“8m2” là tên triển lãm sắp đặt mới nhất của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, diễn ra từ ngày 13 đến 30/8 tại Viện Goethe Hà Nội (số 56-58 Nguyễn Thái Học).
Trước đó, vào năm 2014, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã gia nhập đoàn khảo sát của dự án “Hành trình Việt Nam xanh”, đi đến các khu công nghiệp phía nam để được sống thử cuộc sống của những người nông dân đã rời bỏ ruộng đồng lên thành phố.
Công cuộc “công nghiệp hóa – hiện đại hóa” ngày càng được đẩy mạnh, các khu công nghiệp dần trở thành những trọng điểm kinh tế, thế nhưng, họ - những người công nhân làm việc trong môi trường công nghiệp – hiện đại lại phải sống một cuộc sống hoàn toàn trái ngược, thiếu thốn đủ đường.
Với hi vọng đổi đời, họ buộc phải làm việc không ngừng nghỉ trong các nhà máy và phải sống chắt bóp trong những căn phòng trọ chật hẹp, bức bối chỉ rộng vỏn vẹn vài mét vuông.
Chứng kiến những cảnh tượng ấy, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã quyết định dùng nghệ thuật nhiếp ảnh để ghi lại những góc nhỏ nhặt nhất trong không gian sống 8m2 thông qua hình ảnh các vật dụng sinh hoạt thường ngày.
Trong lời giới thiệu, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã lí giải về tên gọi “8m2”: “Tôi còn nhớ láng máng 8m2 là một tiêu chuẩn, một chỉ tiêu tối thiểu về không gian ở của một đầu người được chính quyền quy định những ngày còn bao cấp. […] Giờ đây, sau gần nửa thế kỷ vật lộn, vẫn còn rất nhiều mảnh đời phải quay quắt trong 8m2, nhưng không phải 8m2 một đầu người mà có khi 8m2 cho cả 8 đầu người…”
Nguyễn Thế Sơn cho biết anh đã phải in tổng cộng 200m ảnh để làm nên triển lãm quy mô và ấn tượng này. Ít ai tin rằng hình ảnh những bộ chăn gối xếp chồng chất kia chỉ là một hình ảnh phẳng 2D được tạo hiệu ứng 3D sống động như thật.
“Tôi thấy những người công nhân rất khổ khi phải sống trong một không gian chật chội như thế. Nhưng mặt khác, tôi lại thấy họ rất lạc quan, không ca thán gì nhiều mà luôn cố gắng làm cho cuộc sống của mình thêm màu sắc bằng cách trang trí cho căn phòng bằng những tấm hình quảng cáo, tấm poster… Do đó, tôi nghĩ không còn hình thức nghệ thuật nào khác có thể tái hiện lại khung cảnh ấy tốt hơn nhiếp ảnh.”, nghệ sĩ phù điêu ảnh Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp ngành Trung Anh và Hội họa, Nguyễn Thế Sơn công tác tại Đại học mỹ thuật Việt Nam trước khi tốt nghiệp Thạc sĩ Nghệ thuật, chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật tại Học Viện Mỹ thuật Trung Ương, Bắc Kinh.
Từ 2012, anh giảng dạy tại Đại học mỹ thuật Việt Nam và từng tham gia rất nhiều các triển lãm nhóm cũng như triển lãm cá nhân.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn tạo được dấu ấn đặc biệt với công chúng với nghệ thuật phù điêu ảnh và nhiều triển lãm có tiếng vang như: “Nhà mặt phố” (2012), “Nhà Tây biến hình” (2013), “Hà Nội-Một bảo tàng sống” (2015).