> Lại đề xuất 'ngực lép' không được lái xe
Đáng chú ý trong quy định của dự thảo này, những tiêu chuẩn từng gây phản ứng dữ dội từ dư luận năm 2008, như “ngực lép”, thấp bé, nhẹ cân… không được lái xe máy trên 50cm3 vẫn được giữ nguyên. Cụ thể, về tiêu chí thể lực, dự thảo này quy định, người cao dưới 1,45m, nặng dưới 40kg và vòng ngực dưới 72cm không được lái xe hạng A1 (xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 đến dưới 175cm3).
Ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa có ban soạn thảo nên cũng chưa có dự thảo nào cho thông tư liên bộ được đưa ra. “Lý do của nhầm lẫn về việc dự thảo văn bản tiếp tục đưa ra các chỉ số về “ngực lép” này có lẽ là gần đây, phía Cục Y tế GTVT (thuộc Bộ GTVT) đưa dự thảo cũ (và nói xây dựng trên nền văn bản này). Nhưng chúng tôi đã có kết luận là phải sau khi có ban soạn thảo rồi mới tiến hành xây dựng thông tư”, ông Tường nói.
Trao đổi với Tiền Phong chiều 25/8, một lãnh đạo Cục Y tế GTVT (Bộ GTVT) đơn vị có thành viên tham gia soạn thảo cho biết, bản dự thảo được tổ biên tập (cơ quan thường trực, phục vụ cho ban soạn thảo) đưa ra. “Đây có thể gọi là dự thảo ban đầu và đã được tổ biên tập với các thành viên của Bộ Y tế, Bộ GTVT cùng tham gia góp ý kiến. Chỉ có điều, bản này chưa được đưa ra thảo luận chúng tôi có nghiên cứu dự thảo cũ nhưng đã chỉnh sửa, bổ sung” - vị này nói.
Ông Khương Kim Tạo, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, người tiếp cận rất sớm với bản dự thảo này khẳng định, dự thảo đang được bàn đến chính là bản ông mới được Bộ Y tế cung cấp. “Tôi không quan tâm đó có phải là dự thảo chính thức hay không. Việc quan trọng nhất là phải góp ý để người ta thay đổi khi chưa ban hành”. Theo ông Tạo, tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức kém, không phải do những người “chân yếu, tay mềm”, vòng ngực nhỏ, lực kéo thấp gây ra. “Tôi khẳng định, đến nay chưa có bất kỳ bằng chứng nào khẳng định những người có vòng ngực dưới 72 cm lái xe sẽ không an toàn” - ông Tạo nói.