Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lê Đại Thanh, nghệ sĩ nổi tiếng ở Hải Phòng đã dựng nên đoàn kịch Gió biển, vợ và các con của ông đều tham gia trong đoàn kịch, sau này, đặc biệt nhất là người con rể của ông, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Tiến chồng của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lê Mai đã có một thời chu du khắp bốn phương trong những ngày đất nước chìm trong chiến tranh, đến khi đất nước thống nhất, làm long trời lở đất với những vai diễn để đời trên sân khấu kịch.
Ba chị em ái nữ Lê Khanh, Lê Vân, Lê Vi con của NSND Trần Tiến và NSƯT Lê Mai, đều bước vào cánh cửa nghệ thuật và gặt hái thành công nhất định. Riêng ở lãnh địa sân khấu thì NSND Lê Khanh quả là một solist thứ thiệt, cho đến nay vẫn là gương mặt không thể thay thế.
NSND Lê Khanh.
Lê Khanh vẫn vậy, cổ kiêu ba ngấn, mắt cười, miệng cười, ăn mặc giản dị mà có gu, lui hui cắm hoa cỏ trong căn phòng nhỏ. Từ ngày lên chức Phó giám đốc Nghệ thuật Nhà hát Tuổi trẻ, Khanh có "dinh cơ" riêng nho nhỏ thôi nhưng mặc sức tung tẩy trang điểm, sắm sanh cho thế giới riêng của mình. Chị vừa nói chuyện vừa cắm hoa, chỉ là một ngày gửi xe bên trường học thấy đám cỏ xanh rì trồi lên những bông hoa li ti màu tím, đẹp đến ngỡ ngàng, lẩn quất ngay dưới chân, Lê Khanh cúi xuống hái mang về phòng cắm.
Loài hoa dại vào tay nữ nghệ sĩ lại trở nên quyến rũ đến kỳ lạ. Chị bảo, ở Việt Nam không thiếu những gia đình con dòng cháu dõi nhiều đời làm nghệ thuật, như Khanh đến với nghệ thuật là do được thừa hưởng gien di truyền từ nhiều đời, do được sống trong bầu không khí ăm ắp nghệ thuật, hít hà hương khói linh thiêng ấy, và cả sứ mệnh cao cả mà ông trời ban tặng thiên duyên để làm nghề. Ba cái đấy hội tụ lại mới có Lê Khanh hôm nay.
Ngày hôm nay Lê Khanh ngồi đây, qua câu chuyện những ký ức khi xưa quay về chầm chậm như thước phim sống động. Khanh nhớ về ông ngoại, cụ Lê Đại Thanh. Cụ là học sinh của Trường Bưởi khóa 1927-1932. Khóa đó, sau này nhiều người thành danh. Cụ đi theo con đường nghệ thuật ngay từ ngày đầu kháng chiến, lập đoàn kịch Gió biển, và cả đại gia đình từ cụ - nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lê Đại Thanh cho đến phu nhân là bà Đinh Ngọc Anh cũng tham gia vào diễn xuất, mấy người con của cụ hào hứng tưng bừng trên sân khấu. Kể từ ngày thành lập đoàn kịch thì ngôi nhà của cụ trở thành sân khấu, và sân khấu cũng là nhà.
NSƯT Lê Mai và NSND Trần Tiến.
Ngôi nhà là điểm đến đầu tiên, là đại bản doanh của những trí thức, văn nghệ sĩ từ xa đến với thành phố biển Hải Phòng. Ký ức đẹp đó đã in đậm dấu ấn trong trí óc của Lê Khanh ngay từ ngày thơ bé. Lê Khanh nhớ về ông ngoại, năm 80 tuổi ông vẫn một mình đạp xe bôn ba khắp nơi, vượt cả trăm kilômét đường trường thăm bạn bè và con cháu. Một lần ông đạp xe từ Hải Phòng lên Hà Nội, dừng xe trước cửa ngôi nhà số 20 phố Phan Đình Phùng, Lê Khanh chạy ra mừng quýnh khi nhìn thấy ông ngoại. Ông âu yếm đứa cháu nhỏ, rồi dựng xe bên cây cột đèn, rút trong túi một chiếc khăn mùi xoa, buộc vào chiếc xe đạp.
Lê Khanh ngạc nhiên hỏi ông: "Ông ơi, sao ông lại buộc chiếc khăn mùi xoa vào xe để làm gì đấy ạ?". Ông ngoại trả lời cháu: "À, ông khóa xe". Lê Khanh nói, chỉ có tâm hồn nghệ sĩ đích thực, lãng mạn, chân thành, mộng mơ, bay bổng, thoát tục mới thi vị cuộc sống đến như thế. Ông ngoại ở chơi với con và các cháu, Lê Khanh nũng nịu hỏi ông: "Ông đi xe đạp hàng trăm cây số thế này mà không mệt, không ngại ạ?".
