Nhà hát - nơi mong đỏ mắt, nơi ế chỏng chơ

TP - Bi kịch của sân khấu xã hội hóa tại TPHCM là đỏ đèn liên tục, nhưng không có nhà hát cố định, trong khi đó Hà Nội có tới 15 nhà hát nhưng hoạt động cầm chừng.

> Ai đổ phân nhà hát phá đêm nhạc Hồng Nhung, Mỹ Linh?

Sân khấu Hoàng Thái Thanh ở trong cung thiếu nhi. Ảnh: Nguyên anh.

Đến thời điểm này, ngoại trừ sân khấu TPHCM với một số điểm sáng tích cực, sân khấu cả nước vẫn án binh bất động. Le lói ở Hà Nội, trung tâm sân khấu lớn thứ hai của cả nước cũng có một vài đốm sáng lóe lên rồi lặng lẽ vụt tắt hoặc hoạt động cầm chừng như việc thành lập CLB Nghệ thuật Sao Việt với vở kịch kinh dị Quỷ ám “đóng đô” ở Nhà hát Chèo Kim Mã một vài tháng rồi im hơi bặt tiếng, sân khấu tại hồ Thiền Quang 37 Trần Bình Trọng  của Nhà hát Tuổi Trẻ cũng lèo tèo vài chục người mỗi đêm diễn vào thứ bảy hằng tuần... Một số chương trình câu lạc bộ ra đời rồi chết yểu.

Trên một địa bàn như Hà Nội, với 11 đoàn nghệ thuật trung ương, bốn đoàn địa phương, song khi người dân có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật lại khó tìm thấy nhà hát nào đỏ đèn.

Thực trạng “thừa” và “thiếu”

Hà Nội có 15 rạp hát cho 11 đơn vị nghệ thuật sân khấu. Hiện tại, trong khu vực nội thành, chuyên về biểu diễn nghệ thuật có rạp Kim Mã, Chuông Vàng, Công Nhân, Hồng Hà, Đại Nam, Tuổi Trẻ, Nguyễn Đình Chiểu, Thanh Niên, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Quân đội, Rối nước Thăng Long, Rối Trung ương, Xiếc Trung ương cùng hai sân khấu có ban quản lý riêng là Nhà hát Lớn và Cung Hữu nghị Hà Nội.

Tính trên tổng diện tích của một Hà Nội kể từ khi nhập cùng Hà Tây với dân số ngót 7 triệu người, tỷ lệ rạp hát trên dân số thì con số ấy là quá nhỏ. Vấn đề là trong khi các rạp hát không đỏ đèn, vẫn có những nơi như Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam lên tiếng không có sân khấu để biểu diễn.

Những năm gần đây, gần như chỉ có rạp Tuổi Trẻ là giữ được nhịp đều đặn biểu diễn vào các buổi cuối tuần bằng chương trình của mình. Còn lại, rất nhiều đoàn vẫn loay hoay với các kế hoạch “lấy ngắn nuôi dài”, tìm hợp đồng biểu diễn kết hợp với cho thuê rạp để kín lịch hoạt động cuối tuần.

Chẳng hạn, đã 8 năm kể từ khi tiếp quản rạp Hồng Hà, Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức các chương trình để thu hút khán giả tới rạp. Ngoài 2 đêm diễn vào cuối tuần, Nhà hát còn bố trí thêm 2 suất diễn vào 19 giờ tối các buổi giữa tuần cho khách du lịch. Vậy nhưng, khá thường xuyên, lượng khách nước ngoài cho mỗi buổi diễn này chỉ khoảng... 20, 30 người. Cộng thêm 2 đêm diễn cho khán giả Hà Nội cuối tuần, nhà hát vẫn phải bù lỗ và động viên các diễn viên cố gắng vượt khó.

Tương tự, rạp Chuông Vàng tọa lạc ngay tại 72 Hàng Bạc, vị trí trong mơ của những bộ óc kinh tế, một thời là địa chỉ quen thuộc của khán giả nghiền cải lương Hà Nội, nhưng nay gần như... bỏ không.

 Cả TPHCM chỉ có một sân khấu thực sự dành cho kịch chính là Nhà hát lớn thành phố. Còn lại đều là sân khấu cải tạo chắp vá, phần lớn là các hội trường của cơ quan được anh chị em đi thuê rồi cải tạo.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM

Vấn đề kéo khán giả trở lại rạp hát có lẽ còn nan giải và đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, ở nhiều cấp, nhiều ngành...Nhưng, trên thực tế, các nhà hát này liệu đã được khai thác hết công suất? Chỉ tính riêng số nhà hát thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý trên địa bàn Hà Nội đã có tới 6 nhà hát: Rạp Âu Cơ (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), Sân khấu 16 Lê Thái Tổ (Nhà hát Nhạc nhẹ Việt Nam), rạp Kim Mã (Nhà hát Chèo VN), Nhà hát Lớn (BQL Nhà hát lớn), Nhà hát Múa rối Việt Nam - 361 Trường Chinh, Rạp Hồng Hà (Nhà hát Tuồng Việt Nam), Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm), rạp xiếc Trung ương (Liên đoàn Xiếc Việt Nam). Một số nhà hát khác tuy chưa có nhà hát hoành tráng nhưng cũng đã có trụ sở biểu diễn nhỏ như Nhà hát Kịch VN (số 1 Tràng Tiền), Dàn nhạc Giao hưởng VN (226 Cầu Giấy). Có lẽ chỉ còn có Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam là chưa có rạp biểu diễn.

