Con trai của bà năm nay 37 tuổi, kết hôn từ năm 2005, nhưng vẫn sống cùng nhà với mẹ. Ở cái tuổi đáng ra được an nhàn nghỉ hưu, bà Kim vẫn phải làm việc vì con bà không thể trả nổi tiền học cho con trai.
Bà Kim làm lao công trong một tòa nhà văn phòng ở Seoul với mức lương 1.5 triệu won (tức khoảng 30 triệu đồng). Bà phải chi hơn một nửa tiền lương cho các lớp học thêm của đứa cháu trai 10 tuổi, phần còn lại dành cho các chi phí cá nhân. Bà kể: "Tôi không dám bỏ việc vì con trai tôi làm bán thời gian với mức lương thấp và công việc bấp bênh, còn con dâu thì ở nhà nội trợ."
Con trai bà chính là một thành viên của “thế hệ kangaroo”, gồm những người không thể tìm được công việc ổn định ở độ tuổi ngoài 20 – 30 nhưng vẫn lập gia đình và chọn “an cư” trong chính ngôi nhà của cha mẹ.
Ngày càng có nhiều người Hàn Quốc là thành viên của thế hệ kangaroo, nghĩa là họ đã học xong và đủ tuổi để tự ra ngoài nhưng không tìm được việc làm và vẫn phụ thuộc tài chính vào cha mẹ. Điều này có nghĩa là, cuộc khủng hoảng công việc đang khiến nhiều người trẻ càng khó rời khỏi “tổ” của mình hơn.
Kết quả một cuộc khảo sát năm 2015 do Cục Thống kê Hàn Quốc công bố cho thấy 31,6% người Hàn Quốc từ 60 tuổi trở lên đang sống cùng con cái. Lý do phổ biến nhất của điều này, được 34,2% số người được hỏi đưa ra - là con cái của họ không thể tự kiếm sống. Con số này tăng so với 2 năm trước, vào năm 2013, khi đó là 29,3%.
"Rất nhiều người đến tuổi trưởng thành, dù có việc làm hay không, cũng không có ý định chuyển ra ngoài sống do chi phí thuê nhà và sinh hoạt đắt đỏ,” Kim Yu-kyung, một nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe và Xã hội Hàn Quốc cho biết.
Các chuyên gia kinh tế nhận xét một khi họ bước sang độ tuổi ngoài 30, việc thay đổi cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn, và cuối cùng nhiều người phải sống dựa vào thu nhập và lương hưu của cha mẹ.
Sự cạnh tranh khốc liệt về việc làm, đặc biệt là các vị trí được ưa thích tại các công ty lớn, làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên. Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Standard Chartered Hàn Quốc cho biết, sự cạnh tranh làm cho sinh viên mới tốt nghiệp càng khó tìm được việc làm và buộc phải trở thành thành viên của “thế hệ kangaroo”.
Tháng 11/2014, tỉ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc ở những người từ 15-29 tuổi là 8,2%.
Ngay cả khi có công việc lương cao, số người trưởng thành chọn sống với cha mẹ vẫn ngày càng tăng. Họ muốn tiết kiệm để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và suy thoái kinh tế kéo dài.
Claire Lee, 39 tuổi, là giám đốc bộ phận logistics của Tập đoàn Swatch Group AG tại Hàn Quốc. Cô có lý do chính đáng để vẫn sống với bố mẹ ở Ilsan, ngay phía tây bắc Seoul.
"Tôi không tìm thấy lý do thuyết phục nào để ra ở riêng. Cha tôi vẫn đi làm và mẹ tôi nội trợ. Tôi có thể tiết kiệm tiền và lên kế hoạch cho cuộc sống của mình sau khi nghỉ hưu", cô gái tự nhận là thành viên của “thế hệ chuột túi” cho biết.
Choi Moon-a, một giáo viên tiếng Anh, gần đây đã ký hợp đồng hai năm để thuê một căn hộ ở khu thượng lưu Ichon-dong ngay trung tâm Seoul, cùng khu phố nơi cha mẹ cô sống, kết thúc cuộc sống chung với cha mẹ kéo dài 45 năm.
"Nếu điều kiện cho phép, lựa chọn thực tế nhất là sống với cha mẹ cho đến khi sẵn sàng về tài chính để rời khỏi tổ ấm", cô nói.
Điều này đã dẫn đến sự gia tăng ổn định số lượng các bậc cha mẹ như bà Kim, phải hoãn việc nghỉ hưu để giúp con cái đang gặp khó khăn về tài chính, ngay cả sau khi chúng đã kết hôn và đi làm.
Nhiều người nghỉ hưu ở độ tuổi 50 và 60 tiếp tục làm việc bán thời gian hoặc tự kinh doanh.
Trong báo cáo của mình, SC Bank Korea cho biết tỉ lệ có việc làm của những người ở độ tuổi 50 (76,05%) còn cao hơn ở những người dưới 30 tuổi (57,65%) trong giai đoạn 2014-2015.
Báo cáo này nhận định: “Đây là một vòng luẩn quẩn. Xu hướng này tiềm ẩn nguy cơ khiến cha mẹ già ở lại lực lượng lao động lâu hơn để hỗ trợ con cái thất nghiệp, dẫn đến ít cơ hội việc làm hơn cho những lao động trẻ”.
Tuy nhiên, không phải tất cả cha mẹ già đều có nguyện vọng sống cùng những đứa con đã trưởng thành. 75,1% những người từ 60 tuổi trở lên được hỏi cho biết họ không muốn sống chung với con cái. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với năm 2009, khi đó là 62,9%.