Công bố kết quả thi ở 120 cụm
Thứ trưởng Ga cho biết, năm nay, sau khi chấm xong theo quy định trước ngày 20/7, các trường, địa phương, đại học chủ trì chấm thi sẽ gửi kết quả đến Bộ GD&ĐT.
Cũng theo Thứ trưởng Ga, điểm mới của ký thi THPT quốc gia năm nay là các Hội đồng thi công bố kết quả sau khi đã hoàn tất công tác chấm thi và đối sánh giữa kết quả thi lưu tại Hội đồng với kết quả thi được cập nhật vào hệ thống quản lý thi THPT quốc gia.
Cũng theo Thứ trưởng, để đảm bảo không xảy ra nghẽn mạng khi thí sinh truy cập kết quả thi, Bộ đã lưu ý các cụm thi làm việc với các đơn vị cung ứng dịch vụ viễn thông, ưu tiên đường truyền tại thời điểm công bố kết quả thi.
Giảm chi phí do hồ sơ ảo
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá kỳ thi THPT quốc gia đã kết thúc tốt đẹp. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 có 887.404 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó cso 286.123 thí sinh đăng ký chỉ để xét công nhận tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ 32%, tăng 4% so với năm 2015); 519.513 thí sinh đăng ký vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm tỷ lệ 59%, tương đương năm 2015).; 81.801 thí sinh đăng ký chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ (chiếm tỷ lệ 9%, giảm 4% so với năm 2015).
Cũng theo thứ trưởng Ga, so với các năm từ 2014 về trước có gần 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ ở 3 đợt thi và khoảng 20% thí sinh tốt nghiệp THPT không dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Điều đó đã khẳng định hiệu quả của công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia trong việc phân luồng học sinh, giảm chi phí do hồ sơ ảo.
Bộ GD&ĐT đã thành lập 14 đoàn thanh tra, kiểm tra do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các thứ trưởng đi đến nhiều địa phương , bám sát tình hình tổ chức kỳ thi ở các vùng trong cả nước, đặc biệt là những cụm khó khăn, những địa phương lần đầu tổ chức Kỳ thi.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá, số thí sinh đến dự thi rất cao. Trong đó, 3 môn bắt buộc để xét tốt nghiệp đều trên 96% là: Môn Toán: 99,11%, môn Ngoại ngữ: 96%, Ngữ Văn: 99,3 %.
Về công tác đề thi 2016, Bộ GD&ĐT cho rằng đề thi đã đạt yêu cầu của Kỳ thi, không đánh đố, nội dung thuộc chương trình phổ thông, có tính phân loại cao, đặc biệt là nhóm các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, điều này có thể cải thiện được phổ điểm giúp cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh thuận lợi, nhất là các trường top trên.
Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục, đề thi năm nay tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi, có nhiều nội dung liên hệ thực tiễn, đồng thời có tính phân hóa cao, đáp ứng được hai mục tiêu của Kỳ thi vừa xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.
Phương án đổi mới kì thi được công bố vào đầu năm học mới
Theo Thứ trưởng Ga chia sẻ, việc tổ chức cụm thi ĐH ở tất cả các tỉnh/ thành phố trực thuộc TW với 120 cụm thi gồm 50 cụm thi tốt nghiệp do Sở GD&ĐT chủ trì và 70 cụm thi đại học do trường ĐH chủ trì ở tất cả các tỉnh thành phố là phép thử để Bộ Giáo dục trao quyền cho địa phương và các trường đại học trong công tác tổ chức thi, tuyển sinh.
Cũng chính Thứ trưởng Ga cho biết, sau khi công bố điểm cho thí sinh, Bộ sẽ gấp rút họp với các Sở, trường đại học để bàn về phương án tuyển sinh trong năm sắp tới. Theo đó, làm sao kì thi được xây dựng theo hướng nhẹ nhàng nhất, nghiêm túc nhưng không gây áp lực với thí sinh.
“Dự kiến, phương án tuyển sinh sớm nhất sẽ được đưa ra trong đầu năm học tới”- Thứ trưởng Ga cho biết thêm.
Tại họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi về sử dụng ngữ liệu trong bài thơ Tiếng Việt của Nhà thơ Lưu Quang Vũ ở đề Ngữ Văn. Tại sao Bộ GD&ĐT không sử dụng một văn bản thống nhất để tránh gây tranh cãi trong kỳ thi mang quốc gia? Việc học sinh tiếp cận văn bản này có ảnh hưởng kết quả thi? Bộ GD&ĐT có lường trước được sự tranh cãi không?
Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, nguồn ngữ liệu được sử dụng trong đề thi hoàn toàn chính xác, việc tranh luận trong văn học luôn là điều thú vị. Cuốn sách Bộ GD&ĐT đã sử dụng nguồn dữ liệu là Thơ việt Nam 1945-1985. Đây là cuốn sách gốc, dễ dàng tìm thấy ở tất cả các thư viện trên địa bàn Hà Nội.