Người dân khó phân biệt thuốc diệt muỗi thật, giả

TP - Những tháng qua, dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát tại Hà Nội khiến nhiều hộ gia đình tìm mua thuốc diệt muỗi về phun với hy vọng “né” được dịch. Vì thế nhiều cơ sở bán hóa chất diệt muỗi trở nên đắt hàng. Tuy nhiên, thực tế, nhiều thuốc diệt muỗi giả lại đang được bán công khai nhưng người dân khó phân biệt thật - giả.
Người dân khó phân biệt thuốc diệt muỗi thật, giả. Ảnh: PV.

Một cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, nhiều cơ sở bán thiết bị y tế và hóa chất đều có bán  những loại thuốc diệt muỗi thông dụng nhất trên thị trường hiện nay mà các trung tâm y tế dự phòng hay dùng. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm, nhiều kiểu bao bì, bán với nhiều mức giá, nhưng lại cùng một nhãn hiệu, cùng một công ty sản xuất. Theo các chuyên gia vệ sinh dịch tễ, đã gọi là thuốc, thường phải có các thành phần hóa học, diệt côn trùng. Tức là có những hoạt chất, hóa chất độc.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, một số loại thuốc tồn lưu nhưng ở nồng độ cho phép, sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu dùng đúng quy định, đúng hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm đúng điều đó. Bên cạnh đó nhiều quan niệm sai lầm cho rằng, sử dụng thuốc diệt côn trùng càng tác dụng nhanh càng tốt nên muốn lựa chọn sản phẩm tác dụng ngay tức thì. Nhưng theo các chuyên gia dịch tễ, côn trùng càng chết nhanh thì nồng độ hóa chất trong thuốc càng mạnh. Như vậy con người cũng bị ảnh hưởng sức khỏe.

Bác sĩ Hà Tấn Dũng, Trưởng phòng Ký sinh trùng côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, dù là phun thuốc muỗi theo hình thức dịch vụ hay phun theo chương trình miễn phí của hệ thống y tế dự phòng thì thuốc đều cần có sự kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế. Bác sĩ Dũng cho hay, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Những thuốc này được dán mác rất phong phú mà người dân không biết được thật giả, chỉ có các cơ quan quản lý mới phân biệt được.

Theo các bác sĩ, có những loại được phép sử dụng trong môi trường cho người, nhưng có những loại thuốc dùng cho nông nghiệp, không tốt cho sức khỏe con người. Với những loại thuốc này, cơ quan chuyên về thuốc bảo vệ thực vật cần kiểm định xem có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người hay không. Theo quy định, ngành y tế cấp phép quản lý, mua bán thuốc diệt côn trùng nhưng kiểm tra thuốc bán trên thị trường lại là cơ quan quản lý thị trường. Trước đây, Bộ Y tế từng có quy định về việc những cơ sở phun hoá chất diệt côn trùng phải được phép của Bộ Y tế và được cấp chứng chỉ hành nghề, tập huấn chuyên môn nên việc thực hiện phun hoá chất được kiểm soát. Tuy nhiên từ năm 2001, khi các hộ kinh doanh chỉ cần có giấy phép kinh doanh là được thực hiện phun hoá chất thì thị trường này rất khó kiểm soát.

Bác sĩ Dũng khuyến cáo, người dân chỉ nên mua hóa chất diệt muỗi và côn trùng tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Sốt rét ký sinh trùng T.Ư và đại lý chính hãng của các công ty sản xuất thuốc diệt muỗi để đảm bảo chất lượng và không gây hại cho sức khỏe.

Sáng 4/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp giao ban công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn thành phố. Theo ông Hải, từ 3.600 ổ dịch đến nay còn 711 ổ dịch cho thấy dịch ban đầu có dấu hiệu chậm lại, các giải pháp đã đúng hướng. Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện 6 giải pháp quyết liệt hơn, khắc phục những hạn chế. “Một số địa phương chưa thấy tính nghiêm trọng của dịch, chưa tập trung chống dịch cần khẩn trương khắc phục ngay. Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chống SXH bằng cách diệt bọ gậy. Đẩy mạnh tỷ lệ 100% các hộ dân các quận/huyện diệt bọ gậy. 711 ổ dịch còn lại phải tập trung dập”, ông Hải nói.                

Hoàng Phong