Nguyễn Hoàng Sơn mới với thơ cho người lớn

TP - Thật vui khi cầm trên tay tập thơ “người lớn” đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn. Nói vậy bởi Nguyễn Hoàng Sơn được phần lớn độc giả biết đến như một nhà thơ nhiều thành tựu viết cho thiếu nhi.
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn (phải) và nhà thơ Hữu Việt. Ảnh: Trần Hoàng Thiên Kim
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn (phải) và nhà thơ Hữu Việt.
Ảnh: Trần Hoàng Thiên Kim.

“Sự tích rước đèn Trung thu”, “Dắt mùa thu vào phố” là hai tập thơ giành giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam các năm 1990 và 1993; “Ù ù cạc cạc” (Kịch thơ hoạt hình) - giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam. Rồi “Mèo con để râu”, “Lời chào đi trước”, “Bài hát trăng tròn”, “Bức tranh của bé Hằng”… đều là những tác phẩm dành cho lứa tuổi nhỏ.

Biết ông từ hơn 20 năm trước, được làm việc trực tiếp cùng ông trong quãng 10 năm ở tờ Tiền Phong Chủ nhật, sau là Tiền Phong Cuối tuần, tôi hiểu viết cho người lớn mới là ván bài thơ mà ông đau đáu nhất.

Ông đã nâng lên đặt xuống nhiều lần tập thơ “người lớn” này trước khi công bố. Đó là sự thận trọng cố hữu của một nhà báo nhiều năm theo dõi mảng văn hóa và cũng là một nhà phê bình văn học sắc sảo, hay còn lý do nào khác? Chỉ biết, “Đợi mắt nhìn mới nở” (NXB Hội Nhà văn 2010) có thể coi là “tổng kết” hơn 30 năm làm thơ “người lớn” của ông, nhưng cũng phải đợi đến khi ông rời báo Tiền Phong, nghỉ hưu theo chế độ thì nó mới ra đời.

Tập thơ gồm 3 phần: Mùa xuân khó khăn, Ba tiếng, Tele Café. Tôi thích nhất phần 2: Ba tiếng (chủ yếu là thơ tình), vì thấy mình được sống lại một thời tuổi trẻ đã xa xôi. Đọc và viết về một tập thơ, có lẽ chỉ nên nói những cái mình tâm đắc (cho dù cá nhân, phiến diện), nếu không muốn rơi vào công thức, thù tạc.

Còn nhớ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, báo Tiền Phong nổi lên như một tờ báo hàng đầu về chống tiêu cực, về mảng phóng sự đặc sắc và văn học cũng là một đặc sản trên Tiền Phong. Cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” trở thành diễn đàn cho các cây bút trẻ thỏa sức thi thố. Nhiều tác giả trẻ sau này đã trở thành những nhà văn, nhà thơ vững vàng trên văn đàn.

Tôi đã chứng kiến đây là giai đoạn Nguyễn Hoàng Sơn viết nhiều, viết đều, chủ yếu là thơ tình. Tôi nghiêm trang bóc tờ lịch hàng ngày/ Rồi nắn nót đề thơ lên mặt trái. Để làm gì? Tôi gom nhặt nụ cười và nước mắt/Một ngày đời tôi tôi dành tặng cho em…

Thơ tình Nguyễn Hoàng Sơn chọn lối nói trực tiếp. Ông không mượn bông cúc xanh, lụa bạch, liễu hồ, người con gái đứng bên cầu nước chảy ngày đêm v.v… mà đi thẳng vào những tâm trạng cụ thể. Đôi khi nếu có phải ví, thì đó là mùa thu: Với hoa sữa có điều gì phải tiếc/Em - mùa thu nguyên vẹn ở trong anh.

Có thể hình dung ra một người con gái bé nhỏ đến lo lắng trước cuộc đời đầy bất trắc, một hình ảnh rất riêng trong thơ Nguyễn Hoàng Sơn. Em sẽ đến… trên bờ vai gày nhỏ/Đương đổ òa cả suối tóc anh yêu; và Em bé nhỏ đến làm anh đau nhói/Trước những bất công oan trái của đời. Ông muốn được che chở cho những nỗi niềm bé nhỏ đó: Con chim nhỏ của anh mỗi khi đôi cánh mỏi/Tình anh xin làm một nhánh cây mềm… kèm theo lời nhắn nhủ trìu mến: Giữ lấy những gì của mình em nhé/Dù nụ hôn đầu dù chỉ giấc chiêm bao.

Thơ tình Nguyễn Hoàng Sơn không bắt người đọc phải cố đoán, cố cảm mà đem đến đồng tâm trạng cho họ một cách trực tiếp. Đó có thể là một thoáng dỗi hờn: Ngày dài lắm với trăm ngàn bất trắc/Em đâu kịp buồn những lúc vắng tôi? Hoặc sự dằn vặt, xót xa: Sao thế em? Chẳng lẽ đã hết rồi/Đã bay biến những gì ta vốn có/Đến lúc này anh vẫn còn hoảng sợ/Như kẻ chơi đề bỗng chốc trắng tay…

Theo tôi, đây là một chủ ý của ông, bởi ông khá dị ứng với những vòng vèo, hào nhoáng, trưởng giả trong những bài bút chiến sắc như dao của mình. Nhưng có phải cũng vì thế mà ông “ngại” công bố thơ tình và nhiều bài lần đầu tiên xuất hiện trong tập thơ này như một bí mật đã đến lúc được “giải mật”?

Tìm một Em cụ thể nào đó để giải mã nhà thơ là việc làm bất lịch sự. Câu thơ hay có thể bắt đầu từ một người cụ thể nhưng cuối cùng đều đi tới sự khái quát của cái đẹp khiến nhiều người cùng rung động và làm thức dậy xúc cảm thẩm mỹ trong họ.

Tôi không mấy tin những tình yêu phẳng lặng (dù chẳng người yêu nhau nào mong muốn nó gập ghềnh), vì cuộc đời có bằng phẳng bao giờ đâu. Đến một tuổi nào đó, người ta sẽ phải trăn trở trước những bài toán mà cuộc đời luôn cố tình đặt ra sao cho trớ trêu nhất. Tình yêu không có đúng và sai. Những người đi tới tận cùng và không đi tới tận cùng nào biết ai hơn, ai kém, ai được, ai mất? Tuy hạnh phúc là cái chăn quá chật nhưng tôi tin chắc rằng, một người chỉ có thể đem đến hạnh phúc thật sự cho người khác nếu mình hạnh phúc.

Nếu bạn đã yêu, từng yêu và đang yêu, hẳn sẽ tìm thấy sự chia sẻ trong những câu thơ này: Khi cuộc đời thổi gió vào anh/ Khi máu thôi hồng và tóc chẳng còn xanh/Khi từ giã tuổi thanh xuân nồng nhiệt/Khi trống trải trong hồn ta sẽ tiếc/Những chuyến xe không đi tới tận cùng.

10/2010