Ông ngoại nhẹ nhàng cười nhìn cháu: "Ông tuổi già đi dài thế thì cũng có mệt, nhưng lúc nào mệt ông lại dựa vào thân cây nghỉ, hết mệt thì ông đi tiếp có sao đâu?!". Và, rồi ông lại lên đường trên chiếc xe đạp cà tàng khuất dần tầm mắt của đứa cháu ngoại.
Năm 1971, 1972 chiến tranh ác liệt nhất, Hà Nội đi sơ tán, ngày đó, nghệ sĩ Lê Mai là diễn viên của Nhà hát kịch Hà Nội, nên bám trụ lại Hà Nội phục vụ đồng bào. Mỗi lần nghe thấy tiếng còi báo động là vội chạy xuống hầm trú ẩn. Gọi là trú ẩn nhưng thành quen cũng chẳng thấy có gì là sợ.
Nghệ sĩ Trần Tiến là diễn viên của Nhà hát kịch Trung ương. Lê Vân được gửi vào trường múa, Lê Khanh, Lê Vi theo bố cùng với đoàn kịch đi sơ tán. Khanh nhớ ngày sơ tán về vùng Tam Nông, Vĩnh Phú, Khanh 9 tuổi, Vi mới lên 5, hình ảnh về người cha, một chàng trai Hà Nội dáng thư sinh, mái tóc bồng bềnh, là con út trong gia đình bố mẹ mất sớm, được anh chị cưng chiều. Đến khi lấy vợ, được vợ đảm đang lo toan việc nhà, ngày đi tản cư chỉ có ba cha con với nhau, lúc này chàng trai Hà Nội ấy mới thể hiện sự khéo léo, tần tảo. Sáng dậy sớm be bờ, ngăn mương để bẫy cá, làm hàng rào bằng tre nứa quây lại đắp đất xây chuồng gà. Những chú gà sinh sôi nẩy nở để mấy cha con có đồ ăn tươi.
NSND Lê Khanh.
Những ngày mưa xuống, đoàn kịch trung ương đi tản cư gồm nghệ sĩ Thế Anh, gia đình nghệ sĩ Đoàn Dũng, vợ nghệ sĩ Doãn Châu, Phát Triệu, Hà Văn Trọng… cùng đánh thức nhau dậỵ. Tiếng gọi nhau í ới, bọn trẻ mắt nhắm mắt mở, cũng dậy theo bố mẹ. Mọi người xắn quần lội bì bõm, vồ ếch, bắt rắn, vui như hội. Chiến tranh với tiếng súng nổ, bom dội không ngăn được sự lạc quan sáng tạo của những người nghệ sĩ.
Trước khi đi tản cư, nghệ sĩ Trần Tiến đã nổi danh là một cây hài quen thuộc của Nhà hát kịch Trung ương, nhưng lần này ông lại được giao đóng vai Paven Coocsaghin, một nhân vật đầy ắp chất trữ tình, chất thơ. Mọi người trong đoàn kịch trêu ông: "Cẩn thận không Paven Coocsaghin lại thành Paven cóc ra gì". Khi ấy Trần Tiến chỉ cười.
Mỗi khi xem vở diễn trên sân khấu, Khanh cùng với đám trẻ lại đứng lấp ló ở cánh gà, mới 9 tuổi không hiểu gì lắm nhưng cứ thấy đoạn Paven và Tanhia nói chuyện với nhau về lý tưởng, về tình yêu sao mà da diết, thấy sao mà bố mình diễn hay đến thế, thế là Lê Khanh thút thít khóc vì xúc động. Khanh nói mọi người cứ bảo ông Trần Tiến là cây diễn hài nhưng khi xem ông diễn chính kịch, kịch tâm lý, bi kịch thì mới bộc lộ hết được sự tài hoa của ông.
Một lần khác ba cha con lại cùng đoàn kịch đi tản cư ở ngoại thành Hà Nội, mẹ Lê Mai ở lại Đoàn kịch Hà Nội, hay tin ba cha con đến vùng đang có bệnh phong. Chiều hôm đó, đang ở bên cha, nhìn thấy mẹ đạp xe đến, mẹ bảo vùng này có phong, hai con về với mẹ cho mẹ yên tâm. Vân thì nhân khẩu ở trường múa. Vi lúc đấy bé quá, thấy mẹ đến lũn cũn theo mẹ luôn.
Bố nói với Lê Khanh: "Con đi bố ở lại một mình buồn lắm, con ở lại với bố, chiều bố cho con ra sông tắm". Khanh thương cha, xin mẹ ở lại. Vi nhỏ xíu theo mẹ về. Mẹ đặt Vi vào giỏ đan bằng tre buộc đằng sau xe đạp, đạp xe lóc cóc đưa Vi về. Khanh nhìn theo bóng mẹ và em xa dần rồi khuất hẳn sau những hàng cây, quay vào nhà bố đưa Khanh ra ao làng, bế Khanh cho ngồi lên vai, rồi hai cha con lội xuống ao trẻ con làng phong vẫn hay ra đấy tắm. Ngày bé, cũng chả sợ gì, chỉ thấy vui, vậy là cả người, cả trâu, bò cùng bì bõm trong ao.
