“Tôi bắt đầu công việc sưu tầm văn học dân gian Nam bộ ngay từ sau ngày đất nước thống nhất, những trang ghi chép từ năm 1976 tới nay đã bạc màu. Tôi lao vào thư viện, đi điền dã, ghi chép mà không biết đến bao giờ thì công trình mới hoàn thành vì kho tàng văn học dân gian Nam bộ quá lớn. Rồi không biết bao giờ và ai sẽ in cho mình công trình đồ sộ như thế. Nhưng tôi cứ đi, cứ làm, mà đôi khi giật mình tự hỏi: Mình làm thế này để làm gì?”. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng tiếp tôi trong ngôi nhà nhiều đồ gốm Nam bộ. Ông kể về những tháng ngày đạp xe đạp khắp vùng Nam bộ chỉ để ghi lại những câu chuyện cổ tích, những câu ca dao với một tình yêu vô tận đối với văn học dân gian.
Suốt từ năm 1976 tới nay, rất nhiều công trình nghiên cứu của Huỳnh Ngọc Trảng về văn hóa dân gian, các phong tục tập quán, các sinh hoạt trình diễn dân gian, tín ngưỡng dân gian được in ấn, nhiều cuốn tái bản liên tục, song công trình “để đời” là “Tổng tập văn học dân gian Nam bộ” lại mãi nằm im trong kho tư liệu phủ bụi. Một phần do công trình này quá đồ sộ, một phần có lẽ vì văn học dân gian không phải là đề tài “hot” đối với các nhà xuất bản.
Xin hoàn trả tiền tài trợ công trình
Giữa lúc hoàn toàn tuyệt vọng với việc in ấn bộ tổng tập văn học dân gian Nam bộ, dự kiến hàng chục cuốn, nhà nghiên cứu bỗng nhận được đề nghị tài trợ công trình từ Quỹ Hoa Sen.
Quỹ Hoa Sen được thành lập vào ngày 28/12/2016 theo quyết định của UBND TPHCM nhằm góp phần thúc đẩy giáo dục khai phóng, giáo dục không vì lợi nhuận và bảo tồn văn hóa. “Tôi nghe nhiều người tài trợ cho công trình của tôi! không tin được! không ngờ mọi người còn quan tâm đến công trình của tôi như thế! - Nhà nghiên cứu hồ hởi - Tôi phấn khởi nhận lời, lao vào xử lý đống tài liệu mấy chục năm tích cóp”.
Tổng cộng nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng có 6 thùng cát tông loại lớn đựng các trang ghi chép, phần lớn là chép tay, ghi lại những câu ca dao tục ngữ, câu đố, truyện cổ tích… Ông tìm ca dao tục ngữ không chỉ trong đời sống hằng ngày mà trong các từ điển cổ và mới, trong các tác phẩm văn học, trên báo chí từ thời Pháp thuộc cho đến bây giờ.
“Đôi khi, đọc cả cuốn truyện dài của một nhà văn nổi tiếng viết về Nam bộ tôi chỉ tìm thấy một vài câu ca dao, tục ngữ hay. Những mẩu chuyện cổ tích trên báo cách đây cả thế kỷ, phải tìm mãi mới ra, rồi ghi chép chúng vào giấy, ghi rõ chép từ trang nào, số báo nào…”. Giờ đây, sau khi tổ chức lại bản thảo, đem đánh máy thì lọc ra được 6.000 trang khổ A4 các trang sưu tầm của Huỳnh Ngọc Trảng.
Cứ tưởng rằng có tiền để biên soạn công trình, in sách, hoàn thành tổng tập đến nơi rồi, hóa ra không phải.
