Người trẻ làm theo lời Bác

TP - Họ là những chàng trai trẻ, không ngừng nỗ lực, chinh phục những đỉnh cao trí tuệ để cống hiến cho cộng đồng, làm rạng danh đất nước. Họ là ba trong số những gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019.
Đại úy Nguyễn Văn Thuận Ảnh: NVCC

Phi công Việt Nam đầu tiên bay “siêu marathone”

Đại úy Nguyễn Văn Thuận (SN 1991), Phó phi đội trưởng Phi đội 2, Lữ đoàn 954 (Quân chủng Hải Quân) là một trong số 8 học viên đầu tiên của Việt Nam được tuyển chọn sang Canada đào tạo phi công quốc tế cá nhân và phi công thương mại chở khách. Đây cũng là một trong những phi công đầu tiên của Việt Nam tiếp cận khai thác loại thuỷ phi cơ DHC-6.

“Với các loại máy bay khác ở Việt Nam có những người đi trước truyền đạt lại kinh nghiệm, nhưng với loại máy bay mới này chỉ có một giáo viên duy nhất là người nước ngoài, học viên phải vượt qua được rào cản ngôn ngữ để học tập, tích luỹ kinh nghiệm”, anh Thuận chia sẻ. Sau ba tháng học tiếng Anh, anh được thầy giáo thông báo ngắn gọn: “Ngày mai bay nhé”. Hai tháng sau, anh được quyền bay đơn, rồi học chuyên sâu.

Năm 2013, anh tốt nghiệp và được chọn ở lại Canada làm nhiệm vụ phiên dịch, trợ giảng cho các sĩ quan Việt Nam được cử sang theo khóa học sửa chữa máy bay. Đến tháng 10/2013, anh trực tiếp lái thuỷ phi cơ DHC-6 từ Canada về Việt Nam thực hiện hành trình “siêu marathone” bay liên tục 10 ngày với 50 giờ bay, đi qua 7 sân bay và 5 quốc gia có quãng đường gần 14 nghìn km. Anh trở thành phi công đầu tiên và duy nhất của Hải quân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này. “Chính việc luôn tự nhủ động viên bản thân phải cố gắng và niềm tin khó khăn nào cũng có thể vượt qua đã giúp tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, anh Thuận nói.

Đến nay, đại úy Nguyễn Văn Thuận đã có hơn 6 năm gắn bó với bầu trời, tích luỹ hơn 1.450 giờ bay huấn luyện và nhiệm vụ quan trọng lẫn đột xuất như bay trinh sát, tuần tiễu, bay chuyển quân giữa các đơn vị đặc công. Với anh Thuận, một trong những hành trình luôn mang lại nhiều xúc cảm nhất là bay ra Trường Sa. Phi công phải tập trung cao độ vì phải bay hoàn toàn trên biển với khoảng cách hơn 250 hải lý, đường băng sân bay Trường Sa hẹp để cất và hạ cánh, phải chính xác từng xen-ti-mét. 

thượng Úy biên phòng “mỗi ngày một việc tốt”

A Hí là gương sáng của đồng bào dân tộc H’Lăng ở xã biên giới Rờ Kowi (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Anh hiện là Đội phó Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Dục Nông và là Phó Bí thư chi đoàn.

Từ nhỏ A Hí ấp ủ ước mơ trở thành chú bộ đội. Tốt nghiệp THPT, anh xin nhập ngũ, rồi vào huấn luyện tại Tiểu đoàn 19, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum. Chỉ một năm sau, A Hí vinh dự được kết nạp Đảng, được cử đi học tại Học viện Biên phòng. Tốt nghiệp Học viện, được phong quân hàm trung uý, A Hí về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Dục Nông (Kon Tum).

Thượng uý A Hí Ảnh: TTXVN

Thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, A Hí tự đề ra cho bản thân mục tiêu “mỗi ngày làm một việc tốt”. Hơn một năm qua, với nhiều nỗ lực của bản thân, Thượng úy A Hí cùng đồng đội đã nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, quản lý tình hình tư tưởng chiến sỹ mới; duy trì hoạt động của tổ giáo viên đi vào nền nếp, hiệu quả. A Hí đã đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện bơi cho chiến sỹ mới, từ  hướng dẫn kỹ thuật động tác, trình tự các bước, công tác đảm bảo an toàn, chuẩn bị các giải bơi, vị trí luyện tập kỹ thuật dưới nước.

Đối với công tác Đoàn, A Hí đã làm tốt công tác phát triển đoàn viên trong số chiến sỹ mới; phối hợp với tổ chức Đoàn địa phương triển khai nhiều hoạt động vì môi trường; duy trì phong trào “Mỗi tuần làm sạch một thôn, làng” và các hoạt động văn hoá thể thao.

“Chàng trai Vàng” Toán học

Nguyễn Thuận Hưng (SN 2001, quê Hải Phòng) - Huy chương Vàng Olympic Toán học 2019 là gương mặt trẻ nhất trong số những điển hình học tập và làm theo gương Bác. Hưng chia sẻ điều học được ở Bác là tinh thần vượt khó chinh phục những đỉnh cao được đúc kết từ đoạn thơ: “Đi đường mới biết gian lao/ Núi cao rồi lại núi cao trập trùng/ Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” trong bài “Đi đường”.

“Chàng trai Vàng” Toán học Nguyễn Thuận Hưng

Từ nhỏ, Hưng đã có đam mê với những con số, phương trình. Cậu thường xuyên giải các bài toán và có bài giải đăng trên tạp chí Toán tuổi thơ; đoạt giải các cuộc thi toán qua mạng. Đến năm cấp 3, cậu thi đỗ thủ khoa đầu vào chuyên Toán Trường THPT chuyên Trần Phú; giải Nhì quốc gia, Huy chương Bạc Giải toán SASMO (giải toán Singapore mở rộng)...

Hưng cho biết, trước mắt vẫn sẽ tập trung vào việc học và sẽ yêu thích, tôn trọng định hướng theo ngành sư phạm của bố mẹ. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, cậu được trường Đại học Sư phạm Hà Nội đặc cách tuyển vào lớp chất lượng cao của khoa Sư phạm Toán học.

Ông Nguyễn Ngọc Hà (bố Hưng) là người kinh doanh tự do, mẹ làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Giải thích lý do định hướng cho con trai theo ngành Sư phạm, ông Hà nói: “Nhiều người cứ băn khoăn, “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” nhưng với gia đình, con làm nghề gì mà có nhiều cống hiến, ý nghĩa cho xã hội đều rất tốt và luôn ủng hộ”.

Cùng với những chuyến bay an toàn, hiệu quả, đại úy Nguyễn Văn Thuận còn xây dựng các phương thức bay tại các sân bay Trường Sa, Phan Rang... thiết kế bài bay tìm kiếm cứu nạn trên biển, đất liền; góp nhiều sáng kiến trong huấn luyện giúp tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng. Với những thành tích ấn tượng, anh đã trở thành phi công cấp 1 - cấp cao nhất của phi công quân sự Việt Nam khi tuổi còn rất trẻ. Đại úy Thuận cũng là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018.