Người giàu cũng khóc và lời xin lỗi nặng tựa nghìn đô

TPO - Liên quan thông tư 16, Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định “Bộ Xây dựng ban hành thông tư đúng thẩm quyền, nên không có chuyện phải xin lỗi dân”.  
Người mua nhà dự án Keangnam khốn khổ vì Thông tư 16 của Bộ Xây dựng. Ảnh: Minh Tuấn

Đây không phải lần đầu tiên người dân đòi hỏi những công bộc của mình một lời xin lỗi.

Ý kiến đóng góp của bạn đọc về vấn đề này xin gửi về email: online@tienphong.vn

Khoan bàn tới chuyện đúng sai của thông tư 16/2010 của Bộ Xây dựng, tạm chưa bàn đến việc việc ra thông tư có vi phạm Nghị định, luật hay không, nhưng thiệt hại mà người dân hứng chịu là có thật.

Những “đại gia” tại Keangnam đã mất tới hàng chục m2 (tương đương chục ngàn USD) cho mỗi căn hộ của mình.

Cách đó không xa, những cư dân Đại Thanh – mua căn hộ giá rẻ - cũng chung số phận khi bị "ăn gian" diện tích. Đúng chuyện người giàu cũng khóc. Mà người nghèo cũng sầu.

Giải thích việc ban hành thông tư 03/2014 của Bộ Xây dựng là để sửa sai thông tư 16 trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định, việc sửa đổi một điều trong thông tư 16 cũ không phải vì sai, mà vì quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Đúng là điều gì không phù hợp với thực tiễn thì phải sửa. Chính sách cũng có độ trễ, nhưng độ trễ của chính sách rất dễ dẫn tới thiệt hại và mệt mỏi về phía người dân.

Văn phòng Chính phủ, cũng như nhiều cơ quan công quyền, treo lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Bác Hồ đã nói câu nói trên vào tháng 10/1945, chỉ hơn một tháng sau khi Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Khi đó, Bác viết bức thư “Gửi các ủy ban nhân dân các bộ, tỉnh, huyện và làng”.

Trong đó còn có đoạn: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Thiết nghĩ, chính sách mà không làm cho dân yêu, không làm cho dân kính thì khó để dân tâm phục khẩu phục.

Thuận Phong
Hà Nội