Người dân làng trồng lá dong tại Hà Nội tất bật ‘hái lá đếm tiền’ dịp cận Tết

TPO - Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km, thôn Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai) từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng lá dong. Năm nào cũng vậy, từ ngày mùng 08 -12 (Âm lịch) cho tới sát Tết Nguyên đán, 'làng lá dong' lại tất bật thu hoạch phục vụ nhu cầu gói bánh chưng ngày Tết.

Từ khoảng mùng 8 đến 13 tháng Chạp (Âm lịch) hàng năm, người dân tại làng Tràng Cát tất bật thu hoạch, chuẩn bị lá dong để phục vụ cho người dân địa phương cũng như các tỉnh trong nước để gói bánh chưng, bánh tét vào dịp Tết cổ truyền.

Các hộ gia đình tại đây tận dụng sân vườn tại nhà để "tăng gia sản xuất". Lá dong được phục vụ quanh năm nhưng chủ yếu bán vào những dịp cận Tết Nguyên đán để người dân gói bánh chưng, bánh tét.

"Làng Tràng Cát đã tồn tại hơn 600 năm, nhưng nghề trồng lá dong tại đây có khoảng 400 năm trước. Nghề này tôi được nối nghiệp từ bố. Lá dong tại làng tôi chủ yếu phục vụ người dân địa phương và vận chuyển đi các tỉnh trong nước. Mỗi năm thu nhập khoảng 50-100 triệu vào dịp Tết Nguyên đán", ông Cường chia sẻ.

Trong khi đó một nữ chủ vườn dong chia sẻ: "Nhà tôi trồng dong chủ yếu chỉ thu hoạch vào những ngày tháng Chạp, còn lại vẫn kết hợp trồng thêm bưởi, cam để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng".

Người dân sử dụng dao bổ cau cắt cuống lá sát gốc để ra tháng Giêng những lá non vẫn mọc được; ngoài ra, những lá nào xấu không thể bán được người dân cũng cắt tỉa bớt.

Tại đây có 2 loại lá, loại vừa để gói bánh tét, còn loại lớn thì để gói bánh chưng. Mỗi bó được xếp khoảng 50 - 100 lá, mỗi bó có giá dao động từ 50.000 - 100.000 đồng.

Được ông ngoại cho 2 sào ruộng chị Ngọc thu được khoảng 20-25 triệu/sào, vào những dịp Tết số lượng lá dong có thể được cắt bán 10.000 lá/ngày.

Cảnh thu hoạch lá dong tất bật khắp ruộng vườn làng Tràng Cát. Lá dong sau khi được cắt và chia thành từng bó thì sẽ được thu mua và vận chuyển bằng xe tải đến các tiểu thương hoặc những người mua lẻ.

Sức mua lớn nên nhiều gia đình phải huy động từ già đến trẻ nhỏ để chuẩn bị đóng hàng phục vụ cho dịp Tết cổ truyền.

Người dân tại địa phương thường mua lẻ để gói bánh chưng phục vụ gia đình nhưng các chủ sào vẫn vui vẻ nhận đơn và vận chuyển đến tận nơi.