm của tôi sẽ được di chuyển trên những con thuyền ở vịnh đó” – ông tâm sự.
Chất thơ trong tính dục
Trò chuyện trong buổi giao lưu, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng - người đầu tiên chuyển ngữ “Tên của khí trời” – tiểu thuyết đầu tay của Ruy Sanchez sang tiếng Việt - đã có những dòng cảm nhận về tác phẩm của Sanche.
“Vẻ đẹp của tác phẩm Alberto Ruy Sanchez là gì, nếu nói ngắn gọn, đó là chất thơ của tính dục. Tôi đã có trao đổi với Alberto Ruy Sanchez, chất thơ của tính dục đấy là một cái không phải mới mẻ, nó vẫn luôn luôn hiện hữu. Tác phẩm của ông là hành vi vừa đẹp vừa mạnh mẽ để kéo chất thơ của tính dục lại gần với đời sống. Đó là hành động vừa mạnh vừa đẹp”.
Nói về chất thơ trong văn chương, Alberto Ruy Sanchez cho rằng: Văn chương là hình thức khác của thơ ca. Thơ ca không chỉ là đơn thuần cách ta viết mà đó là những chiều hướng khía cạnh khác của cuộc sống.
Với nhà văn Mexico này, thơ ca như con dao phẫu thuật để chúng ta cảm nhận được văn chương sâu sắc hơn so với bất kì hình thức viết nào khác, để chúng ta hiểu về văn chương.
Do đó nếu tác phẩm nào viết về tính dục, hay đề tài có tính gợi dục, có một điều duy nhất đó rất là táo bạo. Nó không phải là cái gì chúng ta thể hiện chúng ta làm tình như thế nào bên ngoài mà là cách thể hiện nội tâm ở bên trong con người. Tính dục ở đây là để có thể thấy được tình yêu bên trong của con người.
Cách táo bạo nhất của nhà văn khi viết về tính dục đó là miêu tả một cái gì đó có tính thơ trong cuộc sống nội tâm của những người đang yêu. Con người yêu thương lẫn nhau, cảm thấy sức mạnh hỗ trợ bên trong, để miêu tả được điều này là rất khó. Khó hơn nhiều vẽ hình ảnh những cặp đôi này đang yêu nhau.
Phụ nữ và những giấc mơ
Trong những trang viết của mình, Ruy Sanchez dành tình cảm và vị trí trân trọng cho những người phụ nữ. Và hiện hữu bên những người phụ nữ là giấc mơ, khao khát.
“Tôi tin rằng cuộc sống của chúng ta được tạo ra từ những khao khát, đam mê. Khát khao đam mê là cái gì mang tính tưởng tượng, vô hình, không tồn tại. Tôi tin rằng, trí tưởng tượng thuộc về thế giới của khát khao. Ước mơ, giấc mơ không phải là về một cái gì đó không có thực. Ước mơ là sự đặt tên cho một cái khao khát. Giấc mơ, khao khát là chìa khóa chủ chốt để thấy cuộc sống tưởng tượng” - Alberto Ruy Sanchez quan niệm.
Nếu nhà văn Nhật Bản được ví là “kẻ lữ hành không mệt mỏi trên con đường tìm cái đẹp” thì Alberto Ruy Sanchez là lữ khách không bến đỗ trên dòng sông khát vọng của những người phụ nữ. Ông khát khao được tìm tỏi, giải thích và trăn trở với những giấc mơ, suy nghĩ của một nửa của thế giới. “Giấc mơ còn giống như những trái tim đã ăn nhập vào trong tác phẩm của tôi” – Sanchez.
Trong hệ thống sách của Sanchez có rất nhiều giấc mơ. Nhưng đó là những cuốn sách mang tính tài liệu vì ông đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu. Khao khát qua ngòi bút của ông đã hiện hữu ở rất nhiều hình thức khác nhau. Làm được điều này, Sanchez đã phỏng vấn hơn 100 người phụ nữ về sự khao khát, giấc mơ của họ, nhưng vẫn bao gồm cả những thực tế.
"Viết Làn da của đất, tôi chỉ phỏng vấn những người phụ nữ mang thai. Tôi cũng nói với các bạn rằng tôi biết rất rõ về sự tò mò, tôi rất tế nhị khi hỏi, nhưng tôi đưa vào trong đó tất cả sự đam mê.”
Hay Tên của khí trời, tiểu thuyết đầu tay của Ruy Sanchez, là lời xưng tụng đẹp đẽ và khôn nguôi về khát vọng yêu đương của người đàn bà, những khát vọng đi liền với sự mong manh, sự e ấp, và sự táo bạo đầy ắp nữ tính. Đó là một trong những món quà đẹp nhát mà một người đàn ông – một con người – có thể trao tặng cho những người đà bà của nhân loại” – Trần Tiễn Cao Đăng viết.
“Do đó khi cuốn sách được phát hành bằng tiếng Tây Ban Nha ở Mê-hi-cô ngay lập tức tôi đã nhận được rất nhiều bức thư và qua email; tôi nhận được thư của rất nhiều các bạn trẻ nói với tôi rằng: tôi cảm thấy tôi cũng có những giấc mơ như thế.... Hay tôi đã tìm thấy ngôn từ để nói với người mình yêu. Tình yêu ở tất cả các giới” - Ruy Sanchez nói.
Nhà văn cho biết dự định: “Tôi nói những người phụ nữ chưa phỏng vấn, tôi sẽ phỏng vấn họ trong những cuốn sách mới. Và như thế những người tôi phỏng vấn sẽ tăng lên”.
Trong không khí thân mật, Cao Đăng cũng chia sẻ chưa nhiều độc giả Việt Nam tiếp xúc với văn hóa, văn học Mexico nói chung và tác phẩm của Sanchez nói riêng.
“Nhưng tôi không lo vì điều đó, bởi vì điều đó sẽ thay đổi. Bởi vì một thứ văn chương đẹp như thế người ta sẽ nhìn thấy nó. Thậm chí, không cần nói nhiều về nó, nhưng người ta vẫn sẽ thấy nó, như người Việt Nam vẫn có câu “hữu xạ tự nhiên hương” - Trần Tiễn Cao Đăng tin tưởng.
"Những cuốn sách của tôi giống như một qua diêm, ngọn lửa nhỏ. Nhà văn chỉ châm ngọn lửa, đó không phải là cái bật lửa, người viết có liên quan tới ngọn lửa đó, nhưng chính người đọc là làm cho ngọn lửa đó bùng phát lên. Chỉ có người đọc mới làm cho ngọn lửa đó bùng phát lớn hơn." - Ruy Sanchez nói.