Người Hà Nội xếp hàng dùng thử mặt nạ phòng độc

TPO - Chiều 7/4, UBND quận Thanh Xuân tổ chức tập huấn sử dụng một số loại mặt nạ phòng độc và kỹ năng thoát nạn khi có tình huống cháy nổ xảy ra trên địa bàn. Cuộc tập huấn thu hút hàng trăm người dân tham gia.

Ông Khổng Minh Thảo – Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, trên địa bàn quận có gần 600 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, trong đó có 67 nhà chung cư thương mại, 22 chung cư tái định cư và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ khác. Cùng với đặc thù và sự phát triển nhanh thì nguy cơ cháy nổ, tai nạn, sự cố mất an toàn luôn tiềm ẩn, khó lường, đe dọa an toàn tính mạng, tài sàn nhân dân do đó yêu cầu công tác PCCC và cứu hội cứu nạn ngày càng trở nên cấp thiết. Trong ảnh: Lực lượng quân đội hướng dẫn người dân cách sử dụng mặt nạ.

Tại buổi tập huấn, những người dân sinh sống tại chung cư Hapulico Complex được trực tiếp cán bộ chiến sỹ Ban chỉ huy quân sự quận Thanh Xuân hướng dẫn sử dụng mặt nạ phòng chống khói, khí độc.

Người dân được trực tiếp thực hành các phương án chữa cháy, đeo mặt nạ đi vào trong khu vực có cháy và khí độc và được hướng dẫn thoát nạn tại các nhà cao tầng khi có sự cố cháy nổ xảy ra..

Bác Trần Văn Thiện cư dân chung cư Hapulico đăng ký mua mặt nạ phòng độc.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thắng-Phó Phòng Cảnh sát PCCC số 8 cho biết, hiện trên địa bàn quận Thanh Xuân và Hoàng Mai do phòng quản lý có 259 chung cư, nhà cao tầng, trong đó có 50 khu chung cư tái định cư và chung cư cũ không đảm bảo PCCC. Đối với chung cư cũ này thành phố đang có kế hoạch hỗ trợ để cải tạo hệ thống PCCC. Ngoài ra để đảm bảo công tác PCCC, phòng cũng tổ chức khoảng 1.000 lớp tập huấn PCCC mỗi năm, nhờ vậy trên 2 quận phòng quản lý mỗi năm chỉ xảy ra 1 đến 2 vụ cháy lớn trong một năm, còn lại chủ yếu là các vụ cháy nhỏ..

Gia đình anh Nguyễn Trí Bảo lựa chọn mặt nạ bằng giấy bạc với niên hạn sử dụng 3 năm.

Năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 820 vụ cháy, làm 21 người chết, trong đó gần một nửa số vụ cháy, nổ xảy ra tại các gia đình, phần lớn nguyên nhân gây chết người là do hít phải khí độc. Việc tập huấn sẽ giúp người dân biết cách tự cứu mình, giúp đỡ người thân, cộng đồng, tận dụng những giây phút đầu tiên xảy ra cháy, nổ để nhanh chóng thoát nạn..

Theo các cán bộ hướng dẫn khi đeo mặt nạ, người dân có thể ở trong khói 1 - 2 tiếng mà không bị gạt khói.

Mặt nạ được làm chủ yếu bằng cao su, có kính mắt, người dùng chỉ cần đeo vào và kéo chặt 2 dây ra phía sau để tạo sự chắc chắn, đặc biệt mặt nạ có bộ phận lọc không khí giúp người bị nạn thở được lâu hơn trong đám khói.