Người giàu nhất châu Á coi trọng 'thái độ làm việc hơn năng lực'

Jack Ma, doanh nhân giàu nhất châu Á hiện nay, cho rằng thái độ với công việc mới là yếu tố quyết định vị trí của con người trong xã hội.
Jack Ma cho rằng chủ doanh nghiệp không cần những người xuất chúng nhất, mà chỉ cần những người phù hợp với văn hóa công ty và đáng tin cậy. Ảnh: China Daily.

Để minh họa nguyên tắc "năng lực không quan trọng bằng thái độ", ông chủ tập đoàn thương mại điện tử Alibaba kể một sai lầm lớn trong sự nghiệp kinh doanh. 

"Vào năm 2001, tôi mắc một sai lầm. Tôi nói với 18 cộng sự trong công ty rằng họ không đủ năng lực để đảm đương những vị trí quản lý cấp cao", ông nói.

Với suy nghĩ như thế, Jack Ma thuê người ngoài công ty vào những vị trí như phó chủ tịch tập đoàn, giám đốc các bộ phận. Sau vài năm, tất cả những người đó đều ra đi vì không thể đảm đương công việc hoặc không cùng chí hướng với Jack Ma. Trong khi đó,những cộng sự mà ông nghi ngờ năng lực quản lý dần trở thành các phó chủ tịch và giám đốc.

"Tôi tin vào hai nguyên tắc. Thứ nhất, thái độ của bạn quan trọng hơn năng lực. Thứ hai, quyết định của bạn quan trọng hơn năng lực", ông thổ lộ.

Ngoài nguyên tắc "thái độ quan trọng hơn năng lực", Jack Ma còn tỏ ra tâm đắc với vài nguyên tắc khác trong nghệ thuật dùng người.

Chủ doanh nghiệp không cần giỏi chuyên môn hơn nhân viên

"Nếu chủ doanh nghiệp có trình độ kỹ thuật cao hơn nhân viên, nguy cơ họ tuyển người không phù hợp sẽ rất cao", Jack Ma nói.

Quan điểm của ông chủ tập đoàn thương mại điện tử Alibaba là những người làm trực tiếp nên là những chuyên gia kỹ thuật. 

"Bạn hãy thuê những người giỏi kỹ thuật, trao quyền cho họ và để họ thực hiện công việc của họ. Trình độ kỹ thuật của họ nên cao hơn so với chủ doanh nghiệp", ông bình luận.

Theo Jack Ma, tầm nhìn xa, sự quyết tâm và kiên trì của chủ doanh nghiệp là những phẩm chất khiến họ có thể chỉ đạo những người giỏi chuyên môn hơn họ. 

"So với người làm thuê, chủ doanh nghiệp phải có khả năng chịu đựng khó khăn và chấp nhận thất bại cao hơn", ông nói.

Đôi khi doanh nhân không cần người giỏi nhất

Doanh nhân giàu nhất châu Á nhận định nhiều người có trình độ chuyên môn cao có thể không phải là đối tượng phù hợp để ông chọn cho vị trí quản lý, bởi họ không phù hợp với văn hóa công ty hoặc không thể phối hợp tốt với những người khác. Ngoài ra họ cũng có thể là những người mà ông không thể tin tưởng tuyệt đối.

"Hồ sơ sáng giá nhất không đồng nghĩa với việc một cá nhân nào đó có thể phát triển và đồng hành cùng doanh nghiệp của bạn. Vì thế chúng ta nên tìm những người phù hợp, chứ không phải người giỏi nhất. Năng lực của họ phát triển theo thời gian, cũng giống như năng lực của bạn", ông lập luận.

Hỏi ý kiến người giỏi để ra quyết định sáng suốt

Nhà lãnh đạo thành công không nhất thiết phải là người thông minh nhất hay có trình độ chuyên môn cao nhất, Jack Ma nhận định. Tuy nhiên, họ biết cách tập hợp những chuyên gia giỏi nhất để tham khảo ý kiến và ra quyết định sáng suốt. 

"Quyết định sáng suốt, chứ không phải năng lực, của chủ doanh nghiệp mới là thứ nâng tầm bản thân bạn và nỗ lực của bạn", ông nói.

Thống nhất ý chí của nhóm bằng sứ mệnh chung

Giống như những doanh nhân lớn khác, Jack Ma thừa nhận không nhà lãnh đạo nào có thể giành được lòng tin của tất cả mọi người. Ông ước tính ít nhất 30% số người trong một tập thể sẽ bất đồng ý kiến với nhà lãnh đạo.

"Thay vì thống nhất ý chí mọi người trong doanh nghiệp bằng ảnh hưởng cá nhân, bạn hãy thực hiện mục tiêu ấy bằng một ý tưởng, sứ mệnh hay nhiệm vụ. Với những thứ đó, bạn có thể phát huy sức mạnh của cả tập thể", Jack Ma khuyên.

Theo Theo Zing