Cô làm quen với ảnh “newborn” (ảnh chụp em bé mới sinh) cách đây khoảng 5 năm. Ngắm những bức ảnh chụp các bé mới lọt lòng ở trên mạng cô bị mê hoặc và ngây thơ nghĩ: Chỉ cần máy ảnh trong tay cô sẽ chụp được “như trên mạng”. Song khi chạm thực tế Trang Phạm mới nhận ra, mọi thứ phức tạp hơn cô tưởng rất nhiều. Ngay việc xoay xở làm sao với các bé còn đỏ hỏn cũng đã khiến cô toát mồ hôi…
Buổi chụp hình bé sơ sinh lần đầu tiên của Trang Phạm cũng diễn ra suôn sẻ với sự hỗ trợ của một người bạn. Kết quả thu được là những bức ảnh chưa mấy ưng ý, còn mắc nhiều lỗi. Hóa ra chụp ảnh thời trang với chụp ảnh “newborn” có những quy chuẩn và quy tắc khác nhau. Thế là, Trang Phạm lại quay về ảnh thời trang. Thỉnh thoảng cô cũng túc tắc thực hiện một số bộ hình “newborn” nhưng chỉ coi đó là mảng ảnh mình có thể làm, không xác định là con đường phát triển.
Nghiện “newborn” từ khi làm mẹ
Năm 2016, Trang Phạm lần đầu được làm mẹ. Khát khao ghi lại khoảnh khắc đẹp trong những ngày đầu tiên trong cuộc đời con, khiến giấc mơ chinh phục ảnh “newborn” trong cô lại trỗi dậy. Chẳng lẽ một nhiếp ảnh gia lại không thể chụp cho con mình những bức “newborn” chuẩn “tây” hay sao? Từ đó, cô nghiêm túc dồn toàn bộ thời gian, tâm sức để học hỏi, tìm hiểu về ảnh “newborn”. Cô không ngờ đây lại là mảnh đất rộng lớn, đầy tiềm năng, chưa thấy ai dụng công khai phá ở Việt Nam. Mỗi ngày trôi qua, cái tên Trang Phạm càng trở nên quen thuộc hơn với các ông bố, bà mẹ trẻ. Họ bắt đầu tìm đến cô để có được những tấm hình để đời cho con mình.
Khác với các nước phương Tây, ở Việt Nam quan niệm ứng xử với trẻ sơ sinh có nhiều điểm khác biệt. Thí dụ, khi bé chưa đầy tháng, có những người không muốn cho khách đến thăm, vì những lí do mang màu sắc tâm linh. Ngay cả việc khen một em bé hay ăn, mũm mĩm cũng phải e dè, luôn được bắt đầu bằng cụm từ “trộm vía”. Vì thế việc thực hiện bộ hình “newborn” cho các bé không đơn giản. Các bậc cha mẹ do có điều kiện tiếp xúc với văn minh phương Tây, quan niệm thông thoáng hơn nhưng còn đó “hàng rào” được dựng bởi ông, bà bên nội, bên ngoại của các bé. Chỉ khi người nhà cởi mở thì nhiếp ảnh gia mới có cơ hội chứng tỏ năng lực.
Thời điểm vàng dành cho việc chụp hình bé sơ sinh chính là thời điểm khoảng 7 ngày tuổi. Những người thân của bé thường lo, bé quá nhỏ, chưa rụng rốn, da còn nhăn nheo, chụp khó đẹp. Trang Phạm thường thuyết phục khách hàng: Chính những nhược điểm ấy lại khiến các bức ảnh trở nên vô cùng đáng yêu. “Một chút nếp nhăn ở bọng mắt, cuống rốn vừa rụng, một chút da đang bong, vòng lông xoắn trên vai bé… tất cả những chi tiết ấy đối với tôi là những điều đẹp đẽ, chân thực và đáng yêu nhất. Nhiệm vụ của người chụp là làm sao biến những “điểm trừ” của bé thành “điểm cộng”, Trang Phạm tâm sự. Người ta thấy các em bé trong những tấm hình “newborn” thường nhắm mắt ngủ say sưa, bởi “thời gian này em bé ngủ rất nhiều, rất sâu, thích hợp cho việc chụp nhiều tư thế một cách dễ dàng và an toàn. Nếu bé thức điều này trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn”, Trang Phạm giải thích.
