Năm 2023, ông Trương Văn Biên (66 tuổi, trú xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) trồng 5ha với hơn 2,4 nghìn gốc cây cam. Dự kiến năm nay, vườn cam của ông Biên cho thu hoạch khoảng 100 tấn cam. Với giá bán trung bình khoảng 30 nghìn đồng/1 kg, sau khi trừ các chi phí, ông Biên cũng lãi cả tỷ đồng.
Ông Biên chia sẻ, năm nay vườn cam cho thu hoạch tốt, sản lượng cao, chất lượng ngon. Ngoài nhờ thời tiết mưa thuận gió hòa còn nhờ những chế phẩm sinh học do ông Biên tự mày mò, chế tạo ra.
Với kinh nghiệm 10 năm trồng cam, ông Biên cho biết "kẻ thù" lớn nhất của cam chính là ruồi vàng, sâu và bướm. Chỉ cần xua đuổi được những loại côn trùng này tránh xa vườn cam thì cam sẽ phát triển tốt, năng suất cao.
Sau nhiều năm nghiên cứu, ông Biên đã tạo ra 2 loại chế phẩm sinh học để xua đuổi côn trùng. Loại thứ nhất được ông Biên tạo ra để phun lên cây cam. "Tôi dùng ớt cay, gừng, riềng, tỏi, xay thật nhuyễn. Sau đó trộn thêm rượu, mật, dấm và ủ trong vòng 20 ngày. Tôi thường ủ hàng trăm lít rồi đem ra phun lên cây thay thuốc trừ sâu. Cứ hết thùng này thì ngâm thùng khác. Loại này an toàn cho sức khỏe", ông Biên nói và cho hay, loại chế phẩm sinh học này có thể giúp loại trừ nấm, sâu bệnh, giúp cây cam phát triển tốt.
Loại thứ 2, ông Biên chế ra loại nước để treo lên các gốc cây cam xua đuổi ruồi vàng. "Ruồi vàng là kẻ thù của cam. Nó thường đến chích vào các loại hoa quả có mùi thơm. Cam có mùi thơm nên ruồi sẽ đến chích. Cứ quả nào bị chích thì sẽ hỏng và rụng. Tôi tìm hiểu và biết được ruồi vàng nghe mùi thơm nên đến, chỗ nào có mùi hôi sẽ không đến. Chính vì thế tôi tạo ra mùi hôi treo lên cây để xua đuổi ruồi vàng", ông Biên cho biết.
Để tạo ra loại nước này, ông Biên dùng cá đồng rồi ủ trong nhiều ngày để lên men. Sau đó trộn thêm nước lạnh để tạo ra mùi hôi và cho vào những chai nhựa nhỏ rồi treo cố định lên các cành cây cam.
Trong vườn của ông Biên, cây cam nào cũng được treo những chai nhựa chứa loại nước "đặc biệt" này. Cây nhỏ ông Biên treo 1 chai, cây nào lớn ông Biên treo đến 2, 3 chai để có hiệu quả.
Để có thêm hiệu quả, ông Biên còn mua chất thơm thu hút ruồi vàng rồi cho vào chai nhựa treo phía ngoài vườn cam. Mục đích để đuổi ruồi vàng trong vườn cam và thu hút ruồi ra phía ngoài. Từ đó, vườn cam được đảm bảo an toàn khỏi các loại sâu bọ, côn trùng...
Nhờ dùng chế phẩm sinh học tự chế, ông Biên không phải sử dụng thuốc trừ sâu nên đỡ chi phí. Ngoài ra, dùng chế phẩm sinh học tự chế, cam sẽ ngon hơn và không bị ảnh hưởng.
Vườn cam của ông Biên cũng sai trĩu quả.
Hiện vườn cam của ông Biên đã chín và đang vào mùa thu hoạch. Nhiều gốc cam có tuổi đời từ 8-10 năm cho nhiều quả. Có cây được hơn 1 tạ cam.
Để kịp thu hoạch bán cho khách dịp Tết, ông Biên phải thuê nhiều nhân công về cắt, chọn và phân loại cam.
Vườn cam của gia đình anh Nguyễn Cảnh Hiếu (trú xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) cũng tìm nhiều cách để xua đuổi ruồi vàng, sâu bướm thay cho việc phun thuốc trừ sâu như tìm cách dẫn dụ ruồi vàng đi nơi khác hay là mắc màn cho vườn cam. Nhờ áp dụng nhiều biện pháp, vườn cam được bảo vệ khỏi côn trùng, sâu bướm, ruồi vàng.
Bà Đinh Thị Linh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thành cho biết, người dân trên địa bàn áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn sâu bọ, ruồi vàng tấn công cho vườn cam như mắc màn lưới, chế ra các loại chế phẩm sinh học. Nhờ đó, vườn cam phát triển tốt và đảm bảo an toàn.
Toàn huyện Yên Thành hiện có hơn 335 ha cam, diện tích cho khai thác gần 290 ha. Diện tích cam chủ yếu được trồng tập trung tại xã Đồng Thành với gần 100 hộ trồng cam có tổng diện tích gần 120 ha. Trong đó có 60ha cam cho thu hoạch. Một số xã khác trồng cam với diện tích nhỏ lẻ hơn.
Ngọc Tú