Người vén bức màn bí ẩn của đạo Mẫu

TP - Giáo sư Ngô Đức Thịnh là người nổi tiếng trong giới nghiên cứu về đạo Mẫu, chẳng thế mà mỗi khi có sự kiện liên quan đến văn hóa Tam phủ, Tứ phủ, về hầu đồng thì các nhà khoa học, báo chí và cả đền phủ đều thường tìm đến ông.  

Thế giới những người làm nghề hầu đồng, thường con nhang đệ tử theo hầu, oai phong nơi đền phủ, có người đi đâu thì dăm bảy đệ tử theo ngay. Thế mà những việc trong đền phủ, có gì khó khăn liền bốc máy gọi cho giáo sư Ngô Đức Thịnh, từ chuyện bày biện thờ cúng ra sao, lại cả những bài chầu văn hay là nghi lễ hầu đồng làm sao cho phải. Những lần như thế, giáo sư lại tận tình chỉ bảo, góp ý. Có thể nói không ngoa là chẳng mấy “ông đồng bà cốt” ở Việt Nam lại không biết tới danh giáo sư Ngô Đức Thịnh.

 Giáo sư Ngô Đức Thịnh một đời nghiên cứu đạo Mẫu

Sở dĩ tôi biết nhiều những câu chuyện bên lề nghiên cứu của giáo sư đó là vì ông chính là thầy dạy chúng tôi lớp học thạc sĩ tại Viện Nghiên cứu Văn hóa ở Hà Nội. Khi tôi học thì thầy không còn làm viện trưởng nữa, chỉ toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu văn hóa dân gian, nhất là đạo Mẫu. Giáo sư đã đưa cả lớp chúng tôi đến các đền phủ để nghiên cứu các lễ hầu đồng. Những “ông đồng bà cốt” gặp thầy của chúng tôi chẳng khác gì gặp người nhà.

Ý thức cội nguồn dân tộc trong Ðạo Mẫu

Tất cả các lễ hội, các đền phủ lớn khắp đất nước Việt Nam, đều in dấu chân của giáo sư Ngô Đức Thịnh.  Ông thích nhất là công việc điền dã, thực địa, tự mình mắt thấy tai nghe. Những chuyến đi của ông, cũng phong phú như những bài văn công đồng:

“Đền Sòng Sơn địa tiên vương mẫu

Chốn Phủ Giầy nổi dấu thiên hương”

GS.TS Ngô Đức Thịnh, sinh năm 1944 tại Hải Phúc, Hải Hậu, Nam Định. Năm 1980, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Ông nghiên cứu về đền phủ từ những năm 1980, cuốn “Hát văn” của Ngô Đức Thịnh xuất bản từ năm 1992, vào cái thời điểm mà hầu đồng hát văn vẫn bị xem là mê tín dị đoan. Thời kỳ đó,  để nghiên cứu hầu đồng, ông đã phải tổ chức “hầu đồng chui”.

 “Hầu đồng” như một hoạt động văn hóa với việc “đồng bóng” trục lợi vẫn có những khoảng sáng tối lẫn lộn. Có người quá sùng bái, cuồng tín, có người lại dị ứng cho rằng đồng cốt chỉ là mê tín dị đoan.   

Giáo sư Ngô Đức Thịnh từng cho biết, ông cảm thấy mình phải có trách nhiệm nghiên cứu, “vì Việt Nam có khoảng 7.000 đền phủ thờ đạo Mẫu trong cộng đồng, chưa kể các đền phủ tư nhân. Là một nhà khoa học thì không thể không công nhận sự thật khách quan ấy, không thể coi như nó không tồn tại, và buộc phải bắt tay vào nghiên cứu để cắt nghĩa vì sao các đền phủ lại phổ biến như vậy và vì sao đạo Mẫu lại có sức sống lâu bền như thế”.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh chỉ ra: “Tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng dân gian bước đầu đã chứa đựng được những nhân tố về một hệ thống vũ trụ luận nguyên sơ, một vũ trụ thống nhất chia thành bốn miền do bốn vị thánh cai quản. Một tín ngưỡng bước đầu thể hiện một ý thức nhân sinh, ý thức cội nguồn dân tộc, lòng yêu nước, một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được linh thiêng hóa mà Mẫu là biểu tượng cao nhất”.

Các cuốn sách về đạo Mẫu của giáo sư Ngô Đức Thịnh rất được yêu thích
 

Ông đồng, bà cốt” - họ là ai?

