Nghệ sĩ Chiều Xuân, Lan Hương chia sẻ xúc động khi tiễn biệt NSƯT Quang Thái

TPO - Có mặt trong tang lễ của nghệ sĩ Quang Thái - trùm Tư Chung phim "Biệt động Sài Gòn", NSƯT Chiều Xuân, NSND Lan Hương và NSND Doãn Châu đã có những chia sẻ đầy xúc động về cố nghệ sĩ.

NSƯT Chiều Xuân: “Một nghệ sĩ ra đi thì đồng nghĩa với việc một dấu ấn cũng mất đi”

NSƯT Chiều Xuân trong tang lễ NSƯT Quang Thái vào chiều 21/6 tại Nhà tang lễ Quốc gia (Ảnh: Mạnh Thắng).

"Thật ra biết rằng ai rồi cũng phải ra đi, nhất là khi đã hơn 80 tuổi như chú Quang Thái; nhưng khi nghe bất cứ cô chú nào của Nhà hát Kịch cũng như các nghệ sĩ là đồng nghiệp mà tôi luôn ngưỡng mộ và đã từng làm việc chung ra đi thì tim rất nhói đau.

Với nghệ sĩ, mỗi người sẽ có một dấu ấn riêng dù lớn hay nhỏ, cho nên khi một người nghệ sĩ ra đi thì đồng nghĩa với việc một dấu ấn cũng mất đi khiến tôi vô cùng tiếc nuối.

Với chú Quang Thái, sau khi về hưu chú vẫn tiếp tục diễn mà sự nhiệt huyết với nghề của chú thì lớp diễn viên trẻ không thể nào theo kịp; lúc nào chú cũng trong trạng thái dốc hết lòng, hết sức để biểu diễn. Tôi may mắn từng được diễn khá nhiều vở lớn với chú, đó là một vở của Molière, hai vở của Pháp và vở “Giấc mộng đêm hè”. Chú Quang Thái mỗi lần xuất hiện trên sân khấu đều khiến mọi người cười một cách “điên cuồng” tại vì chú nói câu gì đều khiến mọi người tin hoàn toàn rằng câu chuyện sẽ như thế".

NSND Lan Hương: “Trong mắt tôi từ lâu đã coi chú Quang Thái là một nghệ sĩ nhân dân”

 
NSND Lan Hương rơi nước mắt khi viết lời tạm biệt cố nghệ sĩ Quang Thái (Ảnh: Mạnh Thắng)

"Chú Quang Thái chính là người đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới của tôi và anh Đỗ Kỷ. Trước đây thì chú cũng chính là đoàn trưởng của tôi bởi lúc đó Nhà hát Kịch có hai đoàn và tôi thuộc đoàn của chú ấy nên hai chú cháu thường xuyên đi công tác với nhau cũng như diễn với nhau rất nhiều vở. Có những lần đi diễn rất thuận lợi nhưng có những chuyến đi vì nhiều yếu tố chủ quan và khách quan mà công việc rất khó khăn nhưng chú Thái luôn là người đem lại năng lượng tích cực cho lớp diễn viên chúng tôi khi ấy. Những lúc “nếm mật nằm gai” hay những lúc chiến thắng, vinh quang chú cháu đều có nhau nên nếu nói về chú Quang Thái khì không phải kỉ niệm mà đó là kí ức hằn sâu không thể quên được.

Trong thời gian chú còn công tác, tôi được chú dìu dắt và động viên rất nhiều, đồng thời chú cũng theo dõi rất sát xao sự tiến bộ của tôi và anh Đỗ Kỷ, mỗi vở tôi diễn, chú đều xem và phát biểu rất khắt khe, chính vì thế mà tình cảm của tôi dành cho chú cũng rất khác. Do đó tôi và anh Đỗ Kỷ có tình cảm rất sâu nặng với chú Quang Thái, kể cả việc tôi được phong NSƯT ở Nhà hát Kịch cũng là nhờ chú động viên rất nhiều.

Thời gian chú bị bệnh, tôi cũng không có nhiều điều kiện để thăm hỏi và động viên chú nhưng tình cảm dành cho chú thì nó còn mãi và không bao giờ có thể quên được chính vì thế khi chú mất tôi rất là buồn (khóc). Phải nói rằng chú Quang Thái rất nhân hậu, chú không bao giờ làm điều gì quá đáng hay quá dữ dội với ai cả và điều đó cho thấy tính cách nghệ sĩ trong con người chú rất lớn; đó là một nhân cách đáng phải học tập.

Trong mắt tôi từ lâu đã coi chú Quang Thái là một nghệ sĩ nhân dân (NSND) vì tài năng của chú không ai có thể phủ nhận được. Chú là một diễn viên đặc biệt bởi có những vai nếu chú đã diễn rồi thì người khác không thể diễn được nữa vì không thể diễn hay được như chú. Chú cũng có thể hóa thân vào rất nhiều dạng vai khác nhau nên chú thành công cả ở lĩnh vực sân khấu lẫn điện ảnh khi đều có những vai diễn đóng đinh và chú thực sự là một nghệ sĩ của nhân dân.

Tôi nghĩ rằng chú Quang Thái thiệt thòi khi về hưu mới là NSƯT và khi chú lâm bệnh thì tôi rất muốn đề nghị xét tặng danh hiệu NSND cho chú nhưng mà do một số điều kiện và nguyên nhân khác nhau nên việc này chưa thể thành hiện thực. Tuy nhiên trong mắt tôi, trong mắt tất cả diễn viên Nhà hát Kịch và nhiều khán giả thì chú Quang Thái là một nghệ sĩ nhân dân nhiệt huyết và tài năng".

