Ngô lai tại Lào Cai: Thành công nhờ liên kết “4 nhà”

TP - Mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu gần 5 triệu tấn ngô làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Hiệu quả từ mô hình liên kết “4 nhà” trồng ngô lai tại tỉnh Lào Cai vừa qua là một tín hiệu tích cực nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào ngô nhập khẩu.
Nông dân phấn khởi thu hoạch ngô. Ảnh: T.H.

Nông dân được mùa, được giá

Có mặt tại xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai vào những ngày đầu tháng 8, không khí trên đường nhộn nhịp với từng đoàn xe tải tấp nập vào ra. Thời gian này, bà con nông dân đang thu hoạch, đóng gói ngô thương phẩm (ngô bắp tươi) để bán cho doanh nghiệp. 

Đây là vụ ngô đầu tiên có sự liên kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cung ứng giống, doanh nghiệp thu mua theo mô hình liên kết 4 nhà: “Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân”. Đang khâu những bao ngô cuối cùng để cân, ông Dương Hải Sinh, xã Bản Cầm phấn khởi cho biết, giống ngô lai được thử nghiệm có năng suất cao gấp rưỡi giống mà dân vẫn thường trồng. “Khả năng chống sâu bệnh, chịu hạn cao hơn hẳn, đợt nắng hạn vừa rồi là một ví dụ điển hình”, ông Sinh nói.

Bà Hà Thị Hồng, thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm chia sẻ, tham gia mô hình, bà con nông dân được công ty cấp giống và có doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm từ lúc thu hoạch nên không mất công phơi phóng, bảo quản. “Trước đây, chúng tôi đi mua giống ở bên ngoài chỉ lo mua phải giống giả, kém chất lượng, nay có công ty cung cấp trực tiếp nên rất yên tâm”, bà Hồng nói. 

Có mặt tại mô hình, còn có bà con nông dân tại các huyện Mường Khương, Bảo Hà, Si Ma Cai... Anh Vừ A Sủng, huyện Bảo Hà cho biết, trước đây gia đình thường gieo 1 hạt/hốc, vụ vừa rồi gieo 2 hạt/hốc. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, ngô vẫn cho năng suất cao hơn hẳn nhờ bộ lá gọn. 

Ngoài ra, thời gian sinh trưởng ngắn, cùng bộ rễ khoẻ, chất lượng hạt thương phẩm tốt. Điều này giúp bà con đạt năng suất cao, bán được giá. Trong khi giá thị trường hiện nay là 2.300 đồng/kg ngô tươi, doanh nghiệp liên kết vẫn đang thu mua cho người dân với mức giá 2.850 đồng/kg.

Nhân rộng mô hình đến các vùng sâu, vùng xa

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết, mỗi năm, toàn tỉnh Lào Cai trồng khoảng 36.500ha ngô, 1/3 sản lượng ngô của bà con làm ra được sử dụng để chăn nuôi, làm thức ăn trong những tháng giáp hạt, còn lại 2/3 bà con phải tự tiêu thụ, bán cho các thương lái thu gom, xuất khẩu đi Trung Quốc. 

Nhưng giá cả bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Sự vào cuộc của doanh nghiệp từ đầu vào đến tiêu thụ giúp nông dân yên tâm sản xuất, không chịu sự bấp bênh của thị trường. Năng suất ngô bình quân tỉnh Lào Cai những vụ trước chỉ đạt 3,65 tấn/ha thì vụ ngô 2014- 2015 trồng giống của Dekalb đã cho năng suất vượt trội, trung bình 12-13 tấn ngô tươi/ha, tương đương 6-6,5 tấn ngô khô. 

Nông dân tham gia mô hình không chỉ cải thiện được năng suất mà còn nhận được 4 “bảo hiểm bền vững”: Được ứng giống ngô lai Dekalb vào đầu vụ và thanh toán vào cuối vụ, được chuyển giao kỹ thuật canh tác, được cam kết năng suất tối thiểu cao hơn năng suất bình quân địa phương, được đảm bảo thu mua toàn bộ ngô bắp tươi khi đến thời điểm thu hoạch...

Bà Nguyễn Thị An, Giám đốc Cty TNHH MTV An Nghiệp - đơn vị thu mua nông sản lớn nhất tỉnh Lào Cai khẳng định, sẽ có phương án đầu tư cơ sở hạ tầng để thu mua, chế biến nông sản của bà con nông dân ngay tại chỗ. Từ đó giảm chi phí vận chuyển, cũng như giúp bà con chủ động sau thu hoạch, cải thiện đời sống bà con vùng cao. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết, mô hình liên kết bốn nhà trong sản xuất ngô đã góp phần thay đổi tập quán, tư duy sản xuất của người dân vùng núi. Với mô hình này, nông dân được đảm bảo đầu vào và đầu ra ổn định đối với ngô giống, ngô thương phẩm. Đây chính là điều kiện để quản lý tốt chất lượng nguồn giống, đồng thời tạo ra sản phẩm hàng hóa với khối lượng lớn và đồng đều, tiến tới thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phạm Văn Huynh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng, thông tin, huyện đang có 264 thôn bản, trong đó có 99 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Cây ngô nếu đạt được năng suất như mô hình, bà con nông dân sẽ từng bước thoát nghèo bền vững. “Rất mong Sở NN&PTNT tiếp tục nhân rộng mô hình ở những vùng sâu hơn, xa hơn nữa”, ông Huynh nói.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Bắc, Cty Dekalb Việt Nam cho biết, ngoài tỉnh Lào Cai, trong năm vừa qua, Cty còn thực hiện mô hình liên kết tại Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ. Với tôn chỉ lấy nông dân là trọng tâm của tiến trình cải thiện đời sống nông nghiệp, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, tiếp cận những khu vực vùng sâu, vùng xa, giúp thêm nhiều nông dân tiếp cận với chương trình liên kết.