Nghi vấn hối lộ tại công ty Tenma: Đình chỉ công tác nhiều cán bộ liên quan

TP - Theo báo chí Nhật Bản, lãnh đạo Cty Tenma tự khai hối lộ 25 triệu yên (hơn 5 tỷ đồng) để được miễn truy thu 1,79 tỷ yên (khoảng 400 tỷ đồng) thuế giá trị gia tăng đánh lên hàng nhập khẩu và giảm 89 triệu yên (17,8 tỷ đồng) xuống còn 2,67 triệu yên (530 triệu đồng) thuế  thu nhập doanh nghiệp bị truy thu. Tuy nhiên, báo cáo của Hải quan và Tổng cục Thuế cho thấy,  hiện chưa có cơ sở truy thu số tiền thuế trên.
Cty TNHH Tenma Việt Nam tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. Ảnh: Nguyễn Thắng

Hải quan khẳng định không có cơ sở hối lộ

Theo báo cáo bước đầu của Cục Hải quan Bắc Ninh cho thấy không phát hiện thấy sai phạm trong hoạt động kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Cty TNHH Tenma Việt Nam (Tenma Việt Nam).

Cụ thể, theo Cục Hải quan Bắc Ninh, Tenma Việt Nam đăng ký mã số thuế 2300319961, trụ sở tại lô E1, Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. Đây là doanh nghiệp chế xuất, được thành lập năm 2007 theo Giấy chứng nhận đầu tư của Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh các linh kiện đúc nhựa, lắp ráp và khuôn đúc. Công ty này đang làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Bắc Ninh, thuộc Cục Hải quan Bắc Ninh.

Cục Hải quan Bắc Ninh cho biết, từ năm 2017 đến nay, đơn vị này chỉ thực hiện 1 cuộc kiểm tra sau thông quan vào ngày 5/6/2017 tại trụ sở Tenma Việt Nam. “Việc kiểm tra nhằm đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan theo quy định, không phải kiểm tra dấu hiệu vi phạm”, Cục phó Cục Hải quan Bắc Ninh Phạm Chí Thành nói.

Cũng theo báo cáo của Cục Hải quan Bắc Ninh, tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác do Chi cục phó Chi cục Kiểm tra sau thông quan của cục này là ông Nguyễn Văn Phúc làm trưởng đoàn chưa phát hiện công ty vi phạm gì về pháp luật hải quan. Đoàn đánh giá Tenma Việt Nam tuân thủ pháp luật hải quan, thuế. 

“Các biên bản kiểm tra cũng ghi nhận trong quá trình làm việc, đoàn kiểm tra không sử dụng hay làm mất mát, hư hỏng tài sản của công ty này. Đồng thời, không gây cản trở hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ của doanh nghiệp. Hồ sơ kiểm tra sau thông quan hiện vẫn đang được lưu trữ đầy đủ và đúng quy định tại đơn vị”, báo cáo nêu rõ.

Việt Nam đang phối hợp với Nhật điều tra

Chiều 26/5, trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội về nghi vấn Công ty Tenma đưa hối lộ cho cán bộ, công chức thuế, hải quan, Đại tướng Tô Lâm cho biết: Phía Việt Nam đang phối hợp với Nhật điều tra. Hiện vụ việc đang được các cơ quan thanh tra thuế, tài chính kiểm tra, rà soát lại xem mức độ như thế nào để tiến hành các biện pháp khác. Bộ Công an đang phối hợp để nắm bắt tình hình.“Nhật là nơi xuất phát nguồn gốc thông tin của vụ việc, chúng ta phải có phối hợp quốc tế để điều tra tội phạm là tất nhiên rồi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Kiên - Dũng

Liên quan phản ánh của báo chí Nhật Bản, theo lãnh đạo Cục Hải quan Bắc Ninh, giải trình của đoàn kiểm tra sau thông quan cho thấy họ đã thực hiện đúng trách nhiệm được phân công, việc kiểm tra được thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật. “Trước, trong và sau khi kiểm tra, đoàn cam kết hoàn toàn không lợi dụng quyền hạn, không gây khó khăn phiền hà, không đòi hỏi gì và nhận bất kỳ lợi ích cá nhân gì khác từ công ty”, báo cáo của đoàn kiểm tra cho hay.

Trước đó, báo Asahi (Nhật Bản) đưa tin, 25 triệu yên (khoảng hơn 5 tỷ đồng) được lãnh đạo Cty Tenma cho phép chi trả, thực hiện qua 2 lần, nhằm để cơ quan thuế Việt Nam miễn giảm khoản truy thu thuế đối với công ty con tại Việt Nam.

Trong đó, số tiền đưa lần đầu vào tháng 6/2017. Lúc này, công ty chủ động đề nghị trả tiền mặt 2 tỷ đồng cho cán bộ điều tra thuế địa phương, kết quả được miễn khoản truy thu thuế giá trị giá tăng với mặt hàng nhập khẩu 1,79 tỷ yên (khoảng 400 tỷ đồng). Mặt hàng thuế này nếu đúng thì thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Hải quan Bắc Ninh.

