Người nghiện coi anh là “Thần y”

TP - Từ một cơ sở cai nghiện ma túy chui đầu tiên, anh Ngọc đã nhân thành 20 cơ sở, từ Bắc vào Nam, cai cho hàng chục ngàn người, đạt tỉ lệ thành công gần 60%, được dân gian phong danh hiệu “Thần y”…
Bìa cuốn sách Tiêu Vĩnh Ngọc và hành trình đi tìm phương thuốc kỳ diệu cho đời

Sau phóng sự “Thần dược” giúp cai nghiện (CN) ma túy (MT), đăng trên Tiền Phong Chủ nhật, ngày 22/7/2007, báo Tiền Phong còn đăng tiếp bốn phóng sự khác, phản ánh về công hiệu bài thuốc CNMT của anh Tiêu Vĩnh Ngọc ở một cơ sở CN tại cộng đồng, thuộc thị xã (nay là thành phố) Cẩm Phả. Đồng hành cùng Tiền Phong, hàng chục tờ báo khác cũng đồng hành ghi nhận hiệu quả của bài thuốc này.

Từ một cơ sở CNMT chui đầu tiên ấy, anh Ngọc đã nhân thành 20 cơ sở, từ Bắc vào Nam, cai cho hàng chục ngàn người, đạt tỉ lệ thành công gần 60%, được dân gian phong danh hiệu “Thần y”…

Từ “thần dược” đến “Thần y”?

Nhà nghèo, đông con, năm 1980, gia đình anh Ngọc phải chuyển vào miền Nam sinh sống. Nơi đất khách quê người, cả nhà anh Ngọc phải lang thang, phiêu bạt, lúc ở Sài Gòn, khi vào Bình Phước, Vũng Tàu, rồi lại từ Sông Bé trở lại Sài Gòn… mưu sinh bằng đủ nghề cùng cực: Bốc vác, bán kem rong, gánh nước thuê, khuân vác, xẻ gỗ, khai thác đá… mà vẫn không đủ sống!

Rồi tai nạn bất ngờ giáng xuống gia đình anh: Chị gái của Ngọc đột tử, anh trai Ngọc chết vì bị đá đè. Bốn đứa em trai của Ngọc, nghiện MT, ba đứa nhiễm HIV, một đứa chết vì căn bệnh AIDS…

Bà mẹ là người Ngọc yêu quý, thân thương nhất, mới 56 tuổi, quá vất vả với đàn con chín người (bảy trai, hai gái) nên kiệt sức, mắc bệnh hiểm nghèo, và ra đi! Dạo ấy, bố của Ngọc 60 tuổi. Nghĩ về đàn con, đứa mất, đứa nghiện, đứa nhiễm HIV, ông đau đớn nói với Ngọc như một lời trăn trối: Nhà mình chỉ còn con chưa nghiện.

Con phải cố tránh xa cái hiểm họa MT và tìm mọi cách, cai cho các em và giúp những người như nó. Bố lo sợ, nhà mình rồi sẽ không còn người hương khói gia tiên... Lời của ông khiến Ngọc day dứt khôn nguôi.

Một phần công viên cơ sở CN Đồng Nai

Sau hàng tháng trời trằn trọc suy nghĩ, Ngọc quyết định tìm đến những Trung tâm CNMT của thành phố và các cơ sở CNMT tư nhân, xin địa chỉ những người được coi là đã CN thành công, để học hỏi kinh nghiệm. Lận đận cả năm trời, Ngọc chán nản quay về, thất vọng! Những người anh đến gặp, không ai muốn tiếp anh. Nhiều người cai xong, tái nghiện đã đi cai tiếp…

Thế rồi, một buổi trưa, đi xin việc cho các em, không được, trở về, anh rẽ vào một nhà hàng, gọi một suất ăn nhẹ. Cạnh bàn anh ngồi, có hai Việt kiều đang ăn. Anh thấy, một Việt kiều khoe với bạn về một loại thuốc đông y, đã hoàn thành viên, đựng trong một cái túi.

Lắng nghe họ trao đổi, Ngọc biết, loại thuốc này có tác dụng an thần rất mạnh. Đang đói MT, uống thuốc này, chỉ một lúc sau, cơn vật vã sẽ dịu dần rồi hết. Thuốc có tác dụng khoảng hai ngày, chỉ dùng đề phòng khi đói MT mà chưa có MT, chứ không cai được hẳn.

Thanh toán tiền ăn xong, mải vui chuyện, hai Việt kiều ra về, bỏ quên túi thuốc trên bàn. Ngọc lượm được, mang về, nhưng chưa dám cho các em uống thử. Mặc dù, trong túi có cả đơn thuốc, ghi một số thành phần thảo dược và cách sử dụng.

