Bảo hiểm tàu cá, ai đang trục lợi? - Kỳ cuối:

Nguy cơ vỡ một chính sách tốt

TP - Đại biểu Quốc hội Lê Nam cho rằng: Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần làm rõ những tồn tại của bảo hiểm tàu cá, vì đây là chủ trương tốt. “Trục lợi bảo hiểm tàu cá là một dạng tham nhũng; tham nhũng trên những tai nạn, đổ vỡ của ngư dân là nghiêm trọng” - đại biểu Nam nói và cho rằng, duy trì chính sách bảo hiểm cho ngư dân là cần thiết.
Việc trục lợi từ bảo hiểm ngư dân (có sự hỗ trợ của ngân sách) được coi là hành vi tham nhũng. Ảnh: Bảo An.

Trục lợi, nếu có phải xử lý nghiêm

Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc Chính phủ hỗ trợ mua bảo hiểm tàu cá cho ngư dân theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP?

Hỗ trợ cho ngư dân mua bảo hiểm là chính sách rất tốt. Chúng ta thường xuyên chứng kiến những tai nạn của ngư dân với những yếu tố không lường hết được. Khi đó, cứu trợ của Nhà nước hay cộng đồng không mang tính chủ động, toàn diện. Việc hỗ trợ qua bảo hiểm là giải pháp toàn diện, chủ động.

Tuy nhiên, việc triển khai bảo hiểm tàu cá gặp khó khăn nhất là ngư dân chưa có thói quen mua bảo hiểm mà chỉ làm theo phương thức truyền thống, bóc ngắn, cắn dài. Ngư dân vẫn giữ thói quen thuyền nan thuyền thúng, tàu nhỏ vươn khơi; hệ số an toàn thấp trước sự khốc liệt của tự nhiên, chưa kể vì khẳng định chủ quyền, họ còn bị húc chìm tàu. Trình độ để đảm bảo an toàn của ngư dân cũng chưa cao, chủ yếu không bằng cấp, chỉ truyền nghề.

Như Tiền Phong phản ánh, việc bán bảo hiểm tàu cá có hỗ trợ của Nhà nước đang được các doanh nghiệp bảo hiểm thống nhất chia thị phần. Điều đó dẫn đến doanh nghiệp tự tung tự tác. Ông có ý kiến gì về việc này?   

Quản lý ngân sách luôn đặt ra mục tiêu chống trục lợi, tham nhũng. Trục lợi bảo hiểm tàu cá (bảo hiểm có sự hỗ trợ của Nhà nước) cũng là tham nhũng. Tham nhũng trước hỗ trợ ngư dân là nghiêm trọng, vì họ là đối tượng cần hỗ trợ. Tính chất nghiêm trọng còn thể hiện ở chỗ nguy cơ chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước bị phá vỡ.

“Việc báo Tiền Phong thực hiện chuyên đề bảo hiểm tàu cá có ý nghĩa rất lớn, có tác động tốt đến việc hoạch định chính sách của Đảng, Chính phủ. Tôi nghĩ những chuyên đề như thế này rất ý nghĩa”. 

Đại biểu Quốc hội Lê Nam

Doanh nghiệp luôn tìm kiếm lợi nhuận, không nên nghĩ rằng họ làm không công, vì nhiệm vụ chính trị thuần tuý. Nhưng khi doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi trên những tai nạn, đổ vỡ của gia đình ngư dân, nếu có phải xử lý rất nghiêm. Tôi nghĩ rằng, với thực tế Tiền Phong phản ánh, các cơ quan bảo vệ pháp luật như Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính phải giám sát, phát hiện để chấn chỉnh. Những trường hợp trục lợi phải xử lý nghiêm để làm gương.

Riêng việc tạo ra độc quyền phải nghiên cứu để đánh giá lại. Bảo hiểm phải giao cho các đơn vị bảo hiểm tâm huyết. Tuy nhiên, phải có tính cạnh tranh, không nên tạo ra độc quyền.

Đại biểu Quốc hội Lê Nam.

Cần tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm tàu cá nhưng phòng ngừa trục lợi

Sau khi Tiền Phong phản ánh vụ việc ở Quảng Bình, phía bảo hiểm chấp nhận chi trả. Nhưng có vụ việc ngư dân Huỳnh Phi Hùng ở Khánh Hòa chìm tàu vẫn không được bảo hiểm chi trả vì không có bằng máy trưởng, dù trước đó, ngư dân không hề biết. Phải chăng cần tăng cường cơ chế để bảo vệ ngư dân?

Các điều kiện để được bảo hiểm luôn được đưa ra trước. Nếu ngư dân không đủ điều kiện, không có bằng máy trưởng mà doanh nghiệp vẫn bán; khi tai nạn rồi quay lại bảo ngư dân không đủ điều kiện là không ổn. Việc này nên đưa ra tòa. Theo tôi, về cả đạo lý và lý lẽ đều không đúng.

Ngân sách hỗ trợ bảo hiểm tàu cá rất quan trọng. Tôi tha thiết đề nghị cho tiếp tục thực hiện. Nhưng nếu tiếp tục phải nghiên cứu, phòng ngừa trục lợi. Với ngư dân do trình độ học vấn chưa cao, sự hỗ trợ phải hết sức thuận lợi. Bảo hiểm tàu cá có nhiều khó khăn. Tác động tốt nhất phải gắn với hoạt động của cơ quan bảo hiểm, lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm để họ trực tiếp làm.

Ngoài ra, phải giao cho các cấp ủy, chính quyền cơ sở. Cái này rất quan trọng vì họ có thể hướng dẫn, quản lý rất cụ thể. Chúng ta có rất nhiều cơ chế để quản lý, định hướng, vận động. Chẳng hạn, nếu tàu không có bảo hiểm không cho ra khơi.

Hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định 67 đến cuối năm nay sẽ kết thúc, theo ông, việc hỗ trợ nếu có nên thực hiện ra sao?    

Chính phủ nên tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm tàu cá cho ngư dân, vì chính sách này rất quan trọng. Không chỉ ổn định sản xuất, không chỉ đảm bảo chủ quyền biển Đông mà là chính sách kép, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Những tàu mới đầu tư, bắt buộc phải có bảo hiểm. Tàu có nguy cơ tiềm ẩn có thể làm được bằng các biện pháp quản lý về đăng kiểm gắn với bảo hiểm. Với loại tàu nhỏ, đánh bắt gần bờ cũng phải vận động để ngư dân tham gia bảo hiểm.

Cảm ơn ông.