Giáo sư Ngô Đức Thịnh từng nói với tôi: “Đa số các ông đồng bà cốt là những người gặp phải chuyện không may trong đời sống, có người bị bệnh tật, họ đến với hầu đồng là để tìm sự bình yên, tìm niềm vui, mong được thần thánh phù trợ cho mình”. Giáo sư cho rằng: “…lên đồng không phải là trạng thái bệnh lý, mà chỉ là trạng thái tâm sinh lý, là trạng thái biến đổi ý thức đặc biệt, ở đó các ông đồng, bà đồng chủ động tự đưa mình vào trạng thái ấy. Chính trong môi trường tự biến đổi ý thức đó, cái vô thức trỗi dậy, giúp bà đồng, ông đồng giải tỏa nhiều ức chế tâm thần cũng chính là nguồn gốc của nhiều hiện tượng tâm sinh lý, như điên loạn, bệnh tật, kết tóc, cơ đày...” (Lên đồng - Hành trình của thần linh và thân phận).

Song hầu đồng không chỉ như thế, bởi ngày nay không hiếm những lễ hầu đồng tốn bạc tỷ và người hầu đồng chẳng mắc phải bệnh tật hay khó khăn gì tới mức phải hầu đồng! 

Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, hiện nay có 3 kiểu ông/bà đồng. Đầu tiên là những người có căn đồng số lính (do nghiệp gia truyền, nối dõi dòng tộc). Thứ tới là những người có căn số không phải do nối dõi nhưng do căn quả, bị cơ đầy cũng phải ra trình đồng mở Phủ. Cuối cùng là những “đồng đua, đồng đú” là người không có căn số coi lên đồng là một nhu cầu giải trí, giải tỏa...

Trao đổi với chúng tôi, giáo sư Ngô Đức Thịnh từng hết sức bất bình với “đồng đua”, ông nói: “Theo tôi, nhiều đền phủ hiện đang bị biến dạng đi, theo hướng tiêu cực. Nhiều đền phủ chủ yếu mọc lên để con người vụ lợi, lợi dụng tiền bạc của người dân”.

Ước mong phát triển đạo Mẫu

Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, sở dĩ gọi đạo Mẫu là vì: “Trong tín ngưỡng thờ Mẫu có tất cả các yếu tố của một tôn giáo dân gian đó là các kinh sách (các bài văn), có hệ thống các vị thần, có các cơ sở thờ tự là các đền phủ, có những người con nhang đệ tử theo tôn giáo này”. Theo nhà nghiên cứu, “Hầu hết các ngôi chùa hiện nay ở nông thôn đều có điện thờ Mẫu. Trong đó phổ biến nhất là dạng “Tiền Phật, hậu Mẫu”.   

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Nếu đạo Phật, đạo Công Giáo, Đạo Lão là các tôn giáo từ nước ngoài đưa vào thì hệ thống các vị thần đạo Mẫu đều gắn với đất nước, con người Việt Nam. Có thể nói đạo Mẫu chính là tôn giáo hết sức độc đáo của người Việt Nam”. Giáo sư thống kê được “trong số khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ, hầu hết là những nhân vật lịch sử, có công với dân tộc”. Nhiều người anh hùng dân tộc được nhân dân thờ trong các phủ như Đức thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng...

Nếu nhà thờ có các đức linh mục, chùa có các sư, có một hệ thống từ trung ương đến địa phương quản lý, thậm chí có giáo hội quốc tế, thì đạo Mẫu hầu như là một dạng tổ chức “tư nhân”, các ông đồng bà cốt đứng ra mở ra các phủ, thu tiền. Các điện thờ Mẫu hầu như không có các vị chức sắc trông nom, cũng chẳng ai có bằng cấp gì, chẳng có chứng nhận nào đối với năng lực khả năng của ông đồng bà cốt khi họ hành nghề. Tất cả chỉ là niềm tin trong sáng của người dân với họ.

Hầu đồng là một nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị thánh vào thân xác ông đồng, bà đồng, là sự tái sinh hình ảnh các vị thánh. Những người hầu đồng được xã hội cho rằng họ có khả năng tiếp xúc với thần linh. Người dân đi hầu đồng nghĩ rằng nhờ có ông đồng bà cốt mà họ tiếp xúc được với thần linh.  Song, thực tế có bao nhiêu ông đồng bà cốt tiếp xúc được với thần linh?

GS Ngô Đức Thịnh từng cảnh báo: “Có nhiều người tuy không có căn cốt đồng, nhưng cũng đua đòi lên đồng. Dân gian thường gọi những người này là “đồng đua”. Chính vì những đua đòi hay “giả say ăn tiền” ấy mà lên đồng đang phải chịu nhiều thành kiến”.  

GS Ngô Đức Thịnh (1944-2020), nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa. Sau nghỉ hưu, ông là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Năm 2017, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Giáo sư là người có nhiều công trình nghiên cứu mang tính khai phá về đạo Mẫu, hầu đồng.