Người Mỹ và sự thức tỉnh lương tri

TP - Tại cuộc “Triển lãm Làn sóng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam” diễn ra tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TPHCM vừa qua, những hình ảnh cựu chiến binh Mỹ phản đối cuộc chiến tranh phi nhân tính của chính quyền Mỹ hiện lên rõ nét. Họ mong người dân Việt Nam hiểu hơn về một khía cạnh của lịch sử, để khép lại quá khứ đau thương, nhìn về tương lai tốt đẹp.

Những hạt mầm bất đồng

Theo Tiến sỹ Derek Seidman, nhà sử học và nhà nghiên cứu lịch sử (New York, Hoa kỳ) thì những hành động đầu tiên của GI (binh lính Mỹ) phản đối chiến tranh nổ ra vào năm 1965. Hành động này mang tính cá nhân nhưng đã mở đường cho làn sóng phản đối chiến tranh quy mô hơn sau này.

Tháng 11/1965, Trung úy Henry Howe bị bắt sau khi tham gia một cuộc biểu tình phản chiến gần Pháo đài Bliss nằm tại El Paso, bang Texas. Bị kết án và bỏ tù vì “hành xử không phải lối với tư cách một sĩ quan” và có “những lời khinh thường Tổng thống”, Howe trở thành GI gây tiếng vang của phong trào phản chiến.

Tháng 7/1967, William Harvey và George Daniels, hai lính thủy quân lục chiến da đen từ Brooklyn cũng tổ chức một buổi họp lấy ý kiến với đồng đội và tại đây họ tuyên bố rằng người da đen không lý gì tham gia “một cuộc chiến tranh của người da trắng” ở Việt Nam. Những người lính này bị tòa án quân sự xử án tù dài hạn vì “đề cao lòng bất trung.

Nhắc đến những sự kiện này, ông Paul Cox, một cựu binh Mỹ tại Việt Nam năm 1969-1970 chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi đến với cuộc chiến tranh Việt Nam tưởng là để bảo vệ cho lý tưởng tự do của nước Mỹ. Nhưng ngay sau khi đến Việt Nam, qua lời kể và thú nhận của những đồng đội đã tham chiến trước đó, tôi mới vỡ lẽ ra là mình tham chiến cho một cuộc chiến vô nghĩa.

Từ đó, tôi âm thầm có những hành động phản chiến và sau khi rời khỏi Việt Nam, tôi tích cực tham gia phong trào này. Năm 1968, số lượng GI phản đối ngày một tăng, họ chính là người vận động cho hòa bình, của phong trào phản chiến. Cuối năm 1967, GI và dân thường Mỹ đã xây dựng một mối quan hệ với nhau chặt chẽ hơn thông qua hành động chung gần các căn cứ quân sự trên cả nước”.

Các cựu binh Mỹ trong phong trào phản chiến có mặt tại cuộc triển lãm.

Trỗi dậy

Tại cuộc Triển lãm, các hiện vật gồm các tài liệu, các bài báo và hình ảnh về làn sóng phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam được trưng bày. Các GI phản chiến cách đây 50 năm cũng có mặt như một nhân chứng. Họ đã trả lời phỏng vấn, giải đáp thắc mắc của những thanh niên trẻ ở Việt Nam về cuộc chiến và phong trào phản chiến này.

Phong trào phản chiến thu hút hàng vạn thanh niên Mỹ xuống đường biểu tình, đòi hoà bình, chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Họ đòi chính phủ Mỹ phải rút quân ngay lập tức. Hàng ngàn người, kể cả những binh sĩ đóng tại Việt Nam, đã thể hiện sự ủng hộ của họ đối với các cuộc biểu tình đòi ngưng chiến vào năm 1969. Nhiều lính Mỹ đã ủng hộ, gửi kèm theo lá thư của mình là một bản kiến nghị có các chữ ký đòi ngưng chiến ở Việt Nam.

“Chúng tôi phản chiến là để bảo vệ những giá trị nhân văn cho thanh niên Mỹ. Những giá trị này đã bị “đánh cắp” khi chính phủ Mỹ đẩy hàng vạn thanh niên Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam. Một cuộc chiến phi nghĩa”. 