Những năm tháng chiến tranh, những vở kịch đều viết về đề tài chiến tranh phục vụ hậu phương hướng ra tiền tuyến. Ngày tản cư ở làng phong, nghệ sĩ Trần Tiến đóng một vai trong vở kịch "Lửa hậu phương", còn bé nhưng Khanh đã cảm nhận được nỗi niềm nhân vật, cứ mỗi lần trên sân khấu, thấy bố đóng vai anh bộ đội đọc thư của người vợ trước khi mất là nước mắt của Khanh rơi. Nghệ thuật ươm mầm hun đúc, những vai diễn của cha trên sân khấu kịch đã ngấm dần kết tinh vào cô con gái bé bỏng, để rồi sau đấy tình yêu sân khấu, vai diễn cứ ngày một lớn dần trong cô để trở thành nghiệp, thành duyên, thành định mệnh với nghề.
Hết theo đoàn Nhà hát kịch Trung ương đi sơ tán với bố lại theo Nhà hát kịch Hà Nội đi lưu diễn cùng mẹ, Khanh bảo vừa mới hôm qua, Khanh còn ngồi với mẹ, hát vanh vách vở kịch thơ "Lam Sơn tụ nghĩa" cho mẹ nghe. Mẹ giật mình bảo: "Làm sao đến hơn 40 năm rồi mà con vẫn còn nhớ?". Khanh chỉ tủm tỉm cười: "Vì lúc đó ngày nào con cũng thấy mẹ diễn vở kịch thơ đó. Mẹ đóng vai mẹ cô lái đò, đến đoạn xúc động, mẹ hát là giọng lại bị nghẹt mũi…".
Những vai diễn của bố, mẹ, Khanh nghe đi nghe lại, thuộc từng lời thoại, nhớ từng cử chỉ, điệu bộ. Khanh coi đấy như đồ hàng, đồ chơi, rồi diễn lại với các bạn cùng trang lứa. Đời sống tinh thần ăm ắp màu sắc ấy đã nuôi dưỡng Lê Khanh, cho cô cảm nhận nghệ thuật sân khấu một cách tinh vi nhất và cũng sâu sắc bản lĩnh nhất.
Cả cuộc đời nghệ thuật với nghề diễn viên Lê Khanh cống hiến hàng chục vai chính trên sân khấu, hàng chục vai chính trên phim trường, ở lĩnh vực nào cũng thu được thành quả đáng nể, vậy mà Khanh chỉ có một lần duy nhất được diễn cùng với cha và cũng một lần được đóng cùng mẹ.
Trong ba chị em gái, chị cả Lê Vân may mắn hơn cả, đã hai lần được đóng cùng với cha, NSND Trần Tiến trong bộ phim “Tự thú trước bình minh” và “Thằng Bờm”. Cả hai bộ phim đó đều được ghi hình nên lưu lại để gia đình làm tư liệu sau này, còn ngày Lê Khanh được đóng chung với cha vở kịch sân khấu truyền hình năm 1973, kỹ thuật lúc đó còn nghèo nàn, hai cha con diễn một vở kịch về đề tài chiến tranh. Trần Tiến đóng vai ông, Lê Khanh lúc đó mới 10 tuổi đóng vai cháu. Diễn đến đâu, đạo diễn cho quay ghi hình trực tiếp phát lên đài tới đó, không còn bản lưu giữ để sau này làm tư liệu.
Với mẹ NSƯT Lê Mai, mãi đến năm 1990, trong một lần sang Tiệp Khắc lưu diễn, Khanh được đóng chung sân khấu với mẹ vở kịch “Ngôi nhà trên thiên đường”. Tuy đứng trên sân khấu cùng cha và mẹ ít như vậy nhưng tất cả những ký ức về cha và mẹ làm nghề của những ngày thơ bé, Khanh đều ghi khắc trong lòng. Khanh bảo cho đến giờ chị vẫn nhớ như in dáng dấp thư sinh, mái tóc bồng bềnh của cha khi lên sân khấu, đài từ của cha rất hay, rất độc đáo, cách diễn lôi cuốn, giọng nói dẫn dụ. Chả vậy mà nhiều năm liền cha chị là người không thể thay thế khi đọc chuyên mục: Kể chuyện cảnh giác trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Với nghề diễn viên, cái chất trữ tình tài hoa của NSND Trần Tiến trên sân khấu khiến cho khán giả rưng rưng xúc động, và từ những câu chuyện tình cờ của hai cha con trong những năm tháng chiến tranh, những lần rời thủ đô Hà Nội đi sơ tán, chính ông đã là người thả hồn nghệ thuật bay bổng, mơ mộng và khoáng đạt vào cô con gái Lê Khanh, để rồi gieo vào cô con gái bé nhỏ một giấc mơ nghệ thuật, nơi sân khấu là thánh đường.