Đắn đo mãi, ngày thứ ba, Ngọc mới dám cho chú em nghiện nặng nhất uống thử.

Đúng như lời người Việt kiều nói, thuốc chỉ có tác dụng được hai ngày. Ngày thứ ba, không được nạp MT, chú em lại lên cơn vã thuốc. Ngọc day dứt nghĩ: Phải làm sao kéo dài tác dụng của thuốc ra nhiều ngày và dần dần làm mất hẳn cảm giác thèm MT thì mới đoạn tuyệt được MT.

Ngọc đọc lại đơn thuốc, rồi sưu tầm các loại thảo dược đã ghi trong đơn, đồng thời, kết hợp thêm với các loại thảo mộc có chất an thần, giảm đau… mang về, băm, sao, hạ thổ, sắc đặc, cô lại… Sau mỗi mẻ thuốc pha chế, Ngọc lại uống thử để điều chỉnh thành phần, hoặc thêm thứ này, bỏ thứ kia trong thuốc…

Cứ thế, lặp đi, lặp lại hàng trăm lần, suốt hai năm ròng rã, cho đến khi, thuốc uống vào, thấy ăn ngon, ngủ yên, tinh thần sảng khoái, Ngọc mới cho các em uống thử.

 “Kinh Phật dạy: Cứu một người phúc đẳng hà sa, gần 50 tuổi, không vợ, không con, hàng trăm lần lấy mình làm thí nghiệm, mò mẫm cả chục năm mới tìm ra thứ thuốc CN, cứu hàng chục nghìn người thoát khỏi cái chết trắng, đem lại hạnh phúc cho hàng vạn gia đình. Đáng lẽ phải được tôn vinh, thì ngược lại, bảy năm qua, viết gần trăm đơn thư, cả đơn thỉnh nguyện, gửi từ các địa phương lên trung ương, đến giờ vẫn chưa được cấp phép hành nghề… Kỳ lạ!”.

Nhà thơ Mai Phương

Các em Ngọc uống vào, chỉ hai ngày đầu còn thấy có lúc nôn nao. Ngày thứ ba cảm giác ấy mất hẳn. Hiện tượng lên cơn khi đói MT của các em cũng biến mất. Nhưng hai tuần sau, chú em nghiện nặng nhất, mạnh dạn nói với anh: Em cai rồi, nghĩ đến MT không bị thôi thúc, lệ thuộc nữa, nhưng nếu có MT “chơi”, vẫn thích! Ngọc lại băn khoăn nghĩ: Vậy là thuốc CN chưa đủ đặc hiệu 100%, vì sao? Phân vân mãi, Ngọc đi đến quyết định, với các em, khi nào thấy người nôn nao, cứ dùng thuốc đã có, uống tiếp.

Còn anh, “Không vào hang sao bắt được cọp”? Anh sẽ tự gây nghiện cho mình để xem cái sức quyến rũ ma quái của MT nó thế nào mà dai dẳng, dữ dằn đến thế, rồi từ đó mà điều chỉnh các thành phần của thuốc… Gây nghiện cho mình rồi, Ngọc dùng luôn thuốc do mình pha chế để tự cai.

Cai xong, tự tái nghiện, lại vừa cai, vừa điều chỉnh thuốc… Cứ thế gần tiếp theo hai năm, ngày quên ăn, đêm mất ngủ, Ngọc mới có thứ “Thần dược”, CN thành công cho cả ba đứa em có thâm niên nghiện MT hàng chục năm… Có “Thần dược” rồi, Ngọc đi liên hệ với các cơ sở CNMT trong thành phố, nhưng chẳng đâu cộng tác - vì thuốc CN của anh chưa được đâu kiểm chứng. Ngọc hoang mang nghĩ: Chẳng lẽ suốt bốn năm trời lao tâm, khổ tứ, chống chọi, vật vã với MT lại trở thành công cốc?...

Bỗng một đêm mất ngủ, Ngọc nhớ ra, qua các nguồn thông tin, anh biết: Vùng Cẩm Phả quê anh hiện giờ, tỷ lệ người nghiện MT rất cao. Ngoài ấy có nhiều rừng, thảo mộc CNMT rất sẵn. Mình đem thuốc ra đấy CN thử cho người thân xem sao. Đã 26 năm, chưa trở lại quê xưa thôi thúc anh ra Bắc.

Xin và sắp xếp công việc cho các em xong, Ngọc khăn gói quả mướp cùng cẩm nang “Thần dược” lên đường.

