Không khẳng định chắc chắn thời điểm nào sẽ hết tình trạng quá tải vốn đã thành căn bệnh trầm kha ở các bệnh viện từ nhiều năm nay nhưng theo bà “Sẽ có chuyển biến tích cực trong năm 2015 và sau đó”. Điều này cũng có nghĩa, từ nay cho đến thời điểm được cho là “chuyển biến tích cực”, người bệnh vẫn phải chờ!
Câu chuyện quá tải ở bệnh viện đã được mổ xẻ rất nhiều từ mấy năm nay, không phải cho đến thời Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mới nổ ra. Bộ trưởng tiền nhiệm, ông Nguyễn Quốc Triệu từng trăn trở điều này trong nhiệm kỳ làm việc của mình.
Quá tải ngày một trầm trọng hơn. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, đã có ít nhất 3 lần lãnh đạo Bộ Y tế làm việc với TPHCM về tình trạng quá tải ở thành phố 10 triệu dân này, đủ để cho thấy quyết tâm của người đứng đầu Bộ Y tế.
Tuy nhiên, 4 bệnh viện cửa ngõ ở TPHCM, với 5.000 giường bệnh là giải pháp căn bản nhất để giảm tải cho TPHCM vẫn chưa thành hiện thực cho dù nó được triển khai đến nay qua 3 đời giám đốc Sở Y tế TPHCM.
Việc giải phóng mặt bằng vẫn giậm chân tại chỗ, trong khi nhiều nơi bệnh viện đã đặt tên, có cả người đứng đầu... Thậm chí, nếu nó thuận buồm xuôi gió, như lời ông Hứa Ngọc Thuận- Phó Chủ tịch UBND TPHCM thì đến năm 2015 cũng chỉ giảm tải được 50% cho các bệnh viện mà thôi.
Còn vấn nạn y đức và chất lượng khám chữa bệnh liệu đã làm an lòng người dân? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, cho rằng vi phạm y đức là vấn đề khiến nhiều người bức xúc nhưng có sự ủng hộ của người dân, và nếu người dân không đưa phong bì, không đưa quà khi vào khám bệnh thì thái độ và y đức của cán bộ y tế sẽ dần được cải thiện?
Nhưng thực sự nó có cải thiện hay không khi mà người đứng đầu Bộ “đổ lỗi” y đức của bác sĩ bị méo mó một phần vì…bệnh viện quá tải. Do quá tải nên người bệnh đi khám rất mong được khám trước vì vậy mới nảy sinh tiêu cực. Nhưng liệu người bệnh một khi không tiếp cận bác sĩ, họ có an lòng khi vào bệnh viện hay không?
Nhiều năm nay, hầu hết các bệnh viện đều “cầm đèn chạy trước ô tô” tăng giá dịch vụ y tế hàng chục lần. Lần tăng giá sắp tới như nhiều bác sĩ cho biết chỉ là “hợp thức hóa” việc vốn đã tăng từ nhiều năm nay. Vậy nhưng, trong nhiều năm qua, chất lượng khám chữa bệnh vẫn còn khiến người bệnh phàn nàn.
Bệnh tật ngày càng gia tăng, nhiều căn bệnh ập đến trong khi hệ thống y tế dự phòng đã phơi bày nhiều lỗ hổng. Gần như lâu nay người ta ít quan tâm đến vấn đề phòng bệnh hơn chữa bệnh nên đầu tư cho y tế dự phòng cũng khiêm tốn.
Trong khi các bệnh viện vẫn đua nhau mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh, dồn tiền cho đầu tư máy móc, xây dựng…mà quên rằng phòng bệnh mới là then chốt để giảm tải bệnh viện.
Nhiều bất cập của ngành y tế được ví đã là “căn bệnh” trầm kha. Nhưng người dân vẫn còn hy vọng khi những liều thuốc của người đứng đầu Bộ Y tế sẽ có hiệu nghiệm trước khi nó trở thành căn bệnh nan y.