Người sưu tầm 1.000 tấm ảnh Bác Hồ

TP - Anh Trường đã sưu tầm được khoảng 1.000 tấm ảnh khác nhau về Bác Hồ được người dân phóng để treo trong nhà hoặc treo ở các công trình văn hóa.
Anh Trường bên chiếc máy ảnh đầu thế kỷ 20.

“Quán phở bác Hồ”

Anh Phạm Ngọc Trường sinh năm 1972, quê ở Long An. Gia đình theo nghề bán phở do một người lớn tuổi truyền dạy cho để mưu sinh ở thành phố. Lúc nhỏ, anh Trường sống ở quê và khi bố mẹ già, anh lên TPHCM sống cùng gia đình ở gần bến xe miền Tây.

Tôi tới tìm anh ở khu bến xe và những số nhà ở đây “nhảy như chong chóng”, nhưng hỏi quán phở Bốn Phương có trưng nhiều máy chụp hình thì người quanh bến xe chỉ ngay cho tôi chỗ ở của anh Trường. Mấy quán phở nằm liền kề nhau, những người bán phở có nước da sạm đen mưa nắng. Anh Trường dáng vẻ nhanh nhẹn, khá phong trần nhưng cũng điềm đạm, bảo: “Tôi nuôi 6 đứa con, vất lắm. Kiếm thêm bằng nghề chụp ảnh, quay phim đám cưới, phụ giúp coi quán phở cho gia đình”. Bà con của anh ở quê lên chơi rất đông, họ nói chuyện râm ran, bọn trẻ chạy quanh xem những cái máy chụp hình cũ kỹ bày khắp nơi.

 

Theo anh Trường, người mà anh hâm mộ và muốn tìm hiểu nhất chính là Bác Hồ. Anh Trường đã sưu tầm được khoảng 1.000 tấm ảnh khác nhau về Bác Hồ được người dân phóng để treo trong nhà hoặc treo ở các công trình văn hóa. Hình ảnh Bác được anh trưng bày trong quán phở của nhà nhiều tới mức người tới ăn phở thường gọi đó là “quán phở Bác Hồ”. Cuộc đời của Bác hiện lên khá phong phú, đầy đủ và sống động qua các hình ảnh mà anh sưu tập được.

Dựa và các hình ảnh, tư liệu, phim ảnh, sách báo, anh Trường cất công tìm các vật dụng liên quan đến đời hoạt động của Bác. Dĩ nhiên, tất cả các hiện vật gốc đều đã được bảo tàng lưu giữ. Bằng mối quan hệ, kiến thức và đam mê của mình, anh Trường đã sưu tầm được rất nhiều đồ vật cùng chủng loại với đồ vật mà Bác đã sử dụng.

Anh Trường đã sưu tầm được chiếc điện thoại cùng đời với chiếc điện thoại Bác đã dùng trong nhà sàn. Anh cũng đi tìm được chiếc mũ nhựa cùng loại Bác thường dùng. Đặc biệt, anh đã tìm ra chiếc radio cùng đời với chiếc mà Bác vẫn nghe mỗi tối tin tức từ chiến trường miền Nam. Ngay cả chiếc máy chữ Bác thường dùng, anh cũng tìm được một phiên bản giống hệt, được sản xuất bởi cùng một dây chuyền nhà máy thời đó! Những vật dụng này, anh cất kỹ lưỡng, mỗi lần ngắm chúng người sưu tập lại thấy như mình được tiếp thêm niềm vui.

Vào những dịp kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5 nhiều người ở TPHCM và vùng đồng bằng tìm tới quán phở của anh Trường để ngắm những đồ vật, hình ảnh gắn với Bác Hồ mà mọi người chỉ nhìn thấy trên phim ảnh. Đó có thể là chiếc mũ bằng nhựa hay chiếc điện thoại đã phai màu thời gian.

Giữ lịch sử nghe nhìn

Người thợ chụp hình bảo không nhớ chính xác số đổ cổ đang có: “Tôi chỉ đoán mình có nhiều hơn 400 cái máy quay phim cổ. Tôi cũng không thể nhớ nổi vì sao tôi có thể sưu tầm nổi những chiếc máy quý hiếm như thế. Đa số chúng là máy quay phim của các phóng viên chiến trường Việt Nam, bởi thời tôi đi sưu tầm thì đồ cổ từ nước ngoài về Việt Nam còn ít. Tôi nghe thấy ai có máy quay phim thì lân la, tìm mua. Đa số máy quay phim, chụp ảnh của tôi đều sưu tầm được tại Việt Nam, đôi khi từ người bán đồng nát”.

Điện ảnh bưng biền miền Nam là một nền điện ảnh phát triển rất sớm, chính những phóng viên ở bưng biền đã ra miền Bắc để quay những thước phim tư liệu quý giá về Bác Hồ tắm suối, cưỡi ngựa ở chiến khu. Anh Trường nói: “Có những chiếc máy quay phim gắn 3 ống kính, quay phim trong thời chiến tranh thì chẳng có đủ thời gian để thay ống kính nữa. Thậm chí có chiếc máy quay được mấy loại phim, đề phòng không có phim cỡ này thì quay phim cỡ khác. Máy quay thời chiến tranh rất là hiếm và ngày xưa thì vô cùng đắt đỏ”.

