Nguyễn Hữu Bảo: Chuyện chưa kể về Hà Nội

TP - Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo vừa ra mắt sách ảnh Hà Nội dấu yêu tập hợp gần 200 hình ảnh đen trắng về Hà Nội được anh lưu giữ kể từ khi bắt đầu cầm máy ảnh vào 1978. Là người con của Hà Nội, anh còn nhiều điều về thành phố này chưa giãi bày hết qua những bức ảnh.
Tác phẩm của Nguyễn Hữu Bảo trong tập sách ảnh Hà Nội dấu yêu vừa phát hành.

Một nhà nhiếp ảnh sẽ ghi nhận Hà Nội như đối tượng khách quan. Bản thân anh sống ở Hà Nội từ bé bị sự thay đổi của Hà Nội tác động thế nào?

Sự thay đổi của Hà Nội là tất yếu. Tất yếu trong cái hoàn cảnh chúng ta không chuẩn bị trước. Bởi chúng ta cũng chưa quen có dự án lâu dài hay một chiến lược phát triển và bảo tồn không gian của Hà Nội.

Năm 1978-79 tôi sang Viện Thiết kế Công trình Hà Nội làm công tác về nhiếp ảnh kiến trúc, tôi đi mấy nước thấy họ luôn có một thành phố cũ để nguyên và khu vực khác thì phát triển lên. Đặc biệt thành phố nào có con sông chảy qua thì đó là biên giới của cái cũ và cái mới. Qua cầu sang một thế giới khác, kiểu như New Dehli và Old Dehli. Nhất là châu Âu nhiều phố cổ lắm, họ không chen kiến trúc hiện đại vào.

Ngoài chủ trương đường lối còn phải có kinh tế nữa. Khi đó chắc chắn điều kiện kinh tế ta chưa có. Trải qua chiến tranh liên miên, hòa bình giai đoạn ngắn lại bước vào chiến tranh. Lắng đọng, thẩm thấu, ngấm vào từng tế bào con người vẫn là tinh thần chiến tranh. Lúc nào cũng phải tích trữ lương thực. Nhà cửa thì lấy điều kiện làm trọng chứ không quan trọng hình hài văn hóa.

Người có ý thức sẽ tìm miếng vải cùng màu để vá vào chỗ rách, chỉ cũng phải cùng màu. Nhưng người nghèo quá thôi có miếng nào vá miếng đó, miễn là ấm thì cũng là áo lành nhưng lỗ chỗ.

Đến năm 1990, Hà Nội gần như không thay đổi mấy so với ngày tiếp quản 1954. Chúng ta nghỉ được vài năm hòa bình lại vào cuộc chiến ngay. Năm 1964, miền Bắc bắt đầu bị ném bom. Đời sống sinh hoạt theo tinh thần chiến đấu, Hà Nội có thể bị dội bom bất kỳ lúc nào. Do vậy ai xây nhà?! Ngày 29/6/1966, tôi đang trên cầu Long Biên về quê sơ tán, lần đầu tiên tiếng còi báo động rú trên bầu trời Hà Nội. Kho xăng Đức Giang bị ném bom. 

Những  năm 1980 tôi chụp nhiều ảnh trong sách này thì năm 54 cũng thế, còn tồi tệ hơn, cũ hơn. Năm 1986 bắt đầu Đổi Mới. Mấy năm sau mới bắt đầu lác đác xây nhà xây cửa. Năm 1983 một số nhà xây nhà 2-3 tầng mới vẫn còn bị tịch thu cơ mà. Tại sao có tiền xây nhà này- câu rất đơn giản rồi, không chứng minh được là gay…

Việc chụp ảnh thời kỳ đó có gì lạ, thưa anh?

Trong vài chục năm tôi sống, có quá nhiều biến động của đất nước, cũng như của Hà Nội. Năm 1973, tôi cầm máy ảnh như thú chơi, chụp kỷ niệm bạn bè gia đình. Khoảng 1977-78 mới bắt đầu ý thức nhiếp ảnh phải có một chức năng gì đó nữa. Nhưng cũng là cho mình thôi, có phải phóng viên đâu.