Câu hỏi đặt ra là số lượng rạp hát như vậy đã đủ chưa ? Có những nhà hát có bề dày 60 năm như Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn lang thang nay đây mai đó để diễn, muốn biểu diễn tại Hà Nội thì phải đi thuê rạp. Nhưng cũng có những nhà hát tần số hoạt động phục vụ cho biểu diễn hầu như không có mấy như rạp Hồng Hà, rạp Kim Mã.

Có lẽ trong số các nhà hát thuộc bộ môn sân khấu, chỉ có Nhà hát Tuổi Trẻ là duy trì đều đặn lịch diễn vào các ngày cuối tuần bằng biểu diễn nghệ thuật, còn các rạp biểu diễn khác thì tìm cách “tận dụng” rạp vào các mục đích khác như đám cưới, hội nghị, hội thảo... Bên cạnh nghịch lý thừa và thiếu rạp hát thì sân khấu hiện đang phải đối diện với nghịch lý thừa vở diễn mới nhưng lại thiếu vở diễn hay.

Nhìn vào dàn kịch mục 5 năm trở lại đây của các nhà hát như Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam khó có thể  kể được những vở diễn thực sự tao ấn tượng mạnh, tốt với khán giả.

Hiện tại, đang có rất nhiều ý kiến cho rằng, cần tính toán kỹ lưỡng trong ứng xử với các đơn vị nghệ thuật công lập. Khi sân khấu đã có sự chuẩn bị nhất định về cơ sở vật chất, trang thiết bị... và nhất là nguồn nhân lực thích hợp, phải có những nhà quản lý nghệ thuật giỏi, tạo được sức hút với khán giả, thì việc thực hiện xã hội hóa sẽ hiệu quả và thiết thực.

Sài Gòn: Kịch thì có, sân khấu lại không

Phát triển với nhiều đoàn kịch, chiếm giữ vị gần như độc tôn trong đời sống giải trí với các vở diễn hằng đêm, nhưng họ không có sân khấu của riêng mình – đó là bi kịch của sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM.

Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc, sáng lập viên của sân khấu IDECAF cho biết:  “Các vở kịch của các đoàn nhà nước được đầu tư từ A-Z với kinh phí hàng tỷ đồng, chưa kể lương diễn viên, mặt bằng sân khấu. Kịch tư nhân với 100% vốn đầu tư của các nghệ sĩ, hầu như không nhận được đầu tư hỗ trợ nào từ phía nhà nước”. Các nghệ sĩ xã hội hóa này thực hiện các nghĩa vụ thuế không được miễn giảm gì. Cho tới nay chưa có đoàn kịch tư nhân nào đủ lực để xây dựng nhà hát cho mình, tất cả các đoàn đều đi thuê địa điểm để diễn theo hợp đồng.  

Sân khấu kịch Phú Nhuận nằm trong nhà văn hóa.

Nghệ sĩ Thành Lộc tâm sự: “Nhiều vở đã bán vé, cơ quan chủ quản đột nhiên thông báo “tối nay chúng tôi tạm trưng thu sân khấu sử dụng vào việc khác”, vậy là đoàn lại trả vé cho khán giả”.

Sân khấu kịch Phú Nhuận, nổi tiếng với các vở kịch kinh dị, nằm sâu bên trong nhà văn hóa của quận. Tới sân khấu Hoàng Thái Thanh, hóa ra sân khấu kịch tâm lý này nằm ở cung thiếu nhi. Ngoài sân có lớp tập võ, một sân khấu ngoài trời đang được dựng lên cho chương trình của đơn vị khác, một cuộc xuất quân của giới trẻ cũng ồn ào ngay cửa sân khấu kịch với loa cầm tay.

Xem một vở kịch của sân khấu Hoàng Thái Thanh vào suất 4 giờ chiều, thấy có gần 200 khán giả, con số không nhỏ trong bối cảnh khó khăn kinh tế. Nghệ sĩ Ái Như cho biết, với số lượng khách mặc dù ổn định nhưng không phải quá đông, việc diễn có lãi để mua đất xây sân khấu là chuyện … ngoài sức tưởng tượng.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung tâm sự: “Thành phố chưa thể xây dựng nhiều nhà hát, nhưng có thể xây dựng một nhà hát hiện đại, tiêu chuẩn, rồi các đoàn sẽ thay nhau lần lượt thuê để diễn.  Một thành phố hiện đại như TP.HCM hoàn toàn có thể làm được điều đó”.

Theo Báo giấy