'Người thầy' - một chân dung tình báo hấp dẫn

TP - “Người thầy” là cuốn sách dày 496 trang khổ lớn (16x24cm) được viết theo thể tự truyện. Tác giả là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, một người cả đời theo đuổi binh nghiệp chủ yếu ở ngành tình báo; bắt đầu từ sĩ quan trợ lý và lần lượt đảm nhiệm các chức vụ từ phòng ban, cục và Tổng cục trưởng Tổng cục II. Trước khi nghỉ hưu ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thú thật khi một nhà văn bạn, con trai một tướng lĩnh nổi tiếng đưa tặng tôi “Người thầy” tôi đã thoáng ngần ngại. Ngần ngại chứ, sách dày thế kia và điều này mới là nhẽ chính, những cuốn sách theo thể tự truyện hay hồi ký của các tướng lĩnh các yếu nhân đa phần được chấp bút dựa theo lời kể của người trong cuộc. Tức là tác giả không tự viết mà chỉ kể để người khác viết lại.

Mang tâm lý đó nên với tôi, sự tiếp nhận ngần ngại là đương nhiên. Nhưng không, ngay từ những trang đầu tiên, “Người thầy” đã hấp dẫn, cuốn hút tôi một cách khác thường. Cũng phải nói ngay, ngoài đời tôi chưa một lần gặp tướng Nguyễn Chí Vịnh nên sự cuốn hút của “Người thầy” không hề cảm tính mà hoàn toàn từ văn bản mang đến.

“Người thầy” hấp dẫn, cuốn hút khác thường như thế nào?

Bìa cuốn sách

Trước hết ở những thông tin ta tiếp nhận được từ nội dung cuốn sách. “Người thầy” là cuốn truyện tác giả kể về vị tướng tình báo lừng lẫy, Anh hùng lực lượng vũ trang, thiếu tướng Đặng Trần Đức với bí danh thường gọi: Ba Quốc. Cuộc đời vị tướng tình báo này từ nhiều năm nay đã được báo chí, điện ảnh, truyền hình và văn học khai thác khá nhiều về thân thế sự nghiệp, gia đình cũng như về những chiến công vang dội của ông trong chiến tranh chống Mỹ và những đóng góp to lớn cho ngành tình báo quân sự. Những gì mọi người đã biết về ông Ba Quốc hầu như ít được tác giả Nguyễn Chí Vịnh miêu tả trong “Người thầy”, thay vào đó là những “góc khuất” ít người biết về con người trong cuộc sống và chiến đấu của ông, đặc biệt là giai đoạn sau 1975 với dấu ấn quan trọng nhất ở những cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Gọi “góc khuất” là cách tôi muốn nói đến những gì tác giả Nguyễn Chí Vịnh mang đến cho người đọc một cái nhìn thật đầy đủ và trọn vẹn về chân dung một vị tướng tài năng đã trở thành huyền thoại.

Cái sự khác nữa dễ nhận thấy bởi có lẽ đây là lần đầu tiên một tác giả là cán bộ cao cấp trong ngành tình báo Quân đội viết sách về chính đồng chí, đồng đội của mình về chính nghề nghiệp của mình. Trước đấy kể cả ở những bộ tiểu thuyết lớn “Ông tướng và hai bà vợ” của nhà văn Nguyễn Trần Thiết, “Tình báo không phải là nghề của tôi” của nhà văn Khuất Quang Thụy, dẫu các tác giả có bám sát hiện thực đến đâu thì ông tướng Ba Quốc vẫn là một nhân vật đã được văn học hóa hình tượng. Ở “Người thầy” thì khác, một ông Ba Quốc của đời thường của chiến trận, của những hỷ- nộ- ái- ố đời người hiện ra sống động chân thực và hết sức bình dị.

Chính vì tác giả trong ngành tình báo nên những trang viết của ông rất ý thức tiết chế, kiệm tối đa thông tin về nghề nhưng điều này lại khiến “Người thầy” tạo ra hấp dẫn riêng. Bởi những nguyên tắc bí mật nghề nghiệp tình báo không được phép công bố nhưng những sự kiện ông Ba Quốc cùng đồng đội và chính tác giả tham dự được viết ra một cách chân thực dẫu không đi đến tận cùng sự kiện lại gợi trường liên tưởng cho độc giả khám phá, đồng cảm. Chẳng hạn những vụ việc xảy ra ở Campuchia sau khi rút quân tình nguyện Việt Nam và những cuộc bầu cử của đất nước này thời kỳ sau đó. Đặc biệt là chuyến đi thăm chính thức Campuchia của Chủ tịch nước Lê Đức Anh đầy khó khăn, nguy hiểm nhưng hấp dẫn và kỳ thú.

