Người mắc bệnh gút có nên ăn lòng lợn, hải sản?

Người mắc bệnh gút không nên ăn các thực phẩm như phủ tạng động vật, các loại thịt có màu đỏ, các loại hải sản...mà tăng cường ăn các loại hoa quả, rau xanh.
Người mắc bệnh gút nên tránh xa các loại nội tạng động vật.

Theo các chuyên gia, gút là một dạng của bệnh viêm khớp, xảy ra khi lượng acid uric tăng cao trong máu dẫn  đến việc hình thành và tích lũy các tinh thể  rắn hình kim, rất sắc nhọn, đồng thời lúc này tại các khớp có kết tủa sẽ xảy ra cơn đau dữ dội, kèm theo sưng, nóng, đỏ xung quanh các khớp xương của cơ thể, đặc biệt là các ngón chân.

Những người mắc bệnh gút nếu không điều trị hoặc để tái phát nhiều lần sẽ gây hủy khớp dẫn đến tàn phế, lúc đó cần đến các phẫu thuật tái tạo lại khớp. Khoảng 20 % bệnh nhân gút bị sỏi thận do chính tinh thể urat lắng đọng gây ra sỏi làm tắc nghẽn đường tiết niệu có thể gây suy chức năng thận, nhiễm trùng đường tiết niệu… có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Vì  vậy, trong vấn đề điều trị gút, ngoài việc uống thuốc theo đơn thuốc cả bác sĩ, người bệnh cũng phải tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm ngặt nhằm hạn chế lượng acid uric trong máu và góp phần ngăn ngừa những đợt gút cấp tính hoặc làm  giảm nhẹ bệnh gút.

Đối với những người bị bệnh gút nặng, lượng axit uric trong máu tăng quá cao thì nên ăn nhiều rau xanh như: củ cải vì đây là loại rau kiềm tính, giàu sinh tố, nhiều nước và hầu như không có nhân purin. Tính mát, vị ngọt, có công dụng lợi quan tiết, hành phong khí, trừ tà nhiệt, trừ phong thấp, rất thích hợp với người bị phong thấp nói chung và thống phong nói riêng.

Nên ăn rau cần vì rau cần là loại rau có tính mát, vị ngọt, có công dụng thanh, loại rau này đặc biệt tốt cho những người bị gút ở giai đoạn cấp tính. Rau cần giàu các sinh tố, khoáng chất và hầu như không chứa nhân purin. Có thể ép lấy nước uống hoặc nấu canh ăn hằng ngày rất tốt cho người bệnh gút.

Một số loại rau rất tốt người bệnh gút nên ăn : cải bắp, cà pháo, cà tím , cải xanh, súp lơ, khoai tây, bí đỏ…đây đều là những loại rau có tác dụng thanh nhiệt tiêu đàm, lợi tiểu tiện, giải độc, giảm béo. Là loại thực phẩm có chứa nhiều nước và chứa rất ít nhân purin, có khả năng thanh thải axit uric qua đường tiết niệu khá tốt.

Ngoài việc ăn nhiều rau xanh  thì người mắc bệnh gút nên thường xuyên ăn một số loại trái cây như: dưa hấu, lê hay táo…. vì nó có có công dụng thanh nhiệt, trừ phiền chỉ khát và lợi tiểu tiện. Có chứa nhiều muối kali, nước và hầu như không có nhân purin.

Một điều quan trọng nhất là nên uống nhiều nước (tối thiểu 2,5 đến 3 lít nước mỗi ngày). Tuy nhiên, không uống nước buổi tối để tránh đi tiểu đêm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nên uống 500 – 700 ml sữa mỗi ngày. Theo một số nghiên cứu đã chứng minh rằng uống sữa tách kem hoặc sữa ít chất béo và ăn các sữa chua sẽ giúp giảm nguy cơ bệnh gút.

Như vậy, chế độ ăn uống không thể thay thế được các thuốc điều trị bệnh gút, nhưng có một vai trò quan trọng trong điều trị, góp phần làm bệnh gút và các bệnh kèm theo dễ kiểm soát hơn, giảm bớt liều thuốc phải dùng, giảm bớt số thuốc phải dùng.

Chế độ ăn uống càng quan trọng hơn khi người bệnh bị dị ứng với các thuốc làm giảm acid uric máu, hoặc vì một lý do nào đó không sử dụng được các thuốc này. Chế độ ăn uống còn là biện pháp chính, không thể thiếu được trong việc phòng ngừa bệnh gút cho các đối tượng có tăng acid uric máu đơn thuần.

Theo Theo Gia đình Việt nam