Báo cáo Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính về thông tin này, Cục Hải quan Bắc Ninh khẳng định: “Không có cơ sở để kết luận việc Tenma Việt Nam được miễn khoản truy thu thuế giá trị gia tăng hay bất kỳ khoản thuế và phí nào đối với mặt hàng nhập khẩu, cũng như thông tin hối lộ tiêu cực như báo chí Nhật Bản đã phản ánh”.

Lý do được Cục Hải quan Bắc Ninh đưa ra là Cty Tenma Việt Nam là doanh nghiệp chế xuất (100% vốn đầu tư Nhật Bản), hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Tenma Việt Nam: đóng góp ngân sách hàng năm rất ít

Trả lời Tiền Phong về việc, hàng năm Tenma Việt Nam đóng góp cho nguồn thu thuế Hải quan bao nhiêu, ông Trần Thành Tô, Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh cho biết: “Doanh nghiệp chế xuất nên không phải nộp thuế nhập khẩu, không nộp thuế VAT (Hải quan quản lý), chỉ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (Cục Thuế Bắc Ninh quản lý). Hải quan chúng tôi không thu được đồng nào từ phía doanh nghiệp này”.

Trong khi đó, theo ông Ngô Xuân Tòng, Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh, Tenma Việt Nam hoạt động từ 2008. Tuy nhiên, vốn là doanh nghiệp chế xuất nên theo ông Tòng, Tenma Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi 15% trong vòng 12 năm đầu, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 3 năm và giảm 50% thuế TNDN phải nộp trong 7 năm tiếp theo. Do đó, số thuế Cục Thuế Bắc Ninh thu được từ phía công ty này hằng năm không đáng là bao.

Báo cáo của Cục Thuế Bắc Ninh cho thấy, đoàn kiểm tra năm 2019 chỉ truy thu 387,7 triệu đồng thuế TNDN do không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi. Do vậy, ông Tòng cho rằng, không có cơ sở nào để phía Tenma phải chi phí một khoản “lót tay” 3 tỷ đồng cho công chức ngành thuế như thông tin trên báo Nhật để được giảm khoản truy thu 17,8 tỷ đồng (khoảng 89 triệu yên) xuống còn 530 triệu đồng.

“Phía Tenma Nhật phải chứng minh được số tiền đó chi cho ai, ai cầm, ai sử dụng. Hiện Tổng cục Thuế đã gửi công hàm đề nghị cơ quan Thuế Nhật Bản cung cấp thông tin theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa hai nước để làm rõ”, Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh cho biết thêm.

Tenma hoạt động bình thường

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong tại Bắc Ninh ngày 26/5, công nhân Cty TNHH Tenma Việt Nam vẫn đi làm, công ty hoạt động bình thường.

Khoảng 7 giờ sáng, trời mưa to, tại Cty TNHH Tenma Việt Nam (Lô E, Khu công nghiệp Quế Võ thuộc xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, Bắc Ninh) hàng trăm công nhân từ các hướng đổ về làm việc.

Công ty này nằm gần Quốc lộ 18, có 3 cổng ra vào. Một bảo vệ của Cty TNHH Tenma cho biết, công ty có khoảng 2.000 công nhân. Mấy hôm nay, dù có thông tin về nghi vấn công ty hối lộ cán bộ, công chức Việt Nam, nhưng tất cả công nhân vẫn đi làm, công ty vẫn hoạt động bình thường.

Nguyễn Thắng

Những ai bị đình chỉ để điều tra?

Tổng cục Hải quan đã tạm đình chỉ Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh cùng 6 công chức thuộc đoàn kiểm tra. Tối 26/5, Tổng cục Hải quan đã có các quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 27/5/2020) đối với các trường hợp sau: Ông Trần Thành Tô, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh (người ký quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra sau thông quan) để tập trung tổ chức phục vụ đoàn Thanh tra Bộ Tài chính và rà soát, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Đoàn Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) và người đứng đầu liên quan trong việc KTSTQ đối với Công ty TNHH Tenma Việt Nam; Ông Dương Minh Khải, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan, trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh; Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ, trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh; Ông Vũ Quang Hà, Đội trưởng đội nghiệp vụ, Chi cục Hải quan Bắc Ninh; Ông Nguyễn Lưu Bình Trọng, công chức Chi cục Hải quan cảng nội địa Tiên Sơn; Bà Nguyễn Thị Hảo, công chức Văn phòng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh. 

Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với 5 người gồm một lãnh đạo và 4 công chức Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh có liên quan đến đoàn kiểm tra thuế theo QĐ số 2745/QĐ-CT ngày 21/8/2019 của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh. Bốn công chức gồm: Nguyễn Đức Tuấn, trưởng đoàn; Nguyễn Duy Cử, Nguyễn Thị Hoài Biên, Phạm Thị Thanh Tâm - thành viên.

T.N