NSND Doãn Châu “anh Quang Thái chính là hình tượng lao động nghệ thuật”

NSND Doãn Châu trong tang lễ của nghệ sĩ Quang Thái (Ảnh: Mạnh Thắng)

"Năm 1961, khi tôi về Nhà hát Kịch Việt Nam thì anh Quang Thái đã ở đây được 2 năm rồi, trước đó tôi thuộc lứa nghệ sĩ khóa I trường Sân khấu Điện ảnh cùng với Thế Anh, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang, Uông Bí Dung, Tuyết Thu, Kim Thư,…– đó là những người sau này trở thành thế hệ vàng của sân khấu Việt Nam. Khi còn đi học chúng tôi đã từng đi xem anh Quang Thái biểu diễn ở Nhà hát lớn và ngưỡng mộ anh ấy lắm, nhìn lên hình ảnh Quang Thái lồng lộng mà ao ước vì anh diễn hay vô cùng và mong muốn một ngày nào đó tôi sẽ được đứng trên sân khấu cùng với anh.

Mong muốn thành hiện thực, năm 1964, tôi được về Nhà hát Kịch và bắt đầu được sinh hoạt cùng anh Quang Thái cũng như được đóng với anh trong rất nhiều vở như “Vụ án người đốt đền”, “Đôi mắt”, …Đồng thời trên mọi bước đường của cuộc sống hay công việc chúng tôi đều có nhau. Có thể nói nếu vai nào anh Quang Thái đã diễn rồi thì khó có người nào có thể diễn được nữa mà có diễn được thì phải xếp sau anh.

Quang Thái (ngồi) và Doãn Châu trong vở "Đôi mắt" (1972).

Cho nên đối với anh Quang Thái, khi anh ra đi thì tôi rất xúc động mà nói rằng anh là một hình tượng, một người anh, một tấm gương mẫu mực cho giới sân khấu nói chung và nhất là giới trẻ làm nghệ thuật nói riêng. Đồng thời, anh Quang Thái chính là hình tượng lao động nghệ thuật để cho các thành viên của Nhà hát kịch sau này noi theo và xây dựng Nhà hát Kịch sao cho xứng đáng.

Từ khi còn là giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu tôi vẫn luôn có một nguyện vọng là đề nghị Nhà nước xem xét phong tặng danh hiệu NSND đối với trường hợp của anh Quang Thái, nhưng bởi vì cơ cấu xét thưởng danh hiệu của chúng ta nó còn một số vấn đề nên việc này chưa thể thành hiện thực. Tuy nhiên hiện giờ có thể thấy có những nghệ sĩ không có huy chương nào mà vẫn được xét tặng như cố nghệ sĩ Y Moan, anh Y Moan rất xứng đáng và phải trao danh hiệu NSND cho anh ấy; do đó nếu anh Y Moan được thì anh Quang Thái cũng phải được; rồi các nghệ sĩ khác như Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, …cũng thế, nhưng xét về công lao đóng góp cho nghệ thuật thì tôi thấy họ rất xứng đáng và anh Quang Thái cũng vậy.

Tôi thấy vấn đề này phải được xem xét lại nếu không thì nhiều nghệ sĩ thiệt thòi quá, anh Quang Thái đã ra đi và danh hiệu có thể cũng không cần đến nữa nhưng đó là một bài học cho những người ở lại. Bởi vì không riêng gì anh Quang Thái mà còn rất nhiều nghệ sĩ cống hiến âm thầm và chịu nhiều thiệt thòi".

NSƯT Quang Thái tên đầy đủ là Bùi Quang Thái, sinh năm 1937 tại Hải Phòng. Ban đầu ông xin vào Xưởng phim truyện Việt Nam, sau đó bắt đầu công tác tại Đoàn Kịch nói trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam). Ông nguyên là Trưởng Đoàn biểu diễn 2 của Nhà hát Kịch Việt Nam. Quang Thái là thế hệ nghệ sĩ thứ hai của Nhà hát cùng thời với loạt tên tuổi như Đào Mộng Long, Song Kim, Trúc Quỳnh, Mạnh Linh.

Ông gắn bó với loạt vai trong các vở diễn châu Âu như: Sergei trong “Câu chuyện Lec scut Ranf”, trong “Hòn đảo thần Vệ nữ”, Phêđô trong “Tập nhật ký bỏ quên”, Petypon trong “Ả cave nhà hàng Macxim”, Tixafe trong “Vụ án người đốt đền”, Bottom trong “Giấc mộng đêm hè”. Quang Thái cũng góp mặt trong nhiều vở diễn kinh điển trong nước như: “Đôi mắt”, “Bão biển”, “Đêm mưa”,” Tay súng quân dân”. Năm 45 tuổi, Quang Thái nổi đình nổi đám ở lĩnh vực điện ảnh với vai trùm tình báo Tư Chung trong "Biệt động Sài Gòn.

NSƯT Quang Thái mất lúc 21h30 tối 17/6, hưởng thọ 83 tuổi. Lễ viếng từ 13h30 tới 15h chiều 21/6 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, sau đó được hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn vũ, an táng tại Thị trấn Trôi (Hoài Đức, Hà Nội). Cố nghệ sĩ Quang Thái sẽ được hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ và an táng tại thị trấn Trôi, Hoài Đức, Hà Nội.