> Người Quảng Bình thắp hương bái vọng Đại tướng
> Người dân Quảng Bình tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong niềm tiếc thương vô hạn của người dân Việt Nam đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi tìm về làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ). Chị Nguyễn Thị Hoa, một người dân địa phương cho hay, hai hôm nay người dân đổ về quê Bác có vẻ đông hơn những ngày thường. Tìm hiểu mới biết, người dân quê Bác nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất. Một số người bày tỏ lòng kính trọng và tiếc thương bằng cách hành hương vào khu lưu niệm Bác Hồ để xem hình ảnh của Bác Hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chị Hạnh, một người con làng Hoàng Trù thường xuyên bán hàng lưu niệm trước khu di tích quê ngoại Bác Hồ xúc động: “Nhiều người dân Kim Liên chúng tôi khóc chẳng khác nào ngày Bác Hồ mất".
Ông Thái Thanh Quý, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn cho biết, buổi chào cờ đầu tuần hôm nay(7/10), tất cả các cơ quan, đoàn thể và trường học trên quê hương Bác Hồ sẽ tổ chức mặc niệm để tỏ lòng kính trọng và tiếc thương vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người được xem là
Bác Hồ thứ hai của người dân Nam Đàn.
Theo chân đoàn khách hành hương về khu lưu niệm Bác Hồ, ông Đào Tuấn Lô (75 tuổi), một người dân đến từ TP Vinh tâm sự: Nghe tin bác Giáp mất, tôi cũng như triệu triệu con tim Việt Nam đều hết sức xúc động! Thế hệ chúng tôi lớn lên trong chiến tranh nên ai cũng biết về vị tướng tài giỏi của dân tộc đó là bác Võ Nguyên Giáp. Ở độ tuổi như chúng tôi, ai cũng kính phục và cảm mến bác Giáp. Bác Giáp ra đi không xúc động sao được…!.
Trên nét mặt suy tư, cụ Trần Văn Tín (SN 1922) xúc động nhưng cũng không khỏi tự hào khi kể về kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. "Nghe tin bác Giáp mất, tôi không thể nén được xúc động, vì tôi luôn xem bác Giáp là Bác Hồ thứ hai. Nay bác Giáp mất, vì tuổi cao sức yếu nếu không tôi cũng ra Hà Nội thắp cho bác ấy nén hương.
Được biết, cụ Tín có hai lần được gặp Bác Hồ và một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong khoảng thời gian từ năm 1957 đến 1961, cụ Tín từng làm Chủ tịch, rồi Bí thư Đảng ủy xã Nam Chung (tức Kim Liên ngày nay).
Cụ Tín tự hào: Cả hai lần Bác Hồ về thăm quê tôi đều được gặp. Còn kỷ niệm gặp lần đầu tiên và là lần duy nhất được gặp bác Võ Nguyên Giáp là năm 1990. Ngày đó cả xã Kim Liên có hai người được mời đi dự hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nhà hát Lớn Hà Nội thì một trong hai người đó có tôi. Biết tôi là người dân Kim Liên, Đại tướng vui mừng và tự hào quê hương Bác Hồ vô kể.
Sau đó, bác Giáp có hỏi tôi tình hình xã Kim Liên hiện nay thế nào? Bà con có ấm no không? Có thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước không?” … Những câu thăm hỏi của Đại tướng về quê hương Bác Hồ hồi đó tui còn nhớ như in” - cụ Tín nói.
Tại các trường học trên quê hương Bác Hồ, thông tin bác Võ Nguyên Giáp mất cũng sớm được các thầy, cô giáo lan truyền rất nhanh. Mấy hôm nay trong các giờ học, dù là văn hay toán, sử hay địa…thế nào học sinh cũng được nghe thầy, cô giáo dành chút thời gian tự hào nói về vị Đại tướng của dân tộc mình.