Người tình nguyện xông pha chảo lửa

TP - “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng/Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương/Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm/Là người, tôi sẽ chết cho quê hương”. Nhớ về nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam tôi thường nhớ đến những câu hát quen thuộc ấy. Trong gia tài nhiếp ảnh cố nghệ sỹ dành tặng cho đời, phần quý giá nhất được chưng cất trong những năm tháng ông vừa cầm máy, vừa cầm bút, vừa lao vào cuộc chiến đấu giành lại “tấc đất quê hương”.

Nhà báo Mai Nam (phải) tại nơi tuyến lửa trong chiến tranh

Cố nghệ sỹ Mai Nam tên thật là Nguyễn Hữu Thống, ông sinh ra ở vùng quê Kinh Bắc, trong một làng hát quan họ nổi tiếng. Nếu ngày ấy, biến cố lịch sử không xảy ra, người tài hoa có khi đã trở thành một “liền anh” vang danh! Nhưng chính biến cố lịch sử đã góp phần nhào nặn nên nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam và đưa ông đến những tác phẩm sống mãi với thời gian: “Chạy đâu cho thoát”, “Cảnh giác”, “Đi trực chiến”…

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Mai Nam tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, khi còn ở tuổi vị thành niên. 18 tuổi ông được anh ruột là họa sỹ Tôn Đức Lượng (tên thật Nguyễn Hữu Kính) dẫn lên chiến khu Việt Bắc (ATK), theo kháng chiến. Ông nhận công tác trong Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam (tiền thân của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Chính từ đây, làng báo có thêm một nhà báo nhiệt huyết, làng nhiếp ảnh có thêm một nghệ sỹ tài năng, không tiếc đời xanh cùng những gian nguy rình rập để có những tác phẩm cho muôn đời sau.

Báo Tiền Phong chọn Mai Nam và ông thủy chung gắn bó với tờ báo của tuổi trẻ. Mai Nam bắt đầu nghề báo bằng những công việc thuộc về kỹ thuật, như viết li-tô (viết chữ ngược lên mặt đá nhẵn để in báo), sửa morasse. Thời khó khăn và thiếu thốn, cả tòa soạn chỉ có độc chiếc máy ảnh. Như duyên nợ, lần đầu trông thấy chiếc máy ảnh chàng thanh niên đến từ vùng quê Kinh Bắc đã mê ngay và bỏ công tìm hiểu, khám phá nó… Mai Nam là phóng viên ảnh đầu tiên của báo Tiền Phong (năm 1953). Bức ảnh đầu tiên của ông được đăng trang trọng trên trang nhất báo Tiền Phong nhân sự kiện tháp tùng đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng Lao Động Việt Nam. Bút danh Mai Nam cũng khai sinh từ đây.

Thanh niên xung phong Quảng Bình sửa chữa đường ngầm bị bom Mỹ đánh phá năm 1967

Là một nhà báo, một nhiếp ảnh gia thì hiện thực cuộc sống chính là chất liệu. Muốn trở thành “thư ký trung thành” của thời đại, phải quăng mình vào thực tế. Mai Nam là một trong những nhà báo, nghệ sỹ xung phong vào tâm bão đạn. Năm 1964, 1965, với tư cách phóng viên báo Tiền Phong, ông đã đến Thanh Hóa, dùng hình ảnh viết thành bài ca ca ngợi tinh thần chiến đấu quật cường của dân quân Nam Ngạn và Yên Vực tại trận địa Hàm Rồng, đồi C4, trận địa Yên Vực, Đồng Đá… Tác phẩm “Đi trực chiến” đã ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Ðã 6 năm, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam xa lìa nhân thế song tác phẩm của ông vẫn còn đó, nhắc nhớ thế hệ sau về những năm tháng đau thương, hào hùng của dân tộc. Trong sự nghiệp cầm máy của mình, Mai Nam đã đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá ở trong nước và ngoài nước. Ông vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đợt II (2007) với các tác phẩm “Cảnh giác”, “Chạy đâu cho thoát”, “Ði trực chiến”. Theo chia sẻ của nhà báo Hồng Vĩnh, con trai của nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam, cha anh còn lưu giữ khoảng 70, 80 bức ảnh thời chảo lửa Vĩnh Linh. Lượng ảnh ấy đủ để làm một triển lãm sinh động.

