Còn né tránh báo chí
Ngày 21/9, tại Novaworld Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Báo Nhà báo và Công luận tổ chức diễn đàn Tổng Biên tập 2024 với chủ đề: “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí.
Phát biểu tham luận tại diễn đàn, Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, trước sự phát triển không ngừng của các phương tiện truyền tải thông tin, nhất là mạng xã hội, báo chí giải pháp chính là cách thức giúp các cơ quan báo chí cân bằng, hài hòa giữa yêu cầu thông tin thời sự “nhanh nhất”, “mới nhất”, thu hút nhiều bạn đọc nhất với thông tin mang tính hiến kế, kiến giải, góp phần giải quyết vấn đề theo chiều hướng tốt đẹp hơn, giá trị hơn, nhân văn hơn.
“Báo chí giải pháp không né tránh tin tức tiêu cực, mà phản ánh tiêu cực theo hướng kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nền tảng, đặt lợi ích của bạn đọc, của xã hội lên trên hết, trước hết. Cách thông tin này, giúp báo chí tạo dựng được niềm tin với công chúng, sự đồng hành với chính quyền và doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề, các thách thức đặt ra”, Nhà báo Phùng Công Sưởng nói.
Nhà báo Phùng Công Sưởng cho biết, thực hiện báo chí giải pháp, các tòa soạn và phóng viên sẽ mất nhiều công sức hơn, kể cả về thời gian và tiền bạc để tạo ra sự hấp dẫn, sinh động, thu hút được bạn đọc. Báo chí giải pháp đòi hỏi các phóng viên, nhà báo phải có tâm, khách quan, trung thực; có tinh thần đồng hành vì sự phát triển, vì lợi ích của xã hội. Cùng với đó, báo chí giải pháp cũng đòi hỏi các nhà báo phải có kiến thức, khả năng phân tích và đánh giá các vấn đề.
Nhà báo Phùng Công Sưởng cũng nhìn nhận, nhiều cơ quan, đơn vị còn né tránh báo chí, chưa thực sự chủ động trong việc cung cấp thông tin, bảo đảm yếu tố khách quan, kịp thời.
Ví dụ, khi xảy ra một vụ việc cụ thể, nếu cơ quan bị phản ánh cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan, chính xác sẽ giúp các phóng viên nhìn nhận vụ việc một cách tổng thể hơn, hướng đến yếu tố giải pháp. Ngược lại, nếu các cơ quan, đơn vị né tránh, không cung cấp thông tin một cách đầy đủ, dẫn đến bài viết chỉ có yếu tố phản ánh vụ việc một cách đơn thuần.
Tuy nhiên, cũng theo Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, việc thực hiện báo chí giải pháp ở Tiền Phong ngoài thuận lợi cũng gặp những khó khăn nhất định, cần tiếp tục nghiên cứu để tháo gỡ. Trong đó, nhấn mạnh đến ý chí chính trị của người đứng đầu, định hướng sang loại hình báo chí mới là rất quan trọng. Để làm được điều này cần rất nhiều về nguồn lực, đặc biệt là đào tạo con người.
Ngoài ra, Nhà báo Phùng Công Sưởng nhấn mạnh đến việc các cơ quan Nhà nước cần tăng cường cơ chế hỗ trợ, cơ chế đặt hàng các cơ quan báo chí trong lĩnh vực truyền thông chính sách, xây dựng chính sách; đặt hàng các sản phẩm báo chí chất lượng cao để không chỉ tuyên truyền, định hướng mà còn hướng đến các giải pháp để giải quyết những vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đang đặt ra trong các lĩnh vực quản lý.
4 giải pháp
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, ở góc độ chuyên môn, với các cấp độ của thông tin là việc đưa tin, thông tin sâu, cung cấp thêm dữ liệu, phân tích, bình luận dự báo sự kiện, thì có thể tạm gọi báo chí giải pháp là cấp độ khó cao nhất, đòi hỏi trình độ chuyên môn làm báo rất cao, phông kiến thức phong phú và đa dạng, khả năng tổng hợp và xử lý nhuần nhuyễn, sắc sảo.
Tuy nhiên, Nhà báo Phạm Mạnh Hùng cho biết, nếu tự nhìn vào khả năng sản xuất của các đơn vị báo chí thuộc Đài Tiếng Nói Việt Nam, cũng như mặt bằng thông tin hằng ngày trên báo chí nói chung, những tác phẩm báo chí được xếp vào báo chí giải pháp xuất hiện chưa nhiều, chưa có nhiều tác phẩm gây được ấn tượng và thực sự có ích với công chúng.
“Vì sao? Vì chuyển từ phong cách chạy theo tin tức thông thường sang tổ chức những sản phẩm báo chí chuyên sâu, chuyên biệt là rất khó, đòi hỏi nhiều điều kiện khác nhau”, Nhà báo Phạm Mạnh Hùng nói.
Cụ thể, theo ông Hùng, một là nhận thức của toà soạn, ban biên tập, tổng biên tập. Theo đó, bất kỳ một tổ chức nào vai trò của người đứng đầu cũng quan trọng nhất, nhận thức của tổng biên tập, người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc ưu tiên chuyển đổi sang các nội dung có tính giải pháp quyết định đến việc thay đổi tư duy làm việc của toà soạn, từng thành viên ban biên tập.
Người lãnh đạo một khi đã nắm vững xu thế, nhuần nhuyễn yêu cầu của những sản phẩm báo chí giải pháp sẽ là người chuyển đổi nhanh nhất tư duy làm báo của cả đơn vị.
Thứ hai là trình độ của phóng viên, biên tập viên và những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nội dung. Theo Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, không nên hiểu hoặc đánh đồng những tác phẩm báo chí có tính giải pháp với các công trình nghiên cứu khoa học, các bài luận khô khan.
Báo chí suy cho cùng vẫn là những câu chuyện có thật được trình bày một cách hấp dẫn. Một tác phẩm báo chí cũng không nên có tham vọng giải quyết được tất cả các vấn đề, các nhà báo chỉ là những người trình bày, gợi mở những hướng ra từ kết quả thu thập xử lý thông tin, phỏng vấn các nhân vật.
Thứ ba là nguồn lực tài chính, công nghệ. Thứ tư là chính sách, vấn đề bản quyền.
Cuối cùng, theo Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, để báo chí giải pháp phát triển cần giải quyết vấn đề cơ chế, tài chính. Trong đó, có cơ chế đặt hàng, đấu thầu, Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.