 Hồi đó, ngoài chuyện nguyên vật liệu đắt thì việc chụp ảnh không dễ như bây giờ. Vẫn có những chuyện dị nghị về an ninh. Vì thế mà tâm lý chụp ảnh cũng rụt rè. Hoặc đang chụp ảnh Tây ngủ ghế đá (là chuyện bình thường tôi vẫn thấy ở nước ngoài), một ông bảo vệ ở Bờ Hồ ra bảo không được chụp. Chụp ăn mày, công an nhìn thấy cũng bảo thôi.

Anh đã số hóa xong kho phim của mình?

Chưa “sao” hết được, nhiều quá. Mà giờ mình có tuổi rồi. Tính tôi lại không kiên nhẫn. Dành thời gian xem, quét lại thì còn nhiều câu chuyện quý lắm. Trong khi làm sách ảnh, có rất nhiều cái đến lúc scan ra mới ngã ngửa, ồ sao lại có tư liệu này nhỉ. Ảnh đó lúc chụp ra rất bình thường nhưng sau mấy chục năm đã trở thành tư liệu lịch sử. Triển lãm Ký ức phố, tôi rất thú vị ở những chi tiết rất vớ vẩn. Như người xem ngạc nhiên vì số nhà họ ở ngày xưa không như bây giờ, hay một khách xem ảnh gọi bạn đến triển lãm vì bắt gặp mẹ của bạn trong ảnh…

Ảnh có nhiều giá trị khác nhau trong đó giá trị lịch sử rất lớn. Chẳng hạn qua ảnh ta biết năm 1980 dân chúng mặc quần áo thế này, thời đó xe công nông đi trên đường phố. Trước đó là xe bò nhưng tôi còn bé không chụp được.

Phố cổ với anh có tiện lợi?

Phố cổ so với không gian khác về môi trường thiên nhiên thì cực kỳ tồi tệ. May mà tôi ở Hàng Đào gần hồ Gươm cũng thông thoáng một chút. Nhưng vào bên trong rất ngột ngạt. Mỗi gia đình đều có cách chỉnh sửa cải tiến cho phù hợp, nhưng nói chung đi phải rón rén vì chật quá. Như cầu thang nhà tôi bật đèn 24/24. Ngày xưa cũng tối nhưng không tối như bây giờ, giờ nhiều nhà cao tầng quá, phân chia nhiều quá, mất giếng trời…

Nhưng thế hệ chúng tôi rất khó rời phố cổ. Vì mình quen một phần, và bởi quan hệ xã hội là quan trọng. Nhiều người, con cái trưởng thành, có điều kiện, đưa bố mẹ đến khu chung cư rất sang trọng. Sung sướng chưa được một tuần lại muốn trở về chỗ lụp xụp.

Văn hóa giao lưu không có thì ăn nem công chả phượng ngủ trên gấm vóc cũng vô nghĩa. Thế hệ người Hà Nội cổ cái điều đó. Ví dụ tôi hàng ngày vẫn cùng nhóm bạn bè có tuổi trà lá kê bàn ghế vỉa hè ngồi. Từ nghị sĩ quốc hội đến ông thất nghiệp có thâm niên chuyện đủ trên trời dưới biển. Cũng như các cụ già tập thể dục buổi sáng ở hồ Gươm vì sức khỏe là phụ. Mà cần ra đó gặp bạn bè, chuyện phiếm, đánh cờ… Ở nhà trong bốn bức tường quá chật thế này, một ông nhìn một bà, hết chuyện.

Công việc quan trọng nhất của anh bây giờ là biên tập kho phim ảnh?

Cũng chả quan trọng. Tôi sống theo cơ địa, theo đồng hồ sinh học. Chứ bây giờ phải này phải kia là khó lắm, dù tôi biết làm thế là rất hay đấy. Nhiều khi một chầu cà phê buổi sáng quan trọng hơn tìm được bức ảnh, dù bức ảnh giá trị hơn ly cà phê nhiều lần.

Du khách đến phố cổ hẳn thích sự náo động, nhộn nhạo của nó. Còn anh sống ở đó từ bé cảm thấy sao?

Mình sống ở đó, mình chấp nhận nó. Chứ còn thì nói về yêu ghét thì khó lắm. Ảnh của mình không phải để ca ngợi hay phê phán. Bởi Hà Nội nó thế, có lúc rất dễ thương có lúc dễ ghét. Có khi vì yêu lắm tôi mới chụp cái đáng phê phán.