Tôi cũng đã gặp khá nhiều các nhà sưu tập chuyên nghiệp, kinh nghiệm và có thể nói là rất nổi tiếng, nhưng hiếm người có thể lưu giữ hơn 1.200 chiếc máy ảnh như anh Trường. Đơn giản, như anh nói: “Tôi chỉ mua vào, chưa bán đi cái nào nên mới nhiều như thế”. Nhà anh chất đầy máy quay, máy chụp hình đến mức người tới chơi, đến ăn phở bị “bội thực” vì các loại máy quay, anh đành “chất bớt chúng vào kho và chỉ để trưng bày mỗi loại một ít”.

Chỉ cho phóng viên xem chiếc máy ảnh chữ A mà anh đã bỏ hai cây vàng mua cách đây vài chục năm, gia chủ nói: “Chiếc máy này được sản xuất ở nước ngoài, sử dụng tại Việt Nam hồi đầu thế kỷ. Nhiều người hỏi mua mà tôi không bán”. Công việc chụp hình đám cưới bằng máy ảnh số không liên quan đến thứ máy ảnh cổ to như cái tủ vậy. Nhiều lúc gia đình khó khăn, vật lộn mưu sinh, mua những thứ đồ cổ về để đó, người thợ chụp ảnh cũng băn khoăn lắm: “Nuôi 6 đứa con nên tôi cũng phải tự mình bỏ bớt những đam mê, chỉ cố mua những thứ mà mình cho là quý và cần phải mua”.

Đồ cổ nghe nhìn, được anh chia thành máy ảnh, máy quay phim, máy chiếu phim, máy hát, radio. Thật lạ lùng khi anh Trường sưu tầm được 1.200 chiếc radio cổ từ máy bóng đèn đến máy bán dẫn nên đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người sở hữu nhiều máy thu thanh cổ nhất”.  Anh cũng có trong tay khoảng 500 máy nghe nhạc bằng đĩa than với hơn 1000 đĩa than cổ, cũ ghi lại nhiều tiếng hát nổi tiếng của Việt Nam từ thập niên 1950-1960.

“Mỗi cái máy có những nét đẹp riêng, lúc mới sản xuất ra giá cả không cao đâu, nhưng giờ nó lại hiếm và thu hút vì kiểu dáng mộc mạc” - lý do số lượng khủng là vậy. Chỉ riêng máy chiếu phim anh cũng đã có hơn 100 chiếc khác nhau.

Bán phở mà phải nhịn ăn

Tới thăm quán phở của anh Trường, chứng kiến anh tất bật lo mọi việc giúp đỡ mọi người, không ra dáng một ông chủ hay một nhà sưu tập. Vừa tiếp khách người thợ chụp ảnh này nói: “Tôi mua đồ cổ không phải để bán kiếm lời. Tôi có 4 quán phở rồi, tôi còn chụp ảnh dịch vụ, ai thuê chụp gì chụp nấy. Quán phở nào tôi cũng trưng bày các đồ cổ như máy hát, máy quay phim, ảnh Bác cho mọi người cùng xem”.

 

Nhiều người nghĩ rằng đồ cổ là thú chơi của người giàu, đồ cổ đã và đang mất hút trong tay các đại gia. Người thợ chụp ảnh muốn đồ cổ cũng sẽ là một thú thưởng thức bình dân mà hấp dẫn như món phở vậy. Anh bảo: “Ngôi nhà tôi đang ở của bố mẹ để lại. Những quán phở đều là tôi đi thuê thôi, chứ không phải nhà đâu”. Nhiều người ước đồ cổ của anh đang có giá trị hàng chục tỷ đồng, song anh không bao giờ bán và lại còn cố gắng mua thêm.

Anh Trường chia tay phóng viên bằng lời tâm sự thế này: “Mình không phải nhà sưu tầm nghiên cứu cổ vật chuyên nghiệp, ban đầu ở quê chỉ chơi cây cảnh thôi, trở về nhà với bố mẹ rồi đến với cổ vật như cái duyên. Vài năm lại đây con cái mình đang lớn, phải lo cho con ăn học, việc sưu tầm trưng bày không được thường xuyên như trước, thậm chí đem cất vào kho hàng ngàn cái máy ảnh. Mình đang dự định thu xếp được công việc, tạo dựng được nơi trưng bày rộng rãi, khi đó mọi người sẽ có dịp nhìn thấy nhiều hơn những kỷ vật quý giá của một thời lịch sử đã qua”. Trong ngôi nhà anh, những cái radio, máy quay phim treo kín tường, chất trên các cầu thang…

Anh Trường từng chia sẻ rằng là người bán phở mà có lúc anh phải nhịn ăn mấy tháng để gom tiền mua món đồ cổ, khi gom đủ tiền thì người ta lại bán đi rồi. Yêu đồ cổ thì dễ, giữ được tình yêu ấy qua tháng năm không phải chuyện dễ dàng.  “Rất nhiều người tới đòi mua những chiếc máy quay phim, máy ảnh, đĩa hát… họ muốn mua hết những gì tôi đang có ấy chứ. Nhưng tôi chỉ bảo rằng tôi không bán gì cả, chỉ bán phở thôi!”.

Anh Trường chào tôi rồi vội vã chạy từ bến xe xuống cầu Bình Điền để trông coi quán phở thứ ba. Ở đó cũng có treo hàng trăm ảnh Bác Hồ do mọi người tặng và anh sưu tầm được từ khắp mọi nơi. Anh chia sẻ rằng sức anh không sưu tầm nổi hàng nghìn hình ảnh Bác mà chính những người dân đến ăn phở, thấy anh sưu tầm ảnh lãnh tụ, nên trong nhà họ có ảnh Bác liền đem tặng cho người chủ quán đam mê!

19/5/2018