Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và đam mê nghiên cứu gia phả

TPO - Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải là một trong những người động viên góp ý phát triển việc nghiên cứu gia phả tại TPHCM. 
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trao gia phả cho các dòng họ tại huyện Củ Chi, TPHCM. (Ảnh tư liệu)

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Võ Ngọc An, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh nói: “Chính nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã động viên chúng tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu giúp người dân tìm về cội nguồn gia phả của mình”.

Ông Võ Ngọc An nói: “Tôi còn nhớ cách đây hơn 20 năm, khi ông Phan Văn Khải còn làm việc tại Hà Nội, ông có nhờ chúng tôi tìm hiểu hoàn tất bộ gia phả dòng họ của mình tại Củ Chi, TPHCM. Khi nhận được cuốn gia phả, ông rất mừng, cảm ơn chúng tôi. Cuốn gia phả ấy liên tục được hoàn chỉnh và lần gần nhất là cách đây 10 năm”. 

Theo gia phả mà các nhà nghiên cứu tìm thấy thì dòng họ Phan của nguyên thủ tướng Phan Văn Khải vốn định cư dọc sông Sài Gòn rồi sau này mới chuyển xuống Củ Chi. Ông Võ Ngọc An cho biết: “Theo gia phả, dòng họ của ông Phan Văn Khải tham gia hoạt động chống Pháp từ rất sớm và nhiều người gia gia vào tổ chức Thanh niên Cao vọng Đảng, một tổ chức hội kín yêu nước do Nguyễn An Ninh sáng lập, tổ chức này được thành lập sau khi Nguyễn An Ninh sang Pháp gặp Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc”. 

Sau khi về hưu và sống tại quê hương Củ Chi, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã góp nhiều công sức trùng tu ngôi đình cổ tại quê nhà và nơi đây cũng diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa các dòng họ với con cháu các vị tiên hiền, hậu hiền đã có công khai phá đất Củ Chi. “Mỗi lần các cụ bô lão và các nhà nghiên cứu tới để tìm hiểu lịch sử gia phả, ông Phan Văn Khải đều đón tiếp rất cởi mở” – các nhà nghiên cứu gia phả kể.

Sau một thời gian nghiên cứu, biên soạn, in ấn, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả (TT NC&THGP) thuộc Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM trao tặng gia phả cho 11 chi họ tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM, quê hương của ông Phan Văn Khải trong sự vui mừng của bà con. Theo nghiên cứu, các họ này đa số có mặt ở vùng Tân Thông (Tân Thông Hội ngày nay) từ đầu thế kỷ XIX. Cũng có họ vào sớm hơn như họ Nguyễn năm 1750, họ Mai - năm 1785. Đến nay đã được 9 đời.

Phát biểu tại buổi lễ nhận gia phả của 11 chi họ các đây mấy năm, ông Phan Văn Khải nói: “Chúng ta rất hoan nghênh Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả TP.HCM, các đồng chí đã làm việc rất nhiệt tình, rất có trách nhiệm. Trong thời gian rất ngắn, các đồng chí đã làm 11 bộ gia phả cho các dòng họ đã sinh sống lâu đời trên mảnh đất Tân Thông Hội huyện Củ Chi của chúng ta (…) Tôi cũng xin lưu ý thêm là khi có gia phả rồi, chúng ta đừng so sánh họ này với họ khác, không nên cho rằng họ của mình là tốt hơn, giỏi hơn, ưu việt hơn các họ khác”.

Ông Võ Ngọc An cho biết chính những hoạt động nỗ lực của Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải đã giúp kết nối cộng đồng, tạo sự đoàn kết vươn lên của người dân Củ Chi, mảnh đất thép thành đồng.  Ông Võ Ngọc An nói: “Ông Phan Văn Khải luôn có những nhận xét nhận định sâu sắc về dòng họ, tổ tiên, khiến cho người dân và cả những người nghiên cứu thấm thía, suy ngẫm”.

Trong bài phát biểu trước các nhà nghiên cứu và người dân địa phương, Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải từng nói: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thống nhất, một dân tộc anh hùng, có nền văn hóa lâu đời, tổ quốc, dân tộc là trên hết. Còn dòng họ, tôi đồng ý với các đồng chí dùng từ “thiêng liêng”, nhưng dòng họ phải phục vụ cho tổ quốc. Chúng ta cần quan tâm đến việc xây dựng dòng họ sao cho trở thành một dòng họ tốt. Nếu xã hội có nhiều dòng họ tốt, thì ta mới có được một xã hội tốt”.

Nhờ tổ chức tốt các dòng họ mà các phong trào khuyến học, sản xuất kinh doanh, giúp đỡ nhau làm kinh tế, xây dựng văn hóa… ở Tân Thông Hội đều tốt, cuộc sống của người dân thanh bình và ngày càng ấm no. Có không nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao khi về hưu lại rời thành phố phồn hoa mà gắn bó với chính những thôn làng còn nghèo của mình như ông Phan Văn Khải. Sau khi biết tin Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải qua đời, từ sáng sớm hàng ngàn người dân của 11 chi họ trong xã đã đến để viếng ông và nhiều người không cầm được nước mắt. Ông Phan Văn Khải sau cuộc đời hoạt động cách mạng, học tập ở nước ngoài và trở về làm lãnh đạo cấp cao của nhà nước, đã thỏa nguyện khi yên nghỉ trên mảnh đất quê hương mà ông hằng yêu dấu trong vòng tay của xóm làng.