Nhà bỗng biến thành hầm

TP - Những năm gần đây, nhiều dự án nâng đường chống ngập được thực hiện trên một số tuyến đường tại TPHCM phần nào giải quyết được tình trạng ngập nước. Tuy nhiên, sau khi các tuyến đường này nâng cao thì nhà dân lại biến thành hầm và thành những “hồ” chứa nước mỗi khi trời mưa.
Bà Lâm Thị Thu Hương thuê người đổ đất nâng nền nhà ở đường Kinh Dương Vương chiều 1/6. Ảnh: Việt Văn

Xáo trộn cuộc sống, “đào” tiền sửa nhà

Từ những căn nhà có nền cao hơn hoặc bằng mặt đường thì nay, nhiều căn nhà trên quốc lộ 50 (quận 8, huyện Bình Chánh), đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), đường An Dương Vương (quận 6),… biến thành hầm khi các tuyến đường này được nâng lên, làm mới. Mới nhất là tuyến đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) hướng về các tỉnh miền Tây cũng đang được nâng cấp để chống ngập. Hàng trăm hộ dân đối mặt nguy cơ mặt đường cao hơn nền nhà cả mét, sắp trở thành căn hầm.

Ghi nhận của phóng viên ngày 1/6, tuyến đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân) đoạn từ vòng xoay An Lạc về Bến xe Miền Tây đang thi công dự án nâng đường chống ngập. Bên ngoài đường, các đội thi công đang gấp rút nâng đường, đổ đá,… Còn dọc hai bên đường, cuộc sống người dân đang xáo trộn khi chuyện kinh doanh trì tuệ, tạm hoãn trong nỗi lo nhà sắp biến thành hầm khi tuyến đường này được cải tạo, nâng cao lên hơn cả mét.

Bà Lâm Thị Thu Hương (chủ căn nhà số 797 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân) thuê người chở đất cát về đổ nâng nền nhà nhưng cũng chỉ nâng lên được hơn nửa mét, bởi nếu cao nữa thì sẽ đụng trần nhà. Bà Hương cho biết, chiều cao căn nhà thiết kế chỉ có hơn 2m. “Nâng lên có bấy nhiêu đây thì vẫn còn thấp hơn mặt đường, nhưng phải chấp nhận chui ra chui vào chứ kết cấu nhà đã vậy rồi”, bà Hương nói.

Bà Hương chỉ tay vào vạch đánh dấu chiều cao nâng đường gần 1,2m, nói: “Đường nâng cao lên hơn cả mét thì cửa nhà mất đi một nửa, thành hầm rồi còn gì. Giờ thuê người nâng nền nhà lên cũng tốn hơn 70 triệu đồng”.

Từ hôm sửa chữa đường đến nay, cuộc sống và cả chuyện kinh doanh của gia đình chị Lương Thu Hiền (SN 1988, quê Trà Vinh) xáo trộn. Vợ chồng chị lên TPHCM lập nghiệp, chồng là thợ tiện nên thuê căn nhà trên đường Kinh Dương Vương mở tiệm, mỗi tháng 25 triệu đồng tiền thuê nhà. Nay đường nâng cấp, việc kinh doanh phải tạm ngưng vì dự án đang thi công, đất đá ngổn ngang trước cửa tiệm.

“Giờ đang vào mùa mưa, đường cao hơn nhà nên cứ mưa là nước tràn vào nhà. Máy móc đồ đạc bị ướt, có hôm vợ chồng lội bì bõm tát nước ra”, chị Hiền kể.

Ngồi trước căn nhà trên đường An Dương Vương (quận Bình Tân), ông  Lâm Văn Trí (1957, quê Sóc Trăng) nói: “Căn nhà có cái cửa ở mặt tiền đường nhưng khi  đường được nâng lên gần tới nóc, cửa chính phải đóng luôn, vì không mở ra mở vào được, tôi phải làm cái cửa phụ nhỏ xíu bên hông nhà để chui ra chui vào”.

Cứ tới mùa mưa, nước từ con đường tràn vào nhà sâu hút hơn cả mét, vợ chồng ông cho biết, phải hì hục tát nước ra. Ông Trí nói: “Sống nhờ vào số tiền ít ỏi của vợ làm tạp vụ cho công ty gần nhà thì lấy đâu ra tiền nâng nền”.

Giải quyết thế nào?

Mới đây, tổ công tác liên ngành của TPHCM do Sở Xây dựng TPHCM chủ trì đã rà soát, xác định TPHCM có khoảng 8.000 căn nhà bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, nâng hẻm tập trung tại 4 quận, trong đó quận 8 có trên 7.100 trường hợp nền nhà dân thấp hơn mặt đường 0,4 - 1m. Đường Phạm Thế Hiển (quận 8) có 4.200 căn nhà bị ảnh hưởng bởi nâng đường vào năm 2014.

Tổ công tác đề xuất hai hình thức hỗ trợ. Theo đó, đối với các trường hợp có tài sản thế chấp, UBND TPHCM có thể bổ sung chính sách hỗ trợ dưới hình thức cho vay (mức vay tối đa là 300 triệu đồng) để sửa chữa nhà trong thời hạn 15 năm. Những trường hợp không có tài sản thế chấp thì được hỗ trợ vay 30 triệu đồng, lãi suất 3%/năm từ Ngân hàng Chính sách để sửa nhà.

Với các trường hợp nhà dân thấp hơn mặt đường không nhiều thì chủ đầu tư xây gờ chắn nước cho từng nhà để ngăn nước mưa từ ngoài đường tràn ngược vào nhà. Tổ công tác liên ngành còn đề xuất cơ chế bồi thường thiệt hại cho người dân. Cụ thể, nếu thi công làm đường, hẻm cao độ thiết kế cao hơn hiện trạng nhà dân, gây ra thiệt hại thì chủ đầu tư dự án phải bồi thường thiệt hại cho người dân.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng cho biết, đã tham mưu UBND TPHCM có chính sách hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng từ các dự án hạ tầng như cải tạo, nâng cấp đường, hẻm khiến nền nhà thấp hơn mặt đường. Theo đó, Sở TNMT đề xuất xây dựng các tiêu chí hỗ trợ vay vốn sửa chữa nhà đối với các hộ dân bị ảnh hưởng. Trên cơ sở đó, UBND quận - huyện sẽ rà soát, thống kê các trường hợp bị ảnh hưởng và triển khai thực hiện hỗ trợ.

Theo một số chuyên gia, đối với các hộ dân có nhà bị hư hỏng, ảnh hưởng từ các dự án xây dựng hạ tầng, pháp luật quy định phải được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại. Bộ luật Dân sự và Luật Xây dựng năm 2014 quy định các tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chịu chi phí liên quan. Tuy nhiên, do người dân không am hiểu luật, nhiều chủ đầu tư viện lý do công trình phục vụ dân sinh, phúc lợi xã hội (chỉnh trang đô thị, chống ngập) nên xem nhẹ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân đã được pháp luật bảo vệ.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận 6 Huỳnh Minh Hùng, trên địa bàn quận có hơn 600 căn nhà nằm rải rác trên 36 tuyến đường bị ảnh hưởng từ việc nâng đường. UBND quận đã vận dụng nhiều hình thức hỗ trợ người dân sửa nhà như cho vay từ quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ của Hội Phụ nữ, liên đoàn lao động...