Người cuối cùng của thế hệ vàng

TP - Các nhân sĩ, trí thức nói về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi: Chia tay thế hệ vàng

Ngoài cảm xúc chung với đồng bào là tiếc thương một người học trò gần gũi nhất của Bác Hồ, tôi còn có những cảm xúc riêng tư dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cả ba anh em tôi vào trường Thiếu Sinh quân đều do thư giới thiệu của cụ Võ Nguyên Giáp.

Bố tôi (cụ Vũ Đình Hoè, nguyên Bộ trưởng Bộ GD, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp - PV) tuy nắm trọng trách của Chính phủ nhưng cũng nặng gánh gia đình. Thời điểm đó ông có đến 8 người con (về sau mẹ tôi còn sinh thêm hai em nữa) nên được Bác Hồ đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện.

Đã từng nhiều lần đi cùng đoàn cựu học sinh đến chúc sinh nhật Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu nhưng tôi ấn tượng nhất là cái năm mà cụ gặp khó khăn trong sự nghiệp. Cụ ra tận cổng đón chúng tôi, tươi cười đon đả rồi hỏi to: “Kín khẩu chưa?”. “Kín khẩu” tiếng Tày nghĩa là ăn cơm, nhưng chúng tôi hiểu cụ có ý ngầm nhắc chúng tôi là không nên bàn tán linh tinh, nói những lời thất thố.

Bác Hồ đi rồi. Bác Đồng đi rồi. Nhưng vẫn còn cụ Giáp. Giờ cụ Giáp cũng đi nốt. Cụ là người cuối cùng của một “thế hệ vàng” – chữ của nhà sử học Dương Trung Quốc. Một thế hệ được hưởng một nền quốc học rất căn bản nhưng lại được lĩnh hội đầy đủ tinh thần khoa học và dân chủ. Hai tố chất ấy được nuôi dưỡng trong một môi trường thúc giục của tinh thần yêu nước, tinh thần giải phóng dân tộc của thời đại Hồ Chí Minh. Ba người cuối cùng của thế hệ vàng là cụ Trần Văn Giàu, cụ Vũ Đình Hoè và cụ Võ Nguyên Giáp, giờ các cụ đều đã lần lượt ra đi. Cụ Giáp là dấu chấm hết của thế hệ vàng đó.

GS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên phó ban Tuyên giáo Trung ương Đảng: Hình ảnh Đại tướng không kém gì Đức Thánh Trần

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn lịch sử lại xuất hiện những danh tướng, những anh hùng dân tộc nhưng sự hiện diện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất nổi bật. Chúng ta từng có Trần Hưng Đạo được nhân dân phong Thánh. Theo cảm nhận cá nhân của tôi, hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hằn sâu trong trái tim người dân không kém gì Đức Thánh Trần. Gần đây, trong dư luận xã hội có nhiều ý kiến mang tính chất “xét lại”, thậm chí còn lên án việc chúng ta đã để xảy ra chiến tranh – chết chóc nhưng qua tình cảm người dân dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp những ngày qua cho thấy một điều, chắc chắn đại đa số người dân không bị chi phối bởi những quan điểm đó. Nhân dân hiểu, lịch sử Việt Nam buộc phải đi theo con đường tất yếu là đấu tranh giành tự do, giành độc lập dân tộc.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Một cây đại thụ lớn nằm xuống luôn để lại khoảng trống

Người xưa có câu, “mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”, ý nói người đẹp cũng như danh tướng hiếm khi sống đến bạc đầu. Trên thực tế đúng là hiếm có danh tướng nào sống thọ. Nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một ngoại lệ. Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ cụ có mặt. Rồi cụ được dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tôi nghĩ trên thế giới này chưa từng có danh tướng nào được dự những lễ kỷ niệm nửa thế kỷ các sự kiện quan trọng nhất của đời mình như thế! Nói như vậy để thấy sống thọ như cụ là điều tuyệt vời và sự ra đi của cụ là không bất ngờ. Nhưng cái chết của cụ tạo nên một sự xúc động rất lớn trong lòng người dân, thậm chí khiến mọi người hẫng hụt. Điều này hoàn toàn có thể lý giải được: Một cây đại thụ nằm xuống bao giờ cũng để lại khoảng trống lớn rất khó bù đắp.

Thời nay, những tấm gương sáng của các nhà lãnh đạo, những người hoạt động chính trị - xã hội rất hiếm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi bật lên như một tấm gương sáng trung với nước, hiếu với dân. Những dòng người xếp hàng dài vào viếng cụ tại nhà riêng suốt mấy hôm nay nói lên sự ngưỡng mộ và niềm tiếc thương sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, đồng thời cũng cho thấy nhân dân rất công minh, lịch sử rất công bằng. Rõ ràng, được lòng dân, dân tôn làm thánh; mất lòng dân, dân ngoảnh mặt đi.

TS Giáp Văn Dương: Tổn thất lớn nhất là về văn hóa

Qua đời ở tuổi 103, cái chết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một việc thuận theo tự nhiên. Tuy nhiên, trong trận chiến với thời gian này, tướng Giáp cũng một lần nữa là người chiến thắng. Sống trên trăm tuổi xưa nay là chuyện hiếm. Danh tướng mà thọ trên trăm tuổi lại càng hiếm nữa. Theo hiểu biết của tôi, có lẽ ông là danh tướng đầu tiên vượt qua ngưỡng trăm tuổi này.

Nhưng từ cái chết của ông, mất mát tất nhiên là có. Đầu tiên là về tình cảm. Rất nhiều người quý mến ông, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Ông như một biểu tượng sống của người Việt Nam. Nay ông mất đi, tất nhiên là gây ra hụt hẫng. Về mặt lịch sử thì ông là nhân chứng sống, và là người tạo ra những bước ngoặt lớn của dòng chảy này, nên khi ông mất đi, thì hẳn nhiên đó là một tổn thất lớn. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, tổn thất lớn nhất là về mặt văn hóa. Dưới mắt của bạn bè quốc tế, ông là một phần của văn hóa Việt Nam. Nay ông mất đi thì đó là một tổn thất lớn, không thể bù đắp được.

Giờ còn quá sớm để nói cánh cửa nào sẽ mở ra, vì bản chất của tương lai là bất định. Nhưng suy cho cùng, người mở những cánh cửa tương lai phải là thế hệ của ngày hôm nay, chứ không phải là tướng Giáp. Ông đã cống hiến một đời và đã mệt mỏi nhiều rồi. Ông cần nghỉ ngơi, còn những người hôm nay cần bước tới. Chính họ, những người của ngày hôm nay, mới có thể mở ra những cánh cửa mới cho mình.

Quý Hiên
ghi

Theo Báo giấy