Ra Cẩm Phả, nhờ vợ chồng cô giáo Trương Thị Hiển - người có đứa cháu nghiện MT nặng, được Ngọc CN thử thành công - Nhiệt tình giúp đỡ, Ngọc đã vượt qua bao nhiêu rào cản, cùng cực, gian truân, khi bị chính quyền địa phương cấm CN, đe trục xuất, truy tố… Có lúc phải đóng cửa, lén lút cai chui…

Nhưng cuối cùng, do kết quả CN thành công hiển nhiên cho hàng trăm người, nên anh lại được chính quyền địa phương, chẳng những không cấm nữa mà còn khuyến khích, ủng hộ để cơ sở CNMT tại cộng đồng của Ngọc mở rộng, phát triển. Còn nhiều người CN thành công đã tôn anh như “Thần y”.

Bền bỉ và kiên cường

Nhìn khổ người nhỏ thó, nước da săn sắt nâu, dáng đi lúc nào cũng lật đật của Tiêu Vĩnh Ngọc, ít ai tin, anh lại có công năng lao động đến kỳ diệu. Ngày mới mở cơ sở CN, chưa tìm được người giúp việc, từ đi chợ, nấu ăn, xoa bóp, tắm cho người CN, dẫn họ đi dạo, anh kiêm tất. Có hôm, anh chỉ ngủ đúng ba tiếng đồng hồ.

Từ khi cơ sở CN tại Cẩm Phả có người CN thành công, tự nguyện xin ở lại giúp việc, Ngọc giao quyền quản lý cho người ấy điều hành. Còn mình, anh mê mải lao vào cuộc hành trình vạn dặm, đến tận những vùng sâu, vùng xa, từ Hòa Bình vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quy Nhơn… để liên hệ với chính quyền địa phương, mở thêm cơ sở CNMT mới.

Để dịch chuyển với tần suất cao như vậy, Ngọc có hai “tay lái lụa” đều là những thanh niên đã CN thành công, tự nguyện ở lại, giúp anh trong các cuộc hành trình.

Một lần, tôi cùng Ngọc đi từ Cẩm Phả, qua Khoái Châu (Hưng Yên) lên Hòa Bình rồi quay lại, vào tận Quy Nhơn, đi về 5 ngày, hơn ba ngàn cây số, thăm bảy cơ sở CN. Đợt dã ngoại này nằm giữa hai trận Đại lũ lụt lịch sử của miền Trung. Ngọc chọn hướng hành trình từ Hòa Bình vào Thanh Hóa rồi cứ đường Hồ Chí Minh mà bon…

Đêm ấy, cả đoàn vào đến Quy Nhơn đã 2 giờ sáng. Trong lúc tôi và hai lái xe chờ nhà bếp nấu cho mỗi người một tô mỳ tôm thì Ngọc đội mưa, chạy thẳng xuống nơi có mấy người mới đến CN từ sáng, đang nằm trằn trọc, không ngủ được. Anh sà ngay vào chỗ họ, hỏi han người này, đấm bóp cho người kia, bằng cử chỉ thân ái…

Rồi bao việc không tên khác từ hong khô củi, nấu cơm cho người CN, tự tay pha chế, đong đo, đóng gói thuốc đến kiểm tra sổ sách, đọc đơn thư, thăm khám người nghiện… anh cứ thế miệt mài và bền bỉ. 5 ngày đi cùng anh, mỗi ngày anh ngủ chừng 4 tiếng.

Số tiền thu được từ người đến CN, Ngọc dành hầu hết để trả lương cho hơn một trăm người giúp việc, tại các điểm CN - từ 3 đến 8 triệu đồng/người mỗi tháng, không kể tiền ăn. 90% lương của họ, Ngọc bắt phải gửi vào tài khoản chuyển về gia đình, chứ không phát trực tiếp cho họ. Phần quỹ còn lại, Ngọc dùng để xây dựng cơ sở CN mới và làm tự thiện. Nhiều việc làm từ thiện của Ngọc mang ý nghĩa sâu sắc: Góp đá xây dựng đảo Trường Sa, Gây quỹ khuyến học, giúp hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo vượt khó và Hội bảo trợ trẻ mồ côi và người tàn tật…

Bốn năm qua, Ngọc đã chi hơn mười tỷ đồng từ thiện.

Tôi hỏi Ngọc: “Sao không dành ra một khoản, gửi tiết kiệm, để còn lấy vợ, nuôi con?”. Ngọc cười vô tư: “Một thầy tử vi lấy cho cháu lá số, bảo: Số cháu không có con. Vì thế, gần 50 tuổi rồi, cháu có lấy vợ đâu?”. Không vợ, không con thì tích của để làm gì. Cháu chỉ làm theo lời trăn trối của mẹ và bố cháu: Cứu người là chính. MT suýt nữa đã tàn hại cả gia đình nhà cháu thì cháu phải trừ diệt nó đến cùng…