Trước đây, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng bị hỏng một con mắt. Trong thời gian biên soạn “Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ” thì con mắt cuối cùng của ông cũng hỏng nốt. Ông kể: “Hôm đó tôi đang soạn về ca dao tục ngữ vào máy tính, bỗng dưng thấy máy tính tối đen. Tôi gọi con tôi: Con ơi, xem lại máy tính, sửa máy tính cho bố đi. Con tôi vào phòng kêu lên: Máy tính vẫn sáng bình thường, vậy là mắt bố hỏng rồi”.
Một cú sốc lớn trong cuộc đời nhà nghiên cứu kỳ cựu. Ông đã nhận tài trợ và hứa với giới trí thức và độc giả về việc sẽ cho ra đời Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ, giờ đây, có lẽ lần đầu tiên trong đời ông phải thất hứa. Huỳnh Ngọc Trảng kể: “Tôi tuyệt vọng, nhưng dù sao, mình cũng phải làm đúng phận sự của mình. Tôi bảo với các con rằng có bao nhiêu tiền góp lại cho bố, gom đủ số tiền Quỹ Hoa Sen đã tài trợ để bố đem trả lại cho quỹ. Mắt hỏng rồi, bố không thể biên soạn được công trình, dành tiền cho thế hệ sau làm”.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đem đủ số tiền đã nhận tài trợ để trả lại cho Quỹ Hoa Sen với lý do “Mắt hỏng không biên soạn được”. Tuy nhiên, đại diện của quỹ trả lời: “Dù bác không soạn được Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ nữa, Quỹ Hoa Sen cũng không lấy lại tiền đã tài trợ, vì bác đã lao tâm khổ tứ với công trình đến hư cả mắt!”.
Có công mài sắt…
“Họ không chịu lấy lại tiền tài trợ, thì tôi chỉ có cách phải hoàn thành công trình để cho họ” - Nhà nghiên cứu tủm tỉm nói với tôi- “Sau một thời gian điều trị, tôi có thể nhìn thấy mờ mờ. Tôi viết ra giấy những nội dung chính, chữ to như gà mái, mỗi trang A4 chỉ được mấy chữ. Tôi ghi như thế khỏi quên và để cho vợ tôi sẽ giúp tôi sắp xếp tài liệu”. Ông còn tếu rằng: “Chẳng biết mình nhìn phải cái gì không đáng nhìn mà đúng lúc làm công trình lớn nhất thì mắt lại không thấy gì!”.
Có lần tôi nhắn tin hỏi thăm, ông không trả lời. Hai tháng sau ông gọi và nói: “Anh đừng nhắn tin cho mình nữa nhé, mình hỏng mắt không đọc được gì đâu. Con gái mình đọc tin nhắn, nói lại mình mới biết. Mình đang lo bản thảo văn học dân gian”.
Hàng ngày, ông bắt đầu nhìn vào tấm bảng có những chữ to như gà mái mẹ để xem đề cương và nhờ vợ đọc, biên tập, chỉnh trang đưa vào các tập bản thảo theo ý của ông. Trên bản thảo và cuốn sách đề tên ông và người vợ hiền, người đã ủng hộ ông suốt đời trên con đường nghiên cứu văn hóa dân tộc: Huỳnh Ngọc Trảng - Phạm Thiều Hương.
Huỳnh Ngọc Trảng biên soạn Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ như thể ông không bao giờ được làm nghiên cứu nữa. Việc phân loại, sắp xếp đống tư liệu khổng lồ kia, ngoài ông ra, không ai có thể làm được, vì không ai có thể biết câu đố kia nằm ở cặp sách nào, nay nên đưa vào phần mấy, tập nào.
“Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ” ra đời trong năm 2020, trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 đang lan rộng khắp thế giới, các hoạt động như ngày hội sách hay hoạt động đường sách đều bê trễ. Nhưng với Huỳnh Ngọc Trảng, ông đã trả được món nợ với các nhà tài trợ, món nợ với tình yêu văn học dân gian.
Tháng 7 năm 2020, bốn quyển đầu tiên của Tập 1 “Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ” (trong bộ tổng tập 7 tập, 12 quyển), chính thức được in ấn phát hành.