Tháng 3/1968, nhà báo, nghệ sỹ Mai Nam tình nguyện lao vào chảo lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị. Chiến trường tàn khốc, ranh giới giữa sự sống-cái chết mong manh, nhưng nhà báo, nghệ sỹ sớm giác ngộ cách mạng không sờn lòng. Vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, vừa hòa nhịp với đời sống quân dân, nên những bức ảnh ra đời trong chảo lửa của nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam vừa thời sự, vừa đẫm tình. Một trong những tố chất giúp nghệ sỹ Mai Nam thành công trong sự nghiệp nhiếp ảnh, đó là niềm đam mê bất tận. Hồi mới vào nghề báo, ông hăm hở đạp xe cả chục cây số chỉ để tìm mua cho được một cuộn phim, phục vụ một sự kiện được phân công.

Em bé mới sinh trong địa đạo Vĩnh Linh 1968

Lao vào chảo lửa, ông say sưa tác nghiệp. Để chớp được khoảnh khắc máy bay địch trúng pháo kích của quân dân ta, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh đã phải cầm máy chạy đuổi theo máy bay, đến mức lạc vào trận địa cũng không hay biết gì, chỉ khi nghe tiếng đạn bên tai ông mới sực tỉnh, đi tìm chỗ nấp. 8 tháng trong chảo lửa, Mai Nam cảm nhận rõ hơn ai hết sự tàn khốc của chiến tranh. Nhưng tác phẩm của Mai Nam không phản ánh “nỗi buồn chiến tranh” trong cảm nhận đa chiều, từ hiện thực tới tâm thức. Dưới ống kính Mai Nam cuộc sống đời thường vẫn tiếp tục, bất chấp mưa bom bão đạn. Chiến sĩ ta vẫn rèn luyện thể dục, vẫn vui văn nghệ dưới hầm, những nụ cười vẫn rạng rỡ trên những gương mặt thanh xuân. Cây đời vẫn trổ hoa nơi chảo lửa. Ảnh thời chiến của Mai Nam không bi, mà lấp lánh niềm tin về một ngày non sông ca khúc khải hoàn.

Tự vệ cơ quan Trung ương Ðoàn Thanh niên Lao Ðộng Việt Nam trực chiến trên nóc nhà 60 Bà Triệu, Hà Nội 1972

Ở tuổi 70, nhà nhiếp ảnh Mai Nam đã mở triển lãm công bố tư liệu ảnh của mình tại xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Một người đàn ông từ trong phòng triển lãm đã chạy đến ôm nghệ sỹ và khóc. Bởi qua ảnh của Mai Nam ông mới được thấy mặt người cha của mình, liệt sĩ Trần Văn Khiêm: “Nói thiệt với bác, cũng nhờ bác, nếu không gia đình cháu không bao giờ nhìn thấy ba cháu được. 30 năm không thấy mặt cha, không có ảnh để thờ. Gia đình không có gì để trả ơn bác…”, người đàn ông cảm kích nói với Mai Nam. Để có những bức ảnh quý giá ấy, Mai Nam phải tác nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn. Ông ăn khoai, ăn sắn cùng quân dân dưới địa đạo Vịnh Mốc. Cảnh sống trong hầm, không có chỗ tráng phim, nhà báo, nghệ sỹ phải bảo bọc phim rất kỹ, sau đó mới đem ra Hà Nội tráng và in báo. Để chụp được cảnh dân quân trực chiến sinh hoạt văn nghệ trong hầm, ông phải tự tìm vật liệu đốt lấy ánh sáng…

Tác phẩm nổi tiếng của Nhà báo Mai Nam: Chạy đâu cho thoát

Nhưng không có gì làm khó Mai Nam, bởi tinh thần của nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam là tinh thần của một người chiến sĩ. Tính chiến đấu không thể thiếu trong những tác phẩm về đề tài chiến tranh của ông. Chính Mai Nam đã từng chia sẻ điều này khi còn sống: “Tôi là người kháng chiến và yêu nghệ thuật nên ảnh của tôi có tính chiến đấu và tính nghệ thuật. Tôi săn đuổi bức ảnh chân thật hấp dẫn người xem”.