Dư luận ồn ào quanh câu chuyện phim cổ trang Trung Quốc “Thịnh Đường Huyễn Dạ” sử dụng “nhã nhạc cung đình Huế” làm nhạc nền trong một cảnh phim. Tạm gác công trình nghiên cứu Ả đào sang một bên, Bùi Trọng Hiền tỉ mẩn làm công việc “bác sĩ phẫu thuật/ phân tích ADN cổ nhạc” như anh tự nhận.
Có thể hiểu tóm tắt: Nhã nhạc triều Nguyễn chia làm hai hệ thống là Đại nhạc và Tiểu nhạc. Trong đó, bài bản Tiểu nhạc bao gồm Mười bài ngự và Năm bài ngự. Liên khúc Năm bài Ngự là: Ngũ đối thượng- Ngũ đối hạ- Long đăng- Long ngâm- Tiểu khúc. Liên khúc Mười bài ngự là: Phẩm tuyết- Nguyên tiêu- Hồ quảng- Liên hoàn- Bình bản- Tây mai- Kim tiền- Xuân phong- Long hổ- Tẩu mã.
Mười bài Ngự còn có những tên gọi khác như Mười bản Ngự, Thập thủ liên hoàn hay Mười bản Tàu. Vì sự hấp dẫn của Mười bài Ngự mà các dàn nhạc lễ dân gian, dàn nhạc thính phòng Huế đã lấy phần sau của liên khúc, ghép nối với bài Lưu thủy trong dân gian thành liên khúc Lưu thủy- Kim tiền- Xuân phong- Long hổ, được sử dụng khá phổ biến. Đây cũng được xem như “bài tủ” của các dàn nhạc dân tộc cải biên ở hệ thống nhạc viện Việt Nam. Như thế, bài Lưu thủy không thuộc biểu mục Nhã nhạc cung đình Huế, đây là điều khá nhiều người nhầm lẫn khi phát ngôn trên báo chí!
“Với bất cứ ai yêu nhạc Huế, hẳn đều dễ dàng nhận ra âm điệu đoạn nhạc trong phim “Thịnh Đường Huyễn Dạ” đúng là có nguồn gốc từ nhạc cung đình Huế. Nhưng ở mức độ sâu hơn, với một tai nghe cổ nhạc nhà nghề cẩn trọng, sẽ thấy những tiếng đàn tranh, đàn bầu điện, tỳ bà cải tiến, dàn trống da cải tiến, đàn bass điện tử... là cơ cấu của dàn nhạc dân tộc cải biên- phổ biến ở hệ thống các nhạc viện trong cả nước. Biên chế dàn Tiểu nhạc cung đình không hề có những nhạc cụ này. Vì thế, gọi sản phẩm đó là “Nhã nhạc cung đình Huế” thì chỉ đúng về mặt âm điệu”, Bùi Trọng Hiền nhận định.
“Như thế, đoạn nhạc trích trong phim “Thịnh Đường Huyễn Dạ” đơn giản là sự lắp ghép từng phần âm điệu của Kim tiền và Long hổ- tức có chất liệu/ âm điệu của Nhã nhạc cung đình Huế. Và, đây hoàn toàn không phải là bài “Lưu thủy- Kim tiền” như nhiều người phát ngôn trên báo giới vừa qua”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền khẳng định.
Anh cho rằng, với tai nghe nhà nghề, người trong giới đương nhiên có thể dễ dàng xác định được nguồn gốc đoạn nhạc như đã trình bày. Nhưng vì gần đây có giả thuyết cho rằng rất có thể “nhã nhạc” Trung Quốc cũng có bản nhạc tương đồng với Kim tiền và Long hổ của ta, và đoạn nhạc trong phim có thể là của họ?! Bởi vậy, để giúp độc giả ngoài nghề có thể hiểu rõ vấn đề, Bùi Trọng Hiền tiến hành truy tìm nguồn âm thanh trong phim, những mong có thêm bằng chứng/ vật chứng.
Từ file nhạc gốc trong phim “Thịnh Đường Huyễn Dạ” (00:00:27:615), Bùi Trọng Hiền cắt riêng phần trích đoạn bài Kim tiền rồi up lên những trang mạng chuyên dò tìm âm thanh hiện đại nhất, để tìm ra đường dẫn bản nhạc nguyên gốc Lưu thủy- Kim tiền- Xuân phong- Long hổ được chơi bằng dàn nhạc dân tộc cải biên trên trang nhaccuatui.com. Trong liên khúc, cụm 2 bài Xuân phong- Long hổ được dàn nhạc chơi lại 2 lần, lần 2 gấp gáp hơn lần 1, đây cũng là nét cải biên mới.
“Kết quả, đây đúng là một sự copy nguyên xi rồi cắt ghép, kể cả những nốt nhạc dàn dân tộc cải biên của ta đánh phô như thế nào! Xin xem đồ hình âm thanh so sánh đoạn nhạc trong phim và đoạn nhạc tôi cắt ghép giống hệt họ từ file nhạc gốc Lưu thủy- Kim tiền- Xuân phong- Long hổ. Ai hiểu về biểu đồ cường độ sóng âm thì chẳng cần nghe, chỉ cần nhìn cũng nhận ra sự trùng khớp 100% giữa 2 đoạn nhạc. Như vậy, đoạn nhạc trong phim “Thịnh Đường Huyễn Dạ” đúng là lấy từ nhạc của Việt Nam. Nhưng với những gì đã phân tích trình bày, hoàn toàn không thể gọi đó là “Nhã nhạc cung đình Huế” nguyên bản”, anh nhận xét.
Bùi Trọng Hiền nêu quan điểm, cần quan tâm tới việc các nhà làm phim Trung Quốc có ghi rõ nguồn trích nhạc hay không? “Ta chỉ có thể bắt bẻ nếu họ ghi nhạc phim là của họ”, anh nói.