Người dân nơi máy bay rơi thắp nhang tri ân

Trong lễ tiễn đưa 18 chiến sĩ hy sinh vụ máy bay rơi, có hàng trăm người dân huyện Thạch Thất (Hà Nội), nơi xảy ra vụ tai nạn. Họ lặn lội về nội thành để chờ được thắp một nén nhang tri ân...
Hàng ngàn người dân đến viếng 18 chiến sỹ sáng 11/7, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng

Trong lễ viếng, truy điệu sáng 11/7, có hàng nghìn người ở khắp nơi đổ về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng để tiễn đưa các anh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Điều đặc biệt và xúc động, là có hàng trăm người dân ở nơi xảy ra tai nạn máy bay (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã vượt đường xa về nội thành tiễn đưa, đồng thời cảm tạ các chiến sỹ đã kịp thời đưa máy bay ra khỏi khu vực dân cư, cứu sống được hàng trăm người.

Cảm phục trước hành động của cán bộ, chiến sỹ trên chiếc trực thăng gặp nạn hôm đó, sáng 11/7, bà Nguyễn Thị Thu (xã Bình Yên) được con trai lặn lội chở đến số 5 Trần Thái Tông từ 5 giờ sáng.

Bà chia sẻ: “Hôm xảy ra vụ tai nạn (7/7) tôi có mấy mớ rau muống đem ra chợ Hòa Lạc để bán. Đến chợ được 30 phút, tôi nghe thấy tiếng động lớn trên đầu, khi nhìn lên trời thì thấy chiếc máy bay đang lừ lừ lao tới rồi va vào nóc một ngôi nhà 3 tầng. Khoảng cách từ ngôi nhà 3 tầng đến khu vực chợ gần 50m, thời điểm đó có rất đông người dân đang buôn bán tại chợ.

Thấy vậy nhiều người hoảng hốt chạy toán loạn, tôi thì tuổi đã già, chân đã yếu không thể chạy được... Sau đó, tôi thấy máy bay cố ngóc đầu lên rồi đâm sầm xuống khu vườn cách đó không xa. Chính sự dũng cảm của phi công đã khiến người dân chúng tôi thoát được kiếp nạn".

Người dân đến nhà tang lễ để chờ vào viếng 18 chiến sỹ đã hy sinh anh dũng

Khi biết tin lễ viếng, truy điệu 18 cán bộ, chiến sĩ trên các thông tin đại chúng và người dân có thể vào viếng nên bà Thu đã đi từ rất sớm để tới đây.

“Khi tôi đi lên đến nơi trời vẫn còn chưa sáng hẳn, ngồi đợi mãi ở khu công viên mới đến giờ. Nhiều người hy sinh khi còn quá trẻ, nhìn vào những bức ảnh tôi không thể cầm được nước mắt. Khi tai nạn xảy ra thì các anh đều đã bị ngọn lửa thiêu đốt, không còn nhận ai ra ai”, bà Thu xúc động nói.

Cùng suy nghĩ với bà Thu, ông Tuấn - một cựu chiến binh, đã cùng một số đồng đội của mình đi xe máy từ Hòa Lạc về số 5 Trần Thánh Tông để thắp cho các chiến sĩ một nén hương, cùng với lòng thương tiếc vô hạn.

Đứng giữa trời mưa trong khuôn viên Nhà tang lễ Bộ quốc phòng, đôi mắt ông Tuấn đỏ hoe, luôn hướng về các linh cữu đang được đưa lên xe về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ông buồn bã chia sẻ: “Họ là những con người luôn cứu giúp người khác, nhưng tai nạn lại đến với họ thật là đau xót. Tôi đến đây để tiễn đưa các anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Đồng thời, cho tôi gửi lời cảm ơn các anh đã hi sinh bản thân mình để cứu những người dân vô tội quê hương tôi. Các anh là anh hùng trong lòng mỗi người dân như tôi”.

Người dân tiếc thương các chiến sỹ đã hy sinh

Trả lời phỏng vấn báo giới, Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách, Phó Chính ủy Quân chủng PK – KQ cho biết: "Làm phi công, chúng tôi biết đó là nghề nguy hiểm, sẵn sàng sinh tử bất kỳ. Nhưng chúng tôi phải rèn luyện để làm chủ bầu trời và bất cứ trong tình huống nào cũng phải tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ bầu trời, bảo vệ Tổ quốc. Những người đồng đội của chúng tôi đã làm và chúng tôi đã, sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ này.

Hiện nay có nhiều đơn vị, cá nhân đang ủng hộ, giúp đỡ cho gia đình các chiến sỹ bị thương, hy sinh. Chúng tôi sẽ tập hợp lại và sau này, chuyển đến đến các gia đình. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất để có chế độ về công ăn việc làm, chăm sóc con cái, cấp đất ở... cho thân nhân các chiến sỹ hy sinh".

Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách nói rằng, ông muốn gửi gắm đến các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh rằng, 'các đồng chí hãy yên lòng an nghỉ, chúng tôi sẽ có trách nhiệm với gia đình, thân nhân các đồng chí và sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ các đồng chí đã thực hiện".

Theo Nhị Tiến

Theo Vietnamnet