Lại nữa, cuốn truyện mặc định về người thày Ba Quốc của tác giả nhưng lại có rất nhiều trang viết về những huyền thoại tình báo khác của đất nước như Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ…và về chính cuộc sống chiến đấu, trưởng thành đi lên của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Sự hấp dẫn một phần nằm ở chỗ người đọc hiểu thế nào về nghề tình báo quân đội dù chỉ là những khái lược đơn giản nhưng cũng đủ để mường tượng ra một nghề đặc thù, chiến đấu thầm lặng đầy nguy hiểm và mất mát hy sinh cả trong chiến tranh lẫn hòa bình.

Với riêng tôi từng là người lính ở chiến trường B2 (Đông Nam Bộ) ngoài sự hiểu chung mới vỡ nhẽ một điều thú vị khi đọc “Người thầy”. Dạo đó những năm còn bom đạn ùng oàng cánh lính chúng tôi rất ngưỡng mộ có chút ghen tị với những anh lính mặc đồ vinilon xanh lá cây, nón tai bèo cùng màu, đeo AK báng gập gọn nhẹ và hiện đại, phóng xe Honda 67 vèo vèo trong căn cứ là thủ phủ vùng giải phóng Lộc Ninh. Lúc đấy không biết đó là lực lượng nào, giờ thì hiểu có lẽ họ chính là cánh lính tình báo của mặt trận.

Kế đến là những giá trị nghệ thuật của “Người thầy” góp tạo sự hấp dẫn, cuốn hút. Tôi rất bất ngờ khi tác giả không phải nhà văn chuyên nghiệp nhưng tỏ ra già dặn và cao tay khi dựng truyện. “Người thầy” được phân chia theo chương mục nhưng phá bỏ nguyên tắc trật tự tuyến tính. Thời gian trong “Người thầy” là bất kỳ tùy thuộc vào từng đề mục trong mỗi chương. Cách tạo dựng “không thời gian” này tỏ ra hiệu quả khi câu chuyện được xâu chuỗi bằng những chi tiết độc và đắt để dẫn dắt các tình huống. Có thể nói thành công của “Người thầy” nằm chính ở những chi tiết chính xác không thể tưởng tượng và những tình huống đắc địa. Nhân vật cũng vậy, thật không thể thật hơn nên vạm vỡ, đồ sộ. Cách kể của tác giả không màu mè văn vẻ, kể như không kể chỉ như những giãi bày thủ thỉ bằng thứ ngôn ngữ mộc mạc chân thành, kỳ lạ lại tạo ra một văn phong hiện đại, thuyết phục. Có cảm giác Nguyễn Chí Vịnh rút ruột mình ra mà viết mà kể. Mỗi con chữ mỗi dòng viết đều là tâm huyết là máu thịt của ông trong những phần đời ký ức.

Bởi thế nên không có gì lạ khi “Người thầy” tạo ra trường cảm xúc mạnh mẽ cuốn hút người đọc bằng tình người đậm đặc. Một cuốn sách về tình nghĩa con người về tình đồng đội, đồng chí về tình yêu, nghĩa chồng vợ, về sự hy sinh cả dâng hiến lẫn chịu đựng, cả hạnh phúc lẫn bất hạnh. Tôi đã rưng rưng rơi lệ khi đọc chi tiết vị tướng Ba Quốc gửi quà về cho gia đình người vợ ngoài Bắc khi đất nước thống nhất. Gói mỳ chính hai lạng rưỡi chia bốn. Chao ôi, cái chi tiết này có nhà văn nào tưởng tượng ra nổi từ một chỉ huy tình báo đầy quyền lực. Một chi tiết nhỏ nhưng đó là phẩm hạnh lớn của một vị tướng rất “người”.

Tác giả, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khép lại “Người thầy” bằng những tâm tình cốt thiết:”Cuộc đời ông Ba Quốc - người thầy trân quý của tôi là như vậy.Trí tuệ, bản lĩnh. Hy sinh vì lý tưởng và sống chết vì tình yêu. Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị.”.

Vâng, bình dị-có lẽ vậy là đủ về một người thầy của tác giả, một huyền thoại tình báo và một người anh hùng trong chiến tranh vệ quốc và bảo vệ hòa bình đất nước.