Từ khi bắt đầu chọn ảnh “newborn” làm nghiệp, Trang Phạm đã luôn ấp ủ thực hiện một bộ “newborn” đậm chất Việt Nam nhưng “để làm được không khó, để làm thật tuyệt thì cần thêm thời gian”. Người ảnh hưởng nhiều nhất đến Trang Phạm về mảng chụp “newborn” chính là Jenny Hạnh - một nhiếp ảnh gia chuyên dòng “newborn” gốc Việt, đang sống tại Ý. Cô nói về Jenny Hạnh đầy biết ơn và trân trọng: “Đối với tôi, chị không chỉ là người thầy, người chị, người bạn… Mà còn là người thắp lửa đam mê. Có lẽ không phải ai cũng may mắn để gặp được một người bạn tâm giao như vậy trong cuộc đời”.
Những “tai nạn” đáng yêu
Ảnh chụp người lớn hiện nay thường đẹp hơn chính họ ngoài đời, vì nhiếp ảnh gia đã dùng kỹ thuật chỉnh sửa. Còn ảnh “newborn” được nhiếp ảnh gia cam kết: cực kỳ ít chỉnh sửa. “Một bức ảnh “newborn” thường gặp một số vấn đề về màu da, thường bị đỏ, bị đen, hoặc khoảng màu loang lổ. Ngoài ra một số em bé bị mọc mụn sữa li ti trên mặt. Đối với ảnh “newborn”, tôi chỉ sửa chi tiết của chăn nền, chi tiết chưa hoàn chỉnh của vải bọc, quần áo bé, chỉnh sửa làm đều màu da và xử lí mụn sữa cho bé chứ hiếm khi can thiệp đến các đường nét của bé”, Trang Phạm cho biết.
So với ảnh người lớn thì việc chỉnh sửa ảnh “newborn” đòi hỏi yêu cầu phức tạp hơn, như đảm bảo còn khối sáng- tối trên khuôn mặt, da mịn màng, đều màu nhưng không mất chi tiết da… đòi hỏi nghệ sỹ nhiếp ảnh phải có kỹ năng, sự kiên nhẫn và khả năng thẩm mỹ.
Một buổi chụp hình bé sơ sinh hoàn hảo thường diễn ra trong khoảng hai giờ đồng hồ (bao gồm thời gian chụp, cho bé ăn, ru bé ngủ và thời gian vệ sinh cá nhân cho bé). Trong một số trường hợp đặc biệt, khi bé cảm thấy không thoải mái, không thể ngủ say… buổi chụp hình có thể kéo dài đến 6 tiếng đồng hồ. Dù mất nhiều hay ít thời gian thì nhiếp ảnh gia cũng vui vẻ, bởi cô đã và đang làm mẹ nên quá hiểu sự “thất thường” của các bé.
Tai nạn nghề nghiệp ở chụp “newborn” không nguy hiểm mà hết sức ngộ nghĩnh: “Thường xuyên bị các em bé bĩnh ra người, cho nên lần nào đi chụp tôi cũng phải mang theo quần áo sơ cua, mãi rồi cũng quen, rồi cảm thấy điều ấy trở nên bình thường và đáng yêu hết sức”, cô cười. Có những bà mẹ đã đăng trên trang cá nhân của Trang Phạm khi nhớ lại kỷ niệm buổi chụp hình “newborn” của con mình: “Em Đậu bé bỏng của mẹ lúc 15 ngày tuổi, xấu xí và ghê gớm hết sức, tiêu diệt hết chăn với khăn ở studio của cô Trang chỉ trong mấy tiếng chụp hình”.
