Nghẹn đắng 10 vụ nghi bắt cóc, thôi miên và kiểu "thay trời hành đạo"

TPO - Từ tháng 2 đến nay đã có 10 vụ đánh người nghi là bắt cóc trẻ em - thôi miên lấy tiền, nhưng sự thật đã được xác minh từ phía công an thì những người này không hề bắt cóc trẻ em. Đáng tiếc trong nhiều vụ, người dân không tìm hiểu đã ra tay tàn nhẫn với nạ nhân theo kiểu 'thay trời hành đạo' gây bức xúc xã hội.
Bà Bảy và bà Phúc bị người dân ở Sóc Sơn hành hung vì nghi bắt cóc trẻ con.

Nguồn báo Pháp Luật TPHCM

Trước đó trên một fanpage dành cho giới trẻ, một hình ảnh được đăng tải khiến cho dân mạng dở khóc dở cười và không khỏi suy ngẫm về thực trạng bắt bớ, đánh nhầm những người bị tình nghi là bắt cóc trẻ.

Dòng chữ trên xe ô tô được lan truyền trên mạng xã hội.

Dân mạng cho rằng, dù hơi buồn cười nhưng cứ dán thông báo như vậy cho yên tâm để tránh gặp những trường hợp xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Bạn N.D.C bình luận: “Giờ cứ làm cái biển "TÔI KHÔNG PHẢI BẮT CÓC" rồi treo trước ngực cho an toàn. Có ốm đau, mua thuốc hay đơn thuốc gì đó thì nhờ dịch vụ shipper chuyển cho chứ đừng cầm ra đường”.

Sở dĩ xảy ra tình huống bi hài này là do trước đó, mọi người vẫn còn rùng mình khi hàng loạt các vụ người dân đánh hội đồng, đốt xe vì nghi bắt cóc trẻ em xảy ra trong thời gian vừa qua.

Liên quan đến việc 2 người phụ nữ bán tăm bị hành hung ở Sóc Sơn, 

sáng 26/7, bà Nguyễn Thị Phúc (SN 1965, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nạn nhân bị đánh cho biết, trưa 25/7, có 5 người phụ nữ tìm đến nhà bà và tự nhận là người thân của những người đã hành hung bà ở Sóc Sơn vì nghi bắt cóc trẻ con.

“Họ mang theo dây sữa, túi đường và 1 cái phong bì nói làm quà thăm hỏi và gửi lời xin lỗi. Họ có nói chuyện và yêu cầu gia đình rút đơn về để 2 bên tự giải quyết nhưng gia đình tôi không đồng ý”, bà Phúc chia sẻ.

Bà Phúc cho biết thêm, sáng 25/7, công an huyện Sóc Sơn cũng về trực tiếp nhà bà để làm việc và tiếp tục lấy lời khai. Gia đình bà cũng đã gửi đơn lên công an huyện Sóc Sơn để mong làm rõ sự việc.

“Tôi chỉ mong pháp luật sớm làm rõ sự việc để trả lại sự trong sạch cho chúng tôi. Những người gây ra vụ việc phải chịu sự trừng trị nghiêm của pháp luật để làm gương cho những người khác, không thể tự nhiên vô cớ hành hung chúng tôi rồi xin lỗi là xong”, bà Phúc bày tỏ mong muốn.

Trong khi đó, chị Trang (trú tại thôn Thái Phù, xã Mai Đình, một trong những người đăng tải sự việc nghi bắt cóc trẻ em lên facebook) cho hay, vào thời điểm gần trưa ngày 22/7, khi chị đang trông con ở nhà thì thấy có đông người tụ tập ở khu vực gần nhà. Thấy vậy, chị Trang liền ra xem có chuyện gì.

"Khi đó, tôi có hỏi hai cô này nếu các cô có giấy tờ liên quan đến việc bán tăm bỏ ra cho mọi người cùng biết. Tuy nhiên, hai cô này không bỏ các giấy tờ ra. Lúc đó, tôi có quay video khoảng hơn 5 phút thì sau đó gỡ xuống. Sau đấy, ông bà nội gọi về nhà trông con nên tôi chạy về. Sự việc về sau như thế nào tôi không nắm rõ.

Vì bản thân tôi cũng có 2 con nhỏ nên gia đình lúc nào cũng rất đề phòng. Mặc dù địa phương chưa bao giờ xảy ra việc bắt cóc trẻ em", chị Trang nói.

Liên quan đến việc nghi ngờ, chưa tìm hiểu kỹ đã bức xúc đánh người trong thời gian qua, trả lời báo chí, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45, Bộ Công an) khẳng định, hành vi đánh đập người phụ nữ bán tăm hay đốt xe ô tô vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em đều là hành vi trái pháp luật. 

“Người dân có quyền trình báo, bắt giữ người tình nghi bắt cóc trẻ em giao cho công an nhưng không được tự ý sử dụng vũ lực đánh người khác. Người bị tình nghi nếu phạm tội đã có pháp luật xử lý.

Hành vi “tự xử” của người dân là trái pháp luật, để lại hậu quả rất nghiêm trọng và có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự nơi công cộng…”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nói.

Thượng tá Hà Thị Hằng – Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP.Hà Nội cho biết, thời gian qua, Phòng PC50 phát hiện nhiều vụ việc tung tin thất thiệt lên mạng xã hội, trong đó có thông tin bắt cóc trẻ em.

Tuy nhiên, khi vào cuộc điều tra, Phòng PC50 đều phát hiện thông tin bắt cóc trên mạng xã hội đều là tin thất thiệt, không đúng sự thật.

“Mục đích những người tung tin thất thiệt là đưa thông tin giật gân nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng”, Thượng tá Hằng nói. 

Thượng tá Hằng đánh giá, ý thức với xã hội, với cộng đồng của nhiều người dùng mạng xã hội chưa nghiêm túc.

“Nhiều người dùng mạng xã hội cứ nghĩ rằng trang cá nhân của mình, mình thích nói gì thì nói mà không ý thức được mức độ lan tỏa thông tin trên mạng xã hội hiện nay rất lớn và gây ảnh hưởng xấu tới xã hội”, Thượng tá Hằng nói.

Phó trưởng Phòng PC50 Công an Hà Nội cho biết, theo quy định, cá nhân sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng. Mức phạt này sẽ tăng lên gấp đôi đối với tổ chức có hành vi tương tự.