Nhà hát nghìn tỷ ở Thủ Thiêm: Mỏi mắt chờ công bố kết quả thi thiết kế

TP - Cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM (đặt tại Thủ Thiêm nên gọi tắt Nhà hát Thủ Thiêm) kết thúc 6 tháng nhưng đến nay kết quả cuộc thi vẫn chưa được công bố.
Các nghệ sĩ mong chờ một nhà hát giao hưởng hiện đại tại Thủ Thiêm

Chậm công bố kết quả

Ngày 30/7/2020, cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà hát Thủ Thiêm chính thức được khởi động với sự tham dự của đại diện đơn 12 đơn vị tư vấn thiết kế trong và ngoài nước. Cuộc thi khép lại hồi tháng 10/2020 sau hai ngày chấm thi, song cho đến nay, kết quả vẫn chưa được công bố chính thức. Việc chậm trễ công bố kết quả dẫn đến sự hoài nghi, băn khoăn về kết quả cuối cùng của cuộc thi.

Ngày 10/5/2021, ngài Vincent Floreani - Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM gửi văn bản đến ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chuyên trách về văn hóa, liên quan đến Cuộc thi thiết kế Nhà hát Thủ Thiêm. Công hàm của Tổng lãnh sự phản ánh tâm tư của kiến trúc sư Jean - Francois Milou, một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất của Pháp hiện nay và là người tham gia cuộc thi này: “Trong thư, ông Jean - Francois Milou đã nêu lên một số câu hỏi liên quan đến quy trình của cuộc thi kiến trúc về dự án Nhà hát mới của thành phố, hiện vẫn chưa công bố kết quả”. Công hàm cũng nhấn mạnh: "Ông Milou là một kiến trúc sư người Pháp nổi tiếng và đồ án dự thi của ông liên quan đến một dự án mang tính biểu tượng của TPHCM, sẽ góp phần tăng cường các mối liên hệ giữa Pháp và TPHCM. Tôi luôn quan tâm sát sao đến dự án này” - Ngài Vincent Floreani - Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM đã viết.

Trước đó, ngày 13/4/2021, từ Singapore, KTS Jean - Francois Milou gửi thư cho Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM cho biết ông chưa nhận được thông tin từ kết quả cuộc thi và bày tỏ mong muốn sớm được biết kết quả này. KTS Jean - Francois Milou cũng bày tỏ lo ngại: "Chúng tôi hiện tại hết sức lo ngại về việc Luật Kiến trúc có thể sẽ không được thực thi cũng như sự công bằng của cuộc thi Quốc tế này sẽ không được tôn trọng bởi những lý do không rõ ràng".

Trước đó, KTS Lê Việt Sơn, đại diện cho Liên danh Studio Milou và Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Hà Nội - đơn vị tham gia cuộc thi cũng chia sẻ: “Chúng tôi là một trong 12 đơn vị đến nhận đầu bài thi vào cuối tháng 7/2020. Tôi nhớ không nhầm là ngày 30/7. Tuy nhiên, đến giờ phút này, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thống nào về kết quả cuộc thi. Theo một số nguồn tin không chính thức, chúng tôi biết được rằng sau nhiều vòng chấm, Hội đồng đã chấm điểm và phương án dự thi của chúng tôi đạt điểm cao nhất”.

Phóng viên Tiền Phong đã liên hệ với một số cơ quan chức năng xung quanh vấn đề công bố các giải thưởng cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà hát Thủ Thiêm, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi.

Không có giải nhất?

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, kết quả chấm thi đã có. Cụ thể, ngày 25/2/2021, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Ban QLDA ĐTXD) có Tờ trình gửi UBND TPHCM “Về kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc Công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch tại Lô 1-21, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2 (nay là TP Thủ Đức), TPHCM. Nội dung Tờ trình ghi: “Trong hai ngày 9 và 10/9/2020, Hội đồng thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch đã tiến hành chấm các bài dự thi. Trong hai ngày chấm thi, Hội đồng thi tuyển nghe báo cáo 10 phương án thiết kế. Các thành viên Hội đồng làm việc độc lập, đánh giá từng phương án, bỏ phiếu chọn 5 phương án vào vòng hai. Cụ thể, gồm các phương án có mã số: A747, L013, D102, V102, S099”.

Trong đó, phương án dự thi có mã số S099 của Liên danh Công ty Tư vấn thiết kế Studio Milou và Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Hà Nội (liên danh Pháp và Việt Nam) có số điểm: 86.80. Phương án dự thi có mã số D102 của Công ty GMP International GmbH (CHLB Đức) có số điểm: 82.58. Đây là hai phương án dự thi có số điểm cao nhất.

Nhà hát Thủ Thiêm tọa lạc tại khu đất có diện tích khoảng 20.354,8m2, tại Lô 1-21, Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo yêu cầu thiết kế, Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm một khán phòng lớn 1200 chỗ và một khán phòng nhỏ 500 chỗ với yêu cầu vừa chuyên sâu, vừa đáp ứng đủ điều kiện tổ chức các chương trình nhạc hàn lâm, nhạc kịch, vũ kịch đạt đẳng cấp quốc tế và các loại hình nghệ thuật khác của Việt Nam. Giải thưởng gồm: Một giải Nhất trị giá 1,2 tỷ đồng; một giải Nhì trị giá 700 triệu đồng; một giải Ba trị giá 300 triệu đồng và một giải Khuyến khích 100 triệu đồng.

Trước đó, Báo cáo của Ban QLDA ĐTXD ngày 26/10/2020, cho biết cụ thể chi tiết hơn kết quả cuộc thi: Cuộc thi không có giải nhất do không có phương án đạt hoặc hơn 90 điểm theo quy chế. Phương án dự thi có mã số S099 có số điểm: 86.80 và Phương án dự thi có mã số D102 có số điểm: 82.58 cùng đoạt giải nhì (có số điểm bằng hoặc hơn 80 điểm theo quy chế). Cuộc thi không có phương án đoạt giải Ba do các phương án còn lại không đạt 70 điểm theo quy chế. Phương án dự thi mã số A747 có số điểm 69.83 điểm và phương án dự thi mã số L013 có số điểm 69.33 điểm cùng đoạt giải khuyến khích (có số điểm hơn 60 điểm theo quy chế).

Như vậy, theo các văn bản xác nhận kết quả của cuộc thi thì phương án dự thi có mã số S099 (liên danh Pháp và Việt Nam) có số điểm cao hơn phương án dự thi có mã số D102 (CHLB Đức) là 4.44 điểm. Tuy nhiên, cả hai phương án cùng được giải nhì (trong khi cơ cấu giải thưởng ban đầu của ban tổ chức chỉ có 1 giải nhì).

Điều mà giới chuyên môn và dư luận quan tâm là với hai giải nhì như vậy, rút cuộc phương án nào sẽ được lựa chọn để xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm?

Trong báo cáo của Ban QLDA ĐTXD ngày 26/10/2020 kiến nghị UBND TP xem xét chọn phương án mã D102 là phương án triển khai tiếp theo vì đây là phương án có thiết kế đảm bảo công năng sử dụng tốt hơn so với phương án đồng hạng nhì còn lại.

Vị trí sẽ xây dựng nhà hátẢnh: Trần Nguyễn Anh

Tuy nhiên, một số chuyên gia về kiến trúc cho rằng các cơ quan chức năng cần công bố công khai các giải thưởng cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà hát Thủ Thiêm, để đông đảo người dân và giới chuyên môn được biết, có cơ hội đánh giá, góp ý.