Có hai thứ Trang Phạm luôn muốn ghi lại trong mỗi buổi chụp hình với bé: “Một là bên bầu vú mẹ. Hai là trong vòng tay cha. Hai hình ảnh ý nghĩa nhất đối với tuổi thơ của một đứa trẻ”. Cùng với thời gian, số lượng bé sơ sinh mà Trang Phạm chụp rất lớn: “Hạnh phúc nhất là khi kết thúc buổi chụp hình, tôi và các mẹ thường trở thành bạn bè- được chứng kiến các em bé đã từng nằm lọt thỏm trong bàn tay mình dần lớn lên từng ngày, cảm giác ấy thực sự rất hạnh phúc”. Rất nhiều kỷ niệm đẹp khiến cô không quên. Đặc biệt, buổi chụp hình một em bé 6 tháng tuổi bị bệnh tim đầy ám ảnh. Từ khi sinh ra, phần lớn thời gian em ở bệnh viện. Đến khi chụp hình, Trang Phạm bất ngờ vì em bé quá nhỏ so với độ tuổi, khả năng vận động của em quá yếu ớt. Cô vừa chụp vừa thương em bé: “Mỗi khoảnh khắc trôi qua tôi đều muốn gom lại trong những bức hình. Bố mẹ em bé cuối buổi chụp đã khóc và nói với tôi rằng: Chưa bao giờ họ được thấy con mình xinh như vậy. Là một nhiếp ảnh gia, một người mẹ, câu nói ấy đã làm tôi suy nghĩ mãi và luôn tự hứa với lòng sẽ giữ lại cho bố mẹ tất cả những khoảnh khắc đẹp nhất của con cái”.
Phần lớn thời gian Trang Phạm dành cho công việc, nên cô thiếu thời gian dành cho gia đình nhỏ. Đôi lúc cô cũng áy náy nhưng lại tự an ủi mình: “Cuộc đời của bạn Chang (Trang)- suy cho cùng cũng không thể sống với bon chen tính toán- không thể sống với những kế hoạch hay định hướng. Cuộc đời bạn Chang (Trang) kín thời gian dành cho ngọt ngào mất rồi”, cô viết.
“Hạnh phúc nhất là khi kết thúc buổi chụp hình, tôi và các mẹ thường trở thành bạn bè”
Trang Phạm
“Sáng mặt, ăn tiền” chưa đủ
Hiện nay ngoài những nhiếp ảnh gia chuyên chụp “newborn”, các ảnh viện cũng bắt đầu có dịch vụ chụp ảnh “newborn”. Theo Trang Phạm: “Một bức ảnh “newborn” đẹp trước hết phải thể hiện được các đường nét của bé sơ sinh- chứ không phải “sáng mặt ăn tiền” là đủ”. Khi chụp “newborn”, Trang Phạm thường lên ý tưởng phù hợp với ngày tuổi, cân nặng, giới tính, tên ở nhà của bé và mong muốn của bố mẹ với mỗi tác phẩm. Chính vì sự chăm chút đó nên ảnh của cô luôn khác biệt.
Lời khuyên của cô dành cho các ông bố, bà mẹ: “Khi có ý định chụp hình “newborn” cho bé, tốt nhất nên chọn cho mình một nhiếp ảnh gia mà bạn tin tưởng, trao đổi trước với họ về khoảng thời gian dự sinh và thực hiện những bức ảnh “newborn” trong khoảng một tuần cho đến trước một tháng tuổi, để chắc chắn không bỏ lỡ khoảng thời gian tuyệt vời này”. Đối với trẻ sơ sinh cần chú ý bảo vệ mắt cho bé, bố mẹ nên lưu ý người chụp không được dùng đèn có công suất cao phả thẳng vào bé.