Nghề làm bánh chưng truyền thống "kêu trời"

TP - Nghề làm bánh chưng truyền thống đang teo dần do sức mua giảm mạnh. Nhiều cơ sở làm bánh mắc ở giấy chứng nhận an toàn thực phẩm nên khó đưa bánh vào siêu thị, cửa hàng lớn…
Làm bánh chưng ở làng Tranh Khúc. Ảnh: Quỳnh Nga

Khách đặt bánh giảm mạnh

Những ngày cận Tết, làng bánh chưng truyền thống Tranh Khúc (xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) nhộn nhịp xe chở lá dong tươi, gạo nếp, đỗ xanh ra vào. Tuy nhiên, khác với năm trước, lượng bánh đặt mua năm nay giảm mạnh.

Anh Nguyễn Văn Ninh cho biết, lượng khách đặt bánh Tết năm nay giảm gần 50% so năm ngoái. Gia đình anh Ninh những năm trước mỗi năm nhận các đơn hàng tổng cộng 4.000-5.000 chiếc.

Theo anh do khách mua giảm, giá gạo nếp, đỗ xanh tăng 5.000 -7.000 đồng/kg, giá nhân công cũng tăng, nên nhiều hộ làm bánh chưng ở Tranh Khúc không mặn mà với nghề. Hiện, giá bánh chưng 40.000-50.000 đồng/chiếc, tùy kích cỡ, tăng khoảng 4.000-5.000 đồng/chiếc so năm ngoái.

“Có gia đình gửi bánh vào siêu thị với đầy đủ nhãn mác. Tuy nhiên, cơ quan chức năng kiểm tra lại thiếu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, nên đã bị phạt vi phạm hành chính”.

Bà Lý Thị Thiệp, trưởng thôn Tranh Khúc

Tại phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội), nơi có nhiều hàng bán bánh chưng, giò chả, nhiều chủ cơ sở làm bánh cũng “kêu trời” vì đơn đặt hàng ít, bánh bán chậm. Chủ cửa hàng bánh Kim Chung nói: “Đến thời điểm này, rất ít người đặt bánh Tết, ế lắm, kinh tế khó khăn mà”.

Theo bà chủ này, giá bánh chưng và giò chả năm nay cũng tương tự năm ngoái, vì đây là mặt hàng truyền thống. Hiện giá bánh chưng loại nhỏ 40.000 đồng/chiếc, loại to 60.000 đồng/chiếc; giò lụa khoảng 200.000 đồng/kg. Năm nay, khách chủ yếu đặt loại nhỏ, vừa tiền, loại to gần như chưa có ai đặt.

Tại cửa hàng Đức Minh, bà Bùi Thị Sinh, chủ cửa hàng, nói rằng, năm nay, nhiều người đặt bánh chưng loại 40.000 -50.000 đồng (1-1,3 kg) để thờ cúng, còn loại 60.000 đồng (khoảng 2-2,5 kg) trông to đẹp, thường dùng để làm quà biếu, nhưng chất lượng cũng như nhau.

Theo bà Sinh, giá cả năm nay không tăng nhiều, lượng khách của Đức Minh vẫn ổn định như năm ngoái. Thời điểm giáp Tết, cửa hàng bà Sinh mỗi ngày bán khoảng 200 chiếc bánh chưng, 100 kg giò chả, chủ yếu là giò lụa và giò bò.

Thiếu “giấy thông hành”

Bánh chưng truyền thống Tranh Khúc nổi tiếng lâu nay, không chỉ phục vụ thị trường Hà Nội, TPHCM mà còn được xuất khẩu phục vụ kiều bào. Nhiều gia đình nấu bánh ở Tranh Khúc còn đầu tư thiết bị hiện đại như hệ thống nồi hơi, nồi inox đun bánh, máy hút chân không giúp bảo quản tốt hơn.

Theo các hộ làm bánh ở Tranh Khúc, bánh chưng làm ra chủ yếu bán cho các cửa hàng nhỏ, người bán buôn, bán lẻ ở các chợ trong nội thành Hà Nội. Một vài gia đình có đầu mối đưa bánh vào cửa hàng, siêu thị lớn.

Tuy nhiên, phần lớn gia đình làm bánh ở Tranh Khúc hiện thiếu “giấy thông hành” để đưa bánh vào siêu thị và các đầu ra khác. Đó là chứng nhận về an toàn thực phẩm (ATTP).

Anh Nguyễn Hồng Hiệp, người làm bánh ở Tranh Khúc, nói: “Mỗi năm, gia đình tôi làm một vạn chiếc bánh chưng. Nhưng chủ yếu là bán cho cửa hàng, những người bán giò chả trên các chợ ở Hà Nội. Tôi cũng rất muốn được nhập bánh vào các siêu thị, cửa hàng lớn, nhưng thủ tục, giấy tờ xin làm chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP gặp nhiều khó khăn nên đành chịu”.

Hiện số cơ sở có giấy chứng nhận vệ sinh ATTP ở Tranh Khúc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo anh Đoàn, chủ cơ sở Diệu Linh được cấp giấy chứng nhận, cho biết, mỗi năm, gia đình anh gói hai vạn chiếc bánh chưng nhập vào các siêu thị lớn như Big C,… Tuy nhiên, việc xin giấy chứng nhận gặp khá nhiều khó khăn, do thủ tục rườm rà.

Theo một số hộ làm bánh ở Tranh Khúc, nhiều khách đặt mua bánh, nhưng do không có giấy chứng nhận vệ sinh ATTP, nên đành nhận hợp đồng và gửi mua của gia đình có giấy chứng nhận. “Vì vậy, giá cả tăng lên và nguồn bánh không được ngon như chính gia đình mình làm”, một hộ làm bánh nói.

Bà Lý Thị Thiệp, trưởng thôn Tranh Khúc, cho biết, cả thôn có khoảng 100 hộ làm bánh, hầu hết các hộ đều đã được học qua lớp tập huấn về vệ sinh ATTP và được cấp giấy chứng nhận khóa học. Những năm trước, có một số gia đình đưa bánh chưng vào các siêu thị.

Tuy nhiên, năm nay, do khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đảm bảo vệ sinh ATTP, nên khá nhiều gia đình đã bỏ lỡ mất cơ hội này. Khó khăn chủ yếu là nguyên liệu đến từ nhiều nguồn dẫn tới khó xác nhận, người xin giấy phải đi lại nhiều để hoàn thiện và nộp các giấy tờ liên quan.