Người thân 61 ngư dân bị bắt giữ ở Indonesia hoang mang

TP - Đã 4 tháng trôi qua, 61 ngư dân của tỉnh Kiên Giang bị bắt giữ (ngày 4/1) tại đảo Tagempa, Indonesia vẫn chưa được thả về.
Những người mẹ, người vợ của 61 ngư dân bị bắt giữ đến nhà chủ tàu Trương Văn Ngữ hỏi thông tin và nhận tiền gạo hỗ trợ

Đã có quá nhiều cuộc họp bàn tìm giải pháp giải cứu ngư dân nhưng sự việc vẫn bế tắc. Trong khi đó người nhà ngư dân ngày càng hoang mang.

Bao giờ mới được trả về?

Ông Nông Văn Lân (59 tuổi), sống tạm bợ trong một ngôi nhà nhỏ ven sông Tắc Ráng, khu phố Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá buồn rầu kể: Nhà có hai gái hai trai, thằng út là Nông Văn Sị (27 tuổi) làm nghề ngư phủ. Hay tin nó bị bắt giữ ở nước ngoài, vợ tôi hôm nào cũng thẫn thờ nhìn ra dòng sông xuôi về biển cả rồi hỏi bao giờ thằng Sị nó về? Nhớ thương con bà lâm bệnh, trong những cơn mê bà gọi tên thằng Sị, và gọi tên đứa con nuôi đi cùng tàu, chung số phận với nó. Cho đến trước khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7/4 vừa qua, vợ tôi cứ luôn miệng kêu rên: Sị ơi..., sao con không về với má?

Một trường hợp bất hạnh khác, là 2 cha con ông Phạm Minh Quý (51 tuổi) và Phạm Minh Hoàng (26 tuổi). Ông Hoàng đã không thể nhìn thấy mẹ của mình trước khi bà qua đời ở tuổi 82 vào ngày 13/3. Chị Thạch Thị Vân (vợ của anh Quý) nghẹn ngào kể: Trước khi nhắm mắt, bà cứ luôn miệng hỏi thằng Quý, thằng Hoàng về chưa? Hồi mới bị bắt có người còn điện về báo tin tình hình. Sau đó thì bặt tin.

Những người vợ, những người mẹ mà tôi gặp, hỏi thăm trong chiều 3/5 khi họ đang nhận tiền hỗ trợ lần thứ ba của 2 chủ tàu, đều mang những gương mặt buồn rầu, lo âu, khắc khổ. Họ lo cho số phận của chồng, con mình; họ mong chờ từng giờ từng phút để gặp lại người thân. Có bà mẹ còn bức xúc la lên rằng: Đi hợp pháp, có hợp đồng đàng hoàng sao lại bị bắt rồi giam giữ hoài vậy? Ai chịu trách nhiệm đưa chồng con chúng tôi về?...

Chị Nguyễn Thị Đậm (21 tuổi), vừa sinh con được 2 tháng thì chồng đi biển. Bây giờ con 6 tháng tuổi rồi mà người cha vẫn chưa về. Ở nhà 2 mẹ con khổ sở thiếu thốn trăm bề, phải đi làm thêm kiếm sống. Còn chị Nguyễn Thị Diệu có 3 người con, lớn 13 tuổi, nhỏ 13 tháng. Chồng đi biển, bị bắt, không có tiền nuôi dưỡng, chị phải đi làm ô-sin để nuôi con. Trong khi đó, bà Mai Thị Hai (73 tuổi), mẹ của ngư phủ Võ Thanh Sang cho biết: Nhà có 2 mẹ con, nó là lao động chính. Nó nói đi chuyến biển này về cưới vợ, hẹn ngày nói chuyện với người ta. Nhưng gia đình bên kia chờ lâu quá không thấy gì, nghĩ bên này thất hứa, rồi gả con gái cho người khác mất tiêu.

Ở tuổi 85, bà Võ Thị Lê như trái khô rất cần người thường xuyên chăm sóc bên cạnh, nhưng người con trai bà, Nguyễn Văn A (56 tuổi) lại suốt ngày đi biển, mỗi tháng thoáng về cái lại đi. “Trước khi lên tàu ra nước ngoài đánh cá nó mua cho tôi ít nước mắm, muối và 500 ngàn đồng. Rồi nó đi biệt từ đầu năm đến giờ cùng với đứa cháu nội cùng làm nghề ngư phủ”. bà Lê nói.

Trong số 61 ngư phủ bị bắt giữ, thì Danh Ngọc Hoàng (20 tuổi), nhà ở xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành có hoàn cảnh đặc biệt. Hoàng là lao động chính trong một gia đình nghèo, sống chui rúc trong một ngôi nhà lá “dột trước dột sau”. Người mẹ già bị mù, hai người em nhỏ bị chất độc da cam, tất cả trông chờ vào tiền từ nghề làm ngư phủ của Hoàng.

Các chủ tàu hoang mang

Trong buổi phát gạo và tiền hỗ trợ (chiều 3/5) cho 61 gia đình ngư dân bị bắt giữ ở Indonesia, hai chủ tàu, ông Trần Hon và ông Trương Văn Ngữ cho biết: Đây là lần hỗ trợ thứ ba kể từ ngày 4 chiếc tàu của 2 ông cùng 61 ngư dân bị bắt.

Lần này mỗi suất một triệu đồng và 2 bao gạo 50 kg, tổng trị giá trên 90 triệu. Trước đó, hai chủ tàu đã hỗ trợ đợt I, mỗi gia đình có ngư phủ bị bắt 5 triệu, tài công 10 triệu cùng quà tết, tổng cộng khoảng 360 triệu đồng; đợt 2 mỗi người một triệu đồng.

Ngoài ra, ông Ngữ và Hon còn bỏ bao công sức chạy tới chạy lui yêu cầu Cty Đại Dương (đơn vị hợp đồng đưa tàu cá đi đánh bắt ở Indonesia), đưa ngay tàu và ngư dân về; cầu cứu các cơ quan có thẩm quyền can thiệp. Thậm chí, chờ đợi quá lâu, cảm thấy không yên tâm, hai ông đã tự liên hệ với bên ngoài, đi trực tiếp qua Indonesia cầu cứu đến luật sư để can thiệp.

Cũng theo hai chủ tàu, hiện 57 ngư phủ đã bị tách khỏi 4 tài công. Họ bị đưa tới một hòn đảo khác, cách vị trí giam giữ ban đầu khoảng vài chục hải lý. Không chỉ người thân của các ngư phủ lo lắng mà hai chủ tàu hiện rất hoang mang, bởi sự việc càng ngày càng phức tạp.

Theo chương trình hợp tác khai thác thủy sản giữa Việt Nam và Indonesia, được sự cho phép của Tổng cục Thủy sản Việt Nam, ngày 30/8/2013, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã cấp giấy phép cho 2 chủ tàu cá, ông Trần Hon và Trương Văn Ngữ đưa 8 tàu cá cùng 61 ngư dân đi khai thác thủy sản tại ngư trường Indonesia.

Đến ngày 4/1/2014, trong lúc đang khai thác tại vùng biển đảo Tagempa thì bị lực lượng chức năng của Indonesia bắt giữ vì chưa được cấp phép và vi phạm vùng biển cấm khai thác. Quá trình giải quyết vụ việc kéo dài, đã 4 tháng trôi qua, 61 ngư dân vẫn chưa được phóng thích.