Nghiên cứu về khoa học giáo dục xa rời thực tế?

TP - Tại Diễn đàn Hà Nội lần thứ nhất về khoa học giáo dục và sư phạm (Hafpes 2021) do Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, rất nhiều đề tài nghiên cứu về khoa học giáo dục không xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn.
Đề tài nghiên cứu về giáo dục phải giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra. Ảnh: Diệp An

GS.TS Nguyễn Hữu Châu, Trường ĐH Giáo dục, nói rằng, hằng năm Việt Nam có hàng trăm đề tài nghiên cứu về khoa học giáo dục, nhưng các đề tài thường trùng lặp và những đề tài tốt thực sự đi vào cuộc sống không nhiều. Đề tài không có tính vấn đề, không xuất phát từ việc giải quyết các vấn đề nóng của xã hội mà phần lớn mang tính minh họa. Theo GS Châu, thực trạng chung của các đề tài nghiên cứu giáo dục hiện nay là thiếu tính nghiên cứu chuẩn đoán, trong khi đó, đáng lẽ đề tài nghiên cứu phải mang tính “chẩn bệnh, trị bệnh” đối với các chủ trương, chính sách. “Tôi biết hằng năm Bộ đều yêu cầu các Vụ chức năng đặt hàng các nhà nghiên cứu. Hầu hết những đặt hàng đó hơi vội vã, thậm chí có những đặt hàng yêu cầu làm rõ hơn cho một chính sách đã được ban hành. Như thế là không hợp lý”, ông nói. Ngoài ra, thiếu sự truyền bá kết quả nghiên cứu, thiếu hội thảo chuyên đề bàn về công bố đó.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng, một số bài báo, công bố quốc tế của các tác giả Việt Nam hiện nay về giáo dục, nhất là nghiên cứu liên ngành, các phương pháp nghiên cứu của các tác giả chủ yếu là thu thập số liệu bằng phiếu hỏi, kết hợp phỏng vấn và sử dụng phần mềm SPSS để xử lý dữ liệu. “Dù những nghiên cứu này phát hiện nhiều vấn đề mới về bối cảnh giáo dục Việt Nam, nhất là đặt trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông 2018 và học tập trực tuyến kéo dài do dịch COVID-19, nhưng về bản chất, sự đổi mới về phương pháp nghiên cứu khoa học còn ít và chậm so với thế giới về mặt chất”, ông nói.

GS.TS Lê Ngọc Hùng, Trường ĐH Giáo dục, nói rằng, chỉ khoảng 10% các bài nghiên cứu của Việt Nam áp dụng lý luận nghiên cứu khoa học; có những người mô tả lại bài giảng cũng tưởng đó là công trình nghiên cứu khoa học.