Đờn ca tài tử đang được truyền thông rầm rộ sau khi trở thành di sản của nhân loại, nhưng chưa bao giờ đờn ca tài tử và cải lương thiếu đi trong đời sống Nam bộ.
Dù nghệ sỹ, nghệ nhân đã héo hắt vì thu nhập hẻo từ nghề, nhưng người dân chưa chối bỏ quay lưng với đờn ca tài tử. Chỉ một chiếc guitar phím lõm, một cây đàn nguyệt là đủ xênh xang sông nước, réo rắt vườn tràm, thậm chí tưng bừng đám cưới, thương thảm đám ma, diết da hội nghị.
Ở đất Bắc, tiếng cười dân gian len lỏi trong đời sống và làm nên cốt cách nông thôn Bắc bộ, không chỉ ở làng cười Văn Lang Phú Thọ hay Kinh Bắc. “Tiếng cười ấy vốn rất thú vị, chỉ là do chúng ta chưa khai thác tốt và làm ra phim hay” - đạo diễn Phạm Đông Hồng (sản xuất đĩa “Chôn nhời”) nói.
Cái rét đang lan nhanh cả nước khiến người Biên Hòa cũng co ro giữa tiết trời 15 độ C, bỗng ước gì nó kéo vào Nam chút giai điệu chèo xứ Bắc, và đưa trở lại chút giai điệu cùng tiếng cười phương Nam.
Gần 40 năm thống nhất, quan họ, ca trù và chèo vẫn ở ngoài đèo Ngang nơi các đoàn cải lương dần bị giải thể. Một cựu biên đạo ballet từng nói với Tiền Phong, rằng ông muốn xóa sổ cải lương! Đây có thể là cách nói của một người thiên vị tinh hoa nước ngoài và chưa bao giờ làm kẻ tha hương. Nhưng nó cũng bộc lộ: Trong tâm trí một số người, tinh hoa dân tộc là thứ có thể đánh đổi.
Trong hồi ký, nhạc sỹ Dương Thiệu Tước viết: “Tôi quan niệm nhạc mới Việt Nam phải là những bản nhạc khi trình diễn thể hiện được dân tộc tính Việt Nam”. Ông đã viết ba ca khúc, mỗi bài tương ứng nhạc thức của mỗi miền Việt Nam: Tiếng xưa (Nam), Đêm tàn Bến Ngự (Trung), Thề non nước (Bắc, phổ thơ Tản Đà).
Người Việt ở hải ngoại đang phải lái xe hàng trăm cây số để xem “sô” Paris by night vài lẫn mỗi năm. Thốt nhiên lo sợ đến một ngày kia, người Việt trong nước cũng thế: Muốn xem cải lương phải đi máy bay vào Nam, muốn nghe chèo phải đi tàu ra Bắc. Trong tình hình giao thông nội địa hiện nay, đó là điều chúng ta không mong muốn.