> Lễ tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ở Côn Đảo
> Thanh niên kiều bào thắp nến tri ân anh hùng liệt sĩ
Nhà vợ chồng ông Tư Hoàn (tên đầy đủ là Đỗ Nam Hoàn, sinh năm 1934 tại Hậu Giang) cách chợ Côn Đảo chưa đầy 400m. Hàng tạp hóa cũng là nơi ở của vợ chồng ông bà. Cửa khép hờ, ngoài đường mưa trắng lối. Ông Tư ngồi thu lu một góc, mắt đục mờ nhìn ra ngoài hiên phau phau nước. Thấy có bóng người, ông khe khẽ kéo cửa rồi kêu, mưa gió vầy, vô đi kẻo ướt cả giờ.
Biết chúng tôi đến để nghe bà Tư kể chuyện tù Côn Đảo, ông bảo, bả mới qua thăm bạn, mưa rầy chắc phải đến trưa mới về. Ông Hoàn vốn là bộ đội tiếp quản Côn Đảo hồi 1975. Ông bảo khi đó Côn Đảo buồn ghê lắm, tử khí nặng nề lắm, rồi ông lại nhìn hút ra ngoài hiên húng hắng ho.
Bà Tư về, vừa giũ áo mưa vừa bảo, dạo ni đau chân chưa qua thăm các chị, bữa nay mới tới được!
Thì ra đó là anh chị em thời tù Côn Đảo, đã nằm lại ngoài nghĩa trang Hàng Dương.
Bà có tên đầy đủ là Nguyễn Thị Ni, sinh năm 1939 quê ở mãi tận Tiền Giang. Bà kể: Tui bị bắt và đày ra Côn Đảo vào năm 1971, đến năm 1974 thì được thả, khi thả mới 31 tuổi...
“Tụi Mỹ bày đủ trò tra khảo, tui và rất nhiều đồng chí khác trong đó có đồng chí Trương Mỹ Hoa ở cùng một khu, chị em tôi biết nhau từ hồi còn ở quê, bị nhốt ở Chuồng Cọp Mỹ. Tụi tui đấu tranh ghê lắm, còn chúng nó thì đàn áp tù nhân không tiếc tay. Rồi tụi tui bị bỏ đói bỏ khát đến nỗi lén thấm được ít nước trong chiếc khăn thì đem cất thật kĩ, chỉ khi nào thực sự cần thiết, có ai ốm chẳng hạn, mới dám vắt ra dùng”.
Không mấy ai từng bị đày ra Côn Đảo khi được thả lại quyết định gắn bó cả đời với mảnh đất này như bà. Ra tù, bà được cử đi học trường Cán bộ Phụ nữ Lê Thị Riêng ở Sài Gòn, qua mai mối giới thiệu, bà gặp và lấy ông Tư, bấy giờ ông đang học trường chính trị ở Thủ Đức.
Theo bà Ni, nếu muốn, vợ chồng bà có thể ở lại làm việc tại Sài Gòn, nhưng ông bà quyết định về lại Côn Đảo. Cũng bởi một lẽ, đi rồi biết đến khi nào mới có điều kiện trở lại thăm nom hương khói cho các anh chị, những đồng chí đồng đội đã ngã xuống, giờ nằm lại cả ở Hàng Dương.
Tuổi đã trên thất thập, mà mỗi tuần đôi ba lần bà đều đặn tay xách nách mang lên nghĩa trang Hàng Dương cách đó vài cây số để thăm nom đồng chí đồng đội.
Bà bảo, ngày đó ai cũng căm ghét đế quốc và bọn tay sai. Hòa bình rồi, người có tội thì đã phải chịu tội… Bà kể, mới hôm rồi bà còn đến nhà ông Nguyễn Phan Hòa - một tay khét tiếng tàn ác ở trại tù Côn Đảo xưa - để chia buồn.
“Vợ ổng mới mất, tui đến để an ủi động viên. Tôi nghiệp, ông ấy giờ lành lắm, chẳng làm hại ai đâu” - bà Ni nói rồi nhìn chồng. Ông Tư gật đầu xác nhận.
Hai vợ chồng tuổi đều trên thất thập mà nhà chưa khi nào có tiếng trẻ thơ. Bà Ni bảo, nhiều lúc thấy ông Tư thẫn thờ nhìn theo đám trẻ tan học về ngang qua nhà mà thấy thương ổng! Ông Tư rầu rầu bảo, âu cũng là cái số; bà lại bảo, cũng tại đế quốc ác quá nên mới ra nỗi vầy... nhưng còn sống đến giờ là may rồi, oán chẳng để làm gì.
Bà Ni bảo, mỗi sáng thức dậy được nhìn thấy nhau đủ biết mình còn trên thế gian này: “Đồng chí đồng đội vẫn nằm lại đó, có các anh chị ở đây vợ chồng tui cũng bớt buồn, tuổi giờ cao rồi không biết còn đến thăm nom các anh chị ấy được bao lần nữa, còn đi được thì cố đi vậy, biết đâu...”.