Ngô Hồng Quang làm Song hành với sự hợp tác của nhạc sĩ Onno Krijn. Onno đảm nhiệm phần hòa âm và chơi nhạc cụ Tây phương. Quang hát các làn điệu xẩm, chèo, quan họ, dân ca Nam bộ… Đĩa có 2 bài do Quang sáng tác, hòa âm và trình diễn: Hòa tấu Hội bản và ca khúc Đàn cò. Sau khi xem Đàn cò trên sân khấu Sao Mai thì NSND Thu Hiền và NSƯT Thái Bảo đã liên hệ với tác giả để xin bài. Đĩa phát hành ở Việt Nam giá chỉ khoảng 45.000 đ, còn ở Hà Lan được bán với giá tương đối cao so với mặt bằng chung: 15 eur.
Trước đây, Quang được biết đến qua việc trình diễn ca khúc Tiếng Việt của Nguyễn Lê Tâm. Cho tới nay, có lẽ vẫn chưa ca sĩ nào vượt qua cách hát thẽ thọt, mềm mỏng của Quang trong bài hát này. Quang kể thời anh đi làm thêm hướng dẫn viên du lịch ở Hà Lan, du khách Việt nhận ra người hát Tiếng Việt nên cứ nài anh hát. Vậy là Quang sau khi nói khản cổ lại kéo nhị hát ngay trên ô tô. Không ai biết anh đang phải cố kìm cơn say do ngồi ngược chiều xe.
Bố Quang làm cảnh vệ lăng Bác, mẹ giáo viên, ông nội chơi nhị có tiếng trong gánh hát.
Quang trở thành sinh viên khoa Nhị khi chưa đầy 14 tuổi, định đợi đến khi vỡ giọng sẽ học Thanh nhạc. “Hồi đầu tôi băn khoăn lắm, học nhị rồi ra làm gì, sao có tương lai. Một thời gian lại thích ghi ta. Nhưng lúc vỡ giọng rồi thanh nhạc với tôi chẳng còn quan trọng nữa. Âm nhạc dân tộc, nhị quan trọng hơn”. Quang dạy nhị cho học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, dạy cả cho người nước ngoài ở Hà Nội. Thời gian làm giảng viên Nhạc viện, Quang có dịp biểu diễn ở Hà Lan và được “tư vấn du học”. Sau nửa tháng ôn thi IELTS, Quang được 6,5 điểm, thừa tiêu chuẩn nhập học.
Buổi đầu lên lớp, thầy hỏi sáng tác đâu trong khi Quang mong chờ thầy dạy cái gì đó mà không thấy. Ngồi nói chuyện 15 phút thầy bảo: Về làm đi. Về làm gì ạ? Sáng tác đi! Sáng tác cái gì hả thầy? Chết rồi, bên này họ dạy cái gì buồn cười thế! Các học viên trong lớp Sáng tác của Quang ít bỡ ngỡ hơn, vì hầu hết đã có bằng Sáng tác khi học ở nước họ. Quang về mày mò sáng tác bài Hồ Tây cho đàn bầu piano, thỉnh thoảng điểm tiếng chuông. Buổi sau thầy mới có cái để dạy. Tự khai nguồn sáng tạo âm nhạc, tự xây dựng không gian âm nhạc cho mình là bài đầu tiên Quang học được ở xứ người.
Không phải đóng học phí, nhưng tiền nhà, ăn phải tự lo. Ba tháng đầu, Quang ốm liên miên, vì môi trường mới quá, ai cũng tự lập. Năm đầu, Quang kiếm tiền bằng cách làm món sallade tại một nhà hàng Ý, năm hai dẫn khách Việt đi chơi, rồi lại làm nhà hàng sushi của người Việt... Về sau, đi diễn nhiều hơn. Quang làm mấy buổi trình diễn âm nhạc dân tộc Việt Nam ngay trong trường cho các sinh viên Sáng tác. Anh dạy cả đàn môi, nhị cho học sinh tiểu học.
Học được tư duy âm nhạc mới, Quang quyết đem về “tổ chức không gian âm nhạc dân tộc Việt Nam theo hơi thở đương đại”. Nhỡ đâu tư duy đấy không áp dụng được ở trong nước? Trả lời: “Cái đấy tôi đã nghĩ rồi. Nhưng cứ làm thôi. Vì tôi đam mê mà”. “Không gian” ra mắt công chúng đầu tiên của Quang chính là các bài Đàn cò, Con cóc dàn dựng cho Phương Thúy tại vòng chung kết Sao Mai. Lần đầu tiên một “dàn dây” toàn nhị lên sân khấu đệm cho thí sinh.
Trở về nước, Ngô Hồng Quang tiếp tục đi học các nghệ nhân để lĩnh hội về âm nhạc dân tộc. Anh cũng thành lập nhóm nhạc gồm các tay đàn dân tộc “thiên về nghệ nhân hơn nghệ sĩ” để thi triển những sáng tạo mới trên nền nhạc dân tộc. Sắp tới Quang có chuyến lưu diễn với Lê Cát Trọng Lý tại Pháp. Ca khúc và âm nhạc cho 33 tập phim Ma làng lên sóng tháng 12 này cũng do Quang đảm nhiệm. Học tư duy ngoại quốc để biết cách khai thác vốn cổ của cha ông là điều Quang đang hướng tới.