Ông David Cortright, một GI phản chiến đầu thập niên 70

Tiến sỹ Derek Seidman nhấn mạnh, hai sự kiện có tính đột phá vào năm 1968 có vai trò cốt yếu đối với sự nổi lên của phong trào phản chiến của GI. Chuỗi sự kiện đầu tiên là việc thành lập các quán cà phê GI phản chiến. Các nhà hoạt động dân sự đã thành lập các quán cà phê gần các căn cứ quân sự để thu hút, giúp các GI giác ngộ chính trị, giúp họ có không gian tụ họp độc lập mang tính phản kháng.

Quán cà phê đầu tiên có tên gọi là UFO, khai trương vào đầu năm 1968 tại Columbia, Nam Carolina, gần Fort Jackson, cơ sở huấn luyện cơ bản lớn nhất của Quân đội Mỹ. Một sự kiện khác là sự ra đời báo chí “trái lề” của binh sĩ Mỹ. Đây là những tờ báo phản chiến nhằm vào đối tượng là những người lính và được lưu hành rộng khắp trong quân đội Mỹ vào thời gian chiến tranh Việt Nam.

Tờ báo GI đầu tiên có tên là Vietnam GI, xuất hiện vào cuối năm 1967, và hàng chục tờ báo khác ra đời ngay sau đó. Các trang của những tờ báo này đăng tải tin tức về cuộc chiến tranh. Những báo cáo và bài viết dũng cảm về sự phản đối của GI, những biếm họa đả kích kịch liệt bộ máy chỉ huy quân đội, thông tin về trợ giúp pháp lý và thư từ của binh lính.

Thông qua báo chí GI, binh lính đóng quân ở khắp nơi, từ châu Âu đến Nhật Bản và từ Hoa Kỳ đến Việt Nam đã có thể kết nối với nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng phong trào phản đối của binh sĩ đối với cuộc chiến tranh.

Một loạt tổ chức mới của binh lính cũng mọc lên khắp nơi. Nhiều binh sĩ bất đồng chính kiến tham gia vào các nhóm mới thành lập như: GIs for Peace (Binh sĩ vì Hòa bình) ở căn cứ Fort Bliss; GIs United Against the War in Vietnam (Binh sỹ đoàn kết chống chiến tranh ở Việt Nam) tại trại huấn luyện Fort Jackson và căn cứ quân sự Fort Bragg...

Các tổ chức này tham gia vào một loạt các hoạt động, từ việc kiến nghị và phản đối ngay tại các căn cứ đến việc vận động mọi người xuống đường tham gia các cuộc biểu tình trong khu vực.

Cựu binh David Cortright thuyết minh về phong trào phản chiến phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam.

Phản chiến của GI tại Việt Nam

Cũng theo các cựu binh Mỹ, đầu những năm 1970, lực lượng quân sự Mỹ tại Việt Nam cũng rối bời bởi sự phản kháng và nổi dậy lan xuống các đơn vị cấp dưới. Nhiều lính chiến đấu cảm thấy rằng cuộc chiến tranh không được lòng dân này “không đáng để hy sinh cho nó”.

Binh sĩ đã phát triển “chiến thuật mơ hồ để sinh tồn” nhằm đối phó với những mối hiểm nguy trực tiếp mà họ phải đối mặt ở Việt Nam. Hình thức trực diện nhất của chiến thuật sinh tồn là từ chối thẳng thừng lệnh chiến đấu.

Phổ biến hơn là những mưu kế tránh phải chiến đấu mà không trực diện vấp phải nguy cơ bị trừng phạt. Các binh sĩ đã sử dụng chiến thuật “tìm kiếm và lảng tránh”, họ giả vờ tuân lệnh chiến đấu, trong khi bí mật tránh giao tranh quân sự.

Binh sĩ cũng phá hoại các thiết bị quân sự, những vụ như các thiết bị trên tàu bị kẹt và các vụ cháy bùng phát một cách khó hiểu trên boong tàu đã ngăn cản các con tàu khởi hành tới Việt Nam.

Binh lính Mỹ ở Việt Nam cũng tiến hành một cuộc nổi dậy về văn hoá dựa trên các biểu tượng và ngôn ngữ của phong trào phản kháng văn hóa truyền thống ở Mỹ. Họ để tóc dài và khoác lên người những đồ trang trí mang tính phản kháng. Họ khắc những biểu tượng hòa bình và họa tiết của nghệ thuật ảo giác lên những bật lửa Zippo.

Chiến tranh Việt Nam đã trở thành tấm gương về phản chiến cho các thế hệ sau này. Thái độ của phong trào phản chiến đối với binh lính thời chiến tranh Việt Nam là họ thấu hiểu, mang tính đoàn kết